Đúng là "thơ lớn" hay "đại thơ" nếu bạn cầm trên tay bộ 'Đại Việt sử thi' của tác giả Hồ Đắc Duy. Với tham vọng dựng lại lịch sử đất Việt từ thời đại Hồng Bàng đến hôm nay bằng thơ. Một bộ sử thi có giá trị văn học...
Một trong những đặc tính của thơ là có niêm luật, vần điệu nên dễ cảm, dễ thuộc, ghim thẳng vào bộ nhớ. Còn ngược lại, lịch sử cổ kim muốn đi hết, đi tường tận thì “thiên la địa võng”, “trên trời dưới bể”, khó nhớ khó thuộc đối với bạn đọc thị dân. Thành thử với Hồ Đắc Duy qua tác phẩm Đại Việt sử thi hiểu nôm na là diễn dịch lại lịch sử Việt Nam bằng thơ ca là một cách thức mới giúp người đọc dễ dàng đọc lịch sử và thích thú với cổ sử của cha ông hơn.
|
Một trang thơ "Đại Việt sử thi" trình bày khá đẹp của tác giả Hồ Đắc Duy |
Và công việc đó thật không dễ dàng nếu bạn đã cùng nhà thơ Hồ Đắc Duy làm một cuộc "đem tâm tình viết lịch sử". Mới thấy tác giả đã yêu sử Việt, tìm từ hình ảnh, từ ngữ đắc dụng như thế nào cho thế giới thi ca của mình. Lịch sử nghìn vẻ, nghìn trò. Chọn trong vẻ "nghìn trùng" mêng mông đó ra cái "muôn một" để hát thơ, hay làm thơ quả không phải ai cũng làm được!
Và đây! Cánh cửa Đại Việt sử thi. Lịch sử mở ra.
Thưở hồng hoang đã được mở lại bằng những câu thơ hào phóng, đầy sức gợi. Và có lẽ như rất dễ tiếp nhận với những ai sẵn lòng yêu mến, muốn tìm hiểu cổ sử:
Kinh Dương Vương dựng cờ mở nước
Đất ruộng đồng một dãi mêng mông
Cưới người con gái Thần Long.
Hạ sinh quý tử nối dòng đế vương
(Kinh Dương Vương - Xích Quỷ)
Những câu thơ khá gợi về một nước Văn Lang, nguồn cội của Việt Nam xưa.
Nước Văn Lang nhìn ra Đông hải
Động Đình Hồ ở mãi Bắc Vương
Bờ Tây: Ba Thục chắn đường
Phía Nam giáp nước Hồ Tôn của Chàm
Phân chia nước ra làm mấy bộ
Lấy Phong Châu làm chỗ trung quân
Việt Thường, Ninh Hải, Cửu Chân
Hoài Hoan, Giao Chỉ, Bình Văn, Dương Truyền...
|
Họa sĩ Phạm Cung đã dày công với những minh họa "cổ sử" trong bộ Trường thiên Truyện thơ |
Với thể thơ song thất lục bát, các phần Thời nhà Thục (257 - 208 TCN) với An Dương Vương Âu Lạc.
Chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy với nỏ thần được tái hiện với câu thơ tài hoa:
-"Mỵ Châu tình đã nặng lòng/Rắc đường lông ngỗng để chồng tìm theo". Dấu vết thơ đi cũng là dấu tích tình hận nghìn năm Cổ Loa.
Các triều đại khác của sử Việt tiếp nối, trải dài qua Đại Việt sử thi (quyển 2 và 3). Không phải đoạn thơ, câu thơ nào cũng hay! Nhiều chỗ tác giả bí lối, lặp lại, câu chữ ngô nghê. Tuy nhiên, điều đáng khen là nhà thơ không bỏ qua hay "nhảy cóc" một thời đại nào. Dù cảm hứng hay mất cảm hứng. Để đọc giả được theo dõi liền mạch những bước tiến thăng trầm, ngoạn mục, bi tráng, uy hùng của lịch sử.
Một nét độc đáo khác của bộ Đại Việt sử thi "dựng sử bằng thơ" là có sự tham gia bộ tranh minh họa của họa sĩ nổi tiếng Phạm Cung. Với những nét thảo, mộc, bay bướm, tài hoa Phạm Cung đã cho ra bộ tranh đầy cảm hứng nghệ sĩ. Tái hiện một cách sinh động và chân thực lịch sử Việt tang thương, binh biến, nhiều chiến chinh qua các tranh vẽ lính thú, ngựa ô, thiếu phụ đêm trăng chờ chồng, trai gái lứa đôi chia tay tiển nhau lên đường... Thơ và họa đã hòa vào nhau như một nhất thể Đại Việt.
Được biết bộ Đại Việt sử thi của nhà thơ Hồ Đắc Duy mới in xong tập 3 do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành, 4.2014. Và sẽ còn tiếp nhiều tập khác!
Một bộ sử liệu bằng thơ và tranh khá hài hòa giúp các bạn trẻ thêm hiểu sử, tiếp cận sử và yêu sử. Đó cũng là tình yêu nơi chốn quê nhà, không đi đâu, không viễn xứ mà suốt đời hoài hương vậy!
Các ông bố, bà mẹ trẻ cũng có thể tìm Đại Việt Sử Thi để hát ru con mình. Để dạy con cái bài học đầu tiên chính là tình yêu Tổ Quốc...
Đông Dương. Ảnh: Hải Huỳnh