Làng ấy dần không chứa nổi thân hình gầy guộc, bốn mươi ký của cô giáo Mỹ. Tôi biết vậy, bởi thời gian này, mỗi lần đi qua nhìn vào ngôi trường lại có cảm giác nó bé đi một chút. Hay tại học sinh lớn quá nhanh?

Trong một tiết khí mùa xuân

Một Thế Giới | 13/04/2014, 08:20

Làng ấy dần không chứa nổi thân hình gầy guộc, bốn mươi ký của cô giáo Mỹ. Tôi biết vậy, bởi thời gian này, mỗi lần đi qua nhìn vào ngôi trường lại có cảm giác nó bé đi một chút. Hay tại học sinh lớn quá nhanh?

Thời gian đầu, khi mới về quê giữ chân văn thư, tôi thường nhắc đến giậu mồng tơi bao quanh trường tiểu học với mẹ. Mẹ tôi nấu canh mồng tơi với cá Rô gion rất ngon, nên đi đâu tôi cũng hay để ý đến giậu mồng tơi. Chẳng hiểu cây mồng tơi ở trường học ăn cái gì mà non tơ mơn mởn như thế, mặc dù nơi chúng mọc toàn là đá mồ côi, lô nhô, lố nhố.

Tay Chơn, trực bưu điện bảo rằng, đám trẻ con hay ra đấy đái thì nó mới tốt thế chứ sao. Cái giống mồng tơi là chúa thích món nước đái. Tôi cười, anh đến tuổi về vườn rồi hay sao mà nghiên cứu rau củ kỹ thế? Tay ấy cười hô hố, nói tiếp điều gì đó bùng nhùng, chẳng ra đầu ra đuôi.

Tay Chơn có lẽ là người đàn ông duy nhất trong làng. Tất nhiên, trừ đám thằng người suốt ngày đem vợ con ra làm túi đấm bốc mỗi khi say rượu và mấy ông cụ không còn đuổi kịp lũ gà phá vườn.

Làng này tồn tại như một điều kỳ cục. Nghe mấy ông cụ tán chuyện thì nó đã có từ thời Nam Bắc phân tranh. Mạc Đăng Dung trên đường chạy lên phía Bắc, để lại một đám tàn quân yếu bệnh giữa đường nên sau đó thành làng.

Xét về địa thế, thì câu chuyện có vẻ đúng, bởi làng nằm trong một thung lũng tách biệt, đá mồ côi nhiều như củ cải, cam chanh bòng bưởi không mọc nổi, đâu đâu cũng chỉ trồng toàn ngô. Mấy năm trước, những bắp ngô bé tí, ngọt lừ còn thấy nhiều, trẻ con có cái thú trộm ngô rồi ngồi châu đầu nướng ăn, người lớn thì tử tế hơn, nướng ngô trong bếp. Vài năm nay trồng toàn ngô răng ngựa, thứ chỉ để nuôi lợn gà. 

Đình thần của làng thờ một cái yếm lớn. Điều đó, làm tôi nghi ngờ thêm về tính xác thực của câu chuyện nguồn gốc làng. Lẽ nào  tên phản phúc họ Mạc đã giấu giếm đám đàn bà con gái hết hạn sử dụng ở đây để đỡ mang thêm tiếng bội bạc chăng?

Như bao nhiêu trẻ con trong làng khác, tôi lớn lên với đám ngô khoai, chẳng biết gì về thế giới bên ngoài. Chỉ biết rằng ở nơi đó có nhiều trong sách vở, là nơi con trai có thể chơi với con gái mà không bị trêu chọc, nơi người ta tha hồ tự do, ăn kẹo mút, một thế giới thiên đường.

Tất cả trẻ con ở nơi này khi thành người lớn đều bỏ đi tìm thiên đường.

Trong làng chỉ còn trơ lại toàn ông bà già và những kẻ vô công rồi nghề, rượu chè, cờ bạc, công việc hằng ngày là hành hạ người khác, ném chó chửi mèo.

Tay Chơn nghe nói đã từng là một tay giang hồ tứ chiếng. Dù từ khi về làng, hắn khá hiền lành, trở thành củ khoai, hạt lúa. Hắn xấu tướng, mới gần ba mươi mà như đã bốn mươi. Răng vổ, bị nhiễm tetracyline nên vàng vàng, xỉn xỉn. Khuôn mặt như bánh bao thiu, ngày này qua ngày khác cứ nghền nghệt ra phía sau quầy tính tiền ở bưu điện duy nhất trong làng. Hắn lùn, bụng to như trống cái, hay nói những câu đùa cợt vô duyên…

Tuy vậy, người ta rất nể hắn, nhà ai có con gái lớn cũng nhăm nhe gả cho hắn. Hắn là niềm mơ ước của biết bao cô gái. Có lẽ vì hắn là người duy nhất trong làng …đeo kính cận.

Ngày cô giáo Mỹ về làng là ngày Vũ Thủy, mùa xuân. Cô giáo ướt nhẹp. Mái tóc dài ép vào khuôn mặt gãy, làm mắt cô sâu hơn. Thằng bé ngồi trú mưa trong bưu điện, níu tay mẹ sợ hãi. Tay Chơn ngẩng mặt lên lơ đãng hỏi, cô tìm ai? Cô chào thân thiện, nhưng không trả lời câu hỏi của hắn khi đi vào, điệu bộ hệt như những thục nữ khác. Tuy nhiên, cái cách cô ngồi xuống đã tố cáo cô. Hai chân hơi giạng ra, nước chảy tong tong.

Thằng bé đã bớt sợ hơn. Cô nhìn nó cười hiền, thậm chí còn đưa tay vuốt má nó. Người mẹ sung sướng, nét mặt tươi cười dãn ra, cảm tưởng một phần của mình trong đứa con trai đã tới gần cô gái lạ, một cô gái thật là lạ, lạ theo kiểu cao sang…

Cô gái ấy khác biệt rất nhiều so với những cô gái trong làng. Người mẹ kín đáo nhìn kỹ cô. Có lẽ sẽ chẳng ai ngăn được bà ta nhìn vào tận chân lông cô nếu tay Chơn không hắng giọng một tiếng dài, khàn khàn đục đục đờm trong cổ.

Bà mẹ giật mình, lơ đãng, a, trời hết mưa rồi con. Cảm ơn chú Chơn nhé, chào cô. Bà bế thằng con lên, hơi đưa người về phía sau để cân với trọng lượng nó ở phía trước, lững thững đi ra ngoài trời ẩm ướt, mặt đất lỗ chỗ vệt nước để lại, có những vệt to như mắt mèo hoang hoặc một bông hoa dâm bụt be bét.

Trong bưu điện chỉ còn trơ ra khuôn mặt tròn xoe của tay Chơn và khuôn mặt dài ngoằng của cô giáo Mỹ.

Tôi bước vào.

Phải nói, tôi thấy hơi choáng khi cô Mỹ bất ngờ quay ra. Một khuôn mặt gây ấn tượng đến rợn người. Nước còn ướt đẫm trên từng sợi tóc mai thòng xuống. Cặp môi mỏng dính, thâm sì lại vì lạnh. Và ánh nhìn len lén, sợ sệt. Cô gái như con quỷ nhỏ chưa biết hút máu người đang bị bao vây bởi một loạt nạn nhân tương lai của mình.

Tay Chơn không nhìn cô gái, hắn bảo tôi, hôm nay không có thư cũng chẳng có báo, anh được nghỉ. Thấy thái độ nghiêm nghị khác thường của hắn, tôi liếc qua cô Mỹ. Chẳng có ấn tượng tốt đẹp gì, tôi toan quay ra thì cô cất tiếng hỏi, anh có về trường học không? Làm ơn dẫn đường cho tôi. Tôi quay lại gật đầu, tay Chơn nhíu mày. Tôi mỉm cười  diễu cợt với hắn rồi ra hiệu cho cô Mỹ đi theo mình.

Cô Mỹ đi cùng tôi về trường học. Chiếc xe máy của tôi rung lên bần bật sau mỗi cục đá nhỏ chắn đường. Mỗi lần như thế tôi lại quay lại xem cô Mỹ có bị rơi xuống không. Cô Mỹ không bám vào người tôi mà níu tay vào yên xe. Tôi bảo, cô nói chuyện gì đi. Dường như hiểu, cô bắt đầu nói.

-Vùng này đẹp quá anh nhỉ?!

Sau câu nói ấy, tôi không hề nghe một tiếng hít hà như điệu bộ quen thuộc của các cô gái khi làm ra vẻ yêu đời. Hai tay cô cũng không thể giang rộng đón gió thành ra lời nói của cô mang tính chiếu lệ nhiều hơn.

-Tôi thấy chỉ toàn đá là đá mà.

-Đá cũng đẹp chứ – cô lí nhí.

-Cô đến trường học làm gì?

-Tôi là giáo viên mới.

Tôi không nói gì thêm. Chiếc xe xóc như xóc ốc leo lên sườn dốc thoai thoải. Trường học hiện ra dưới một chiếc cầu vồng. Mái lợp còn ướt đẫm. Hương mặn mòi của cỏ tranh không khỏa lấp được dáng dấp thê lương, thảm hại của nó.

Tôi để cô giáo xuống trước cổng trường. Chiếc biển gỗ đề tên trường treo lủng lẳng trên cây gỗ khẳng khiu. Cô giáo Mỹ nhìn cái biển một lúc, chào tôi rồi đi thẳng vào trong. Tôi dắt xe quay ra nhưng nghĩ ngợi một lúc tôi quay lại gọi với theo:

-Cô có cần gì thêm không?

Nhưng cô Mỹ đã đi vào trong lớp học xiêu vẹo từ lâu rồi. 

***

Thời gian dần qua đi, tôi lao vào những trò điên cuồng của một cuộc đời gọi là có gia đình. Tôi lấy vợ theo yêu cầu của mẹ già. Bà già quá khốn khổ đến nỗi cả đời chỉ biết đổ hết hi vọng, niềm tin, của cải vào một thằng chỉ có tương lai làm văn thư, lương tháng tám trăm nghìn như tôi. Mỗi khi có khách đến nhà, bà vẫn đem ông con cán bộ xã ra khoe.

Cuối năm tôi hai bảy tuổi, mẹ tôi dẫn về nhà một cô thôn nữ e lệ, mắt xếch và to, chân như chân trâu, hai vú nảy nở dập dình theo từng bước đi. Mỗi bước chân cô ta đi đều phát ra tiếng bình bịch. Cô ta thường xuyên đến nhà tôi sau đó, lúc thì giúp làm đất khu vườn, lúc thì nấu giúp nồi cám lợn, lúc thì dẫn đứa cháu hàng xóm đi chơi.

Một đêm trăng, gió bạt ngàn, nước lóng lánh như bột vàng. Hoa mướp lay lay trên thân cau tơi tả, xác xơ. Tôi nằm trên chõng tre giữa sân. Ánh trăng tỏa xuống làm bỏng rát tôi.

Tôi đang say rượu.

Trong ánh trăng ấy, trước mắt tôi là một khuôn mặt vàng suộm, khuôn mặt của ánh trăng. Mẹ tôi ngồi trong nhà.

-Bố anh chết sớm, cái thân tôi giờ già cả, yếu đuối, nói anh có nghe nữa đâu.

-Mẹ đừng nói nữa…

-Anh có lấy vợ không thì bảo, nếu không cút xéo ra khỏi nhà tôi. Tôi vô phúc mới không con không cháu…

-Mẹ muốn tôi thành con chó giống cho cái nhà này à?

-Anh câm ngay cho tôi – Bà già vắt khăn tay lên vai, chống nạnh chạy ra hiên gào toáng lên.

Tôi ngửa mặt lên trời. Gió luồn vào họng, khô khốc.

Tôi hát.

-Trời xanh, thấy bóng trăng qua chiều tà dương. Ta lặng nghe  bước chân em đến bên đời…

Có tiếng bước chân bình bịch. Một đôi chân trâu…

Ngoài đường, tiếng rao nghe rợn tóc gáy.

-Ai mua nồ…i… không?....

Bà già tức khí chạy ra cổng.

-Tiên sư thằng bán nồi kia, tối rồi không cho ai ngủ à?

Rồi bà đi vào nhà, vừa đi vừa lẩm bẩm.

-Rao thế mà bán cái l. mẹ mày?!

Cuối tháng đó, tôi lấy vợ…

Tôi trở thành vô hồn, đôi khi có để ý đến những kẻ xung quanh thì đó cũng chỉ là những cái nhìn hờ hững.

***

Cô giáo Mỹ ngày càng tàn tạ.

Tay Chơn bỗng chốc biến thành kẻ nghiện rượu, vật vờ bờ tre gốc dứa.

Giậu mồng tơi trước trường học trở thành bức tường thực vật cho nhà vệ sinh của học trò. Phòng giáo dục huyện rót nghị quyết xuống báo rằng nên tăng cường trồng thêm mồng tơi vì chưa có kinh phí xây nhà vệ sinh. Giậu mồng tơi ngày càng tươi tốt, phần vì được tưới tắm đủ nitơ, phần vì người ta bỏ quên công dụng thực sự của mồng tơi là nấu canh. Cả làng chẳng ai dám ăn canh mồng tơi, ngay cả ở những cây mồng tơi sạch sẽ.

Một chiều, khi đi ngang qua bãi ngô giữa truông vàng, tôi thấy tay Chơn đang nằm lăn lóc một chỗ. Tôi chạy vội xuống xem hắn sao, người ngợm hắn lạnh tanh, bên cạnh có một chai rượu cổ ngỗng đã cạn rọt.

-Khổ chửa, rượu chè lắm làm gì để thành con ma thế này.

Tôi vực hắn dậy, xoa dầu gió khắp người. Được một lúc, hắn từ từ tỉnh.

Trời dần tối, trăng ló ra bên kia dãy núi. Màu vàng trải dài ra thăm thẳm. Hắn nằm cong queo trên thảm lá ngô úa. Tôi cũng nằm xuống. Tôi cảm tưởng như có một bản nhạc quá trầm đang từ từ rót xuống truông.

Dây leo chằng chịt. Gió cuộn những đợt vô thường. Như hai hình nhân nằm giữa bạt ngàn trời đất, tôi thấy tất cả nỗi cô độc của nhân gian đổ xuống chúng tôi.

Sau hôm ấy, tay Chơn biến mất. Cô giáo Mỹ được người ta khiêng đến bệnh viện. Tất cả mọi người trong làng, nhất là đám học sinh đều lo lắng cho cô.  Trong nhà ngoài ngõ đều bàn chuyện đi thăm cô Mỹ. Vợ tôi cũng sắm được vài chục trứng rồi cùng mẹ chuẩn bị lên bệnh viện. Trước khi đi, thị quay lại liếc xéo tôi với một cái nhìn mà đối với thị nó rất là tình tứ.

Cô Mỹ được chẩn đoán ung thư, sẽ chết trong vòng ba tháng.

Người lớn, trẻ con, ngay đến những kẻ thường nói xấu cô Mỹ đều mang bộ mặt thương cảm khi nhắc về cô. Ai không như vậy sẽ bị quy là máu lạnh.  Tay Chơn trở về làng như Chí Phèo, mặt mũi đỏ lử và bơ phờ vì bị rượu hành. Cô Mỹ được chuyển về trường ở tạm để chờ người nhà dưới xuôi lên đón.

Đêm.

Mưa gió bão bùng. Vợ tôi đã đi nằm từ lâu. Mẹ tôi ngồi trầm ngâm trên ghế dựa.

-Mày phải tính đi con ạ.

-Mẹ bảo tính gì?

-Hừm… Sinh cho tao thằng cháu rồi muốn đi đâu thì đi…

-Mẹ sao vậy? Con có đi đâu đâu.

Mẹ tôi thở dài một tiếng, bước vào buồng ngủ.

Mưa càng lúc càng to. Nước tuôn xối xả. Dưới ánh sáng nhờ nhờ của trăng già, nó đỏ ối như màu máu. Tôi rùng mình, thấy hai cánh tay nổi đầy gai ốc. Tôi cầm vội cây đèn pin, mặc cái áo tơi treo ngoài cửa rồi chạy theo hướng trường học. Ngôi trường chơ vơ trên sườn đồi, chỉ mình cô Mỹ ở đó. Trên đường, tôi gặp xác một con chuột chết đang trôi theo dòng nước.

Trường học ướt lướt thướt dưới sức tàn phá của cơn mưa rừng.

Giữa sân đất, tay Chơn đứng trơ trơ như tượng đá. Quần áo và tóc hắn bết xuống. Dưới ánh sáng của ánh chớp, thấy miệng bặm lại khắc khổ.

Trong căn nhà cô Mỹ ở vẫn sáng ánh đèn. Tay Chơn vồ lấy tôi khi tôi lay gọi hắn.

-Tôi phải đem cô ấy đi thôi, hắn nói.

Mưa nặng hạt thêm. Trời gầm lên những tiếng xé ngang nhân thế, loang lổ những tia điện xoẹt ngang trời.

Tất cả sẽ bị dìm chết.

Tôi kéo hắn vào bên trong hiên nhà, đất ẩm nhoe nhoét trơn trượt.

-Anh sao thế? Muốn chết à?

-Anh thì biết cái cóc khô gì.

Nói xong tay Chơn tru lên khóc tu tu.

-Này, anh sao thế. Này, này…, tôi hốt hoảng.

Hắn vẫn khóc, nước mắt nhiều hơn nước mưa. Trong phòng cô Mỹ, ánh đèn dầu đã tắt phụp, như một lời xua đuổi lạnh lùng. Trong đầu tôi hiện ngay ra chuyện có thể tay Chơn đã thầm yêu cô Mỹ từ lâu.

Ánh đèn tắt càng kích động hắn, hắn lao tới đập tay liên hồi vào cánh cửa lỏng lẻo nhưng đáp lại hắn vẫn chỉ là sự im lặng.

-Thôi mà, tình yêu không thể gượng ép đâu, cô ấy sắp chết rồi…

-Anh câm mẹ mõm đi, anh thì biết quái gì về tình yêu, loại người chỉ biết úp mặt làm theo lời người khác nói như anh…

-Cô ấy, từ mấy chục năm nay đã đi theo dấu tôi, chân trời góc bể cũng đi tìm tôi…

-Vậy sao hai người không cưới nhau, sinh con đẻ cái, tôi kinh ngạc hỏi.

Tiếng cười man dại của tay Chơn vang lên.

-Đấy là tự do.  

-Cuối cùng của Tự Do là đến chết cũng không chịu gặp mặt anh chứ gì, tôi cười khẩy.

-Đúng thế, ừ đúng thế, hắn gục xuống, hai tay ôm đầu, mông lung lẩm bẩm.

Đêm đó, tôi trở về nhà, làm tình điên dại với vợ. Đôi chân trâu run lên bần bật, bộ ngực lúng liếng lấp đầy mặt tôi.

***

Tôi ra đi vào một buổi sáng. Tôi chưa biết đi về đâu, có lẽ là đi tìm một ai đó.

Vợ tôi đã có mang được hai tháng. Cô ta và bà mẹ già của tôi chờ đợi một đứa con trai.

Cô giáo Mỹ đã về xuôi, chờ đến ngày chết.

Tay Chơn nghe nói đã trở lại con đường du thủ du thực. Có lẽ lần này hắn sẽ đi tìm cô Mỹ.

Sau đêm hắn biến mất, giậu mồng tơi vốn được tưới đẫm nước tiểu của đủ loại người trước ngôi trường ấy đã bị cày nát, một cái lá cũng không còn nguyên vẹn. Nghe người làng đồn, thủ phạm chính là hắn.  

Việc tôi bỏ đi được ngụy trang bằng một chuyến công tác dài ngày. Vậy là không ai ở lại bị mất mặt.

Người làng sẽ nhanh chóng lãng quên tôi. Thế giới bên ngoài theo tôi vẫn còn những cây kẹo mút, dù ngọt hay đắng cũng được.

Trò chuyện cùng tác giả:
Cái đẹp luôn đi đôi với nỗi buồn

Địa điểm là một vùng đất lặng lẽ khuất lấp đâu đó trên đất nước buồn. Nhân vật là những con người có tên nhưng gương mặt cứ mờ mịt xa xăm như mây đen trên trời chiều. Và chuyện tình của họ nghe sao bi đát quá: ai bắt họ cứ phải tự đọa đày như thế? Có thế không ai, không lúc nào và không ở đâu… Mông mênh và trĩu nặng, như bầu trời sắp mưa… 

Trong mot tiet khi mua xuan
 

*Có một vùng đất như thế, có những con người như thế... Sao câu chuyện của bạn lại buồn đến vậy?

-Để biết tại sao những câu chuyện lại buồn có lẽ rất khó. Đối với tôi lại càng khó hơn. Xét trên một ý nghĩa tích cực nào đó, nỗi buồn nuôi dưỡng con người tinh thần của tôi. Nó khiến tôi cảm giác được sự tồn tại một cách trực diện nhất. Trong tôi luôn có một khoảng lớn bí ẩn mà chính tôi cũng chưa biết bao giờ mình hiểu hết. Tôi chọn cách khám phá dần bằng ngôn ngữ, ý tưởng.

Con người vốn dĩ cô độc, sự sáng tạo cũng là một con đường cô độc. Mặc dù biết rõ đôi khi thế giới đông đúc khiến tôi càng cô đơn hơn nhưng dù sao đó vẫn là cuộc sống của tôi, tôi chấp nhận sự cô đơn như một người bạn tốt chứ không hề sợ nó.

*Ra là con người dù ở bên nhau, dù đang bên mẹ con, chồng vợ… thì họ vẫn cô đơn khủng khiếp. Vậy thì người ta làm thế nào để sống?

-Trên một mức độ nào đó, người ta cần cân bằng được sự thỏa hiệp và mâu thuẫn với thế giới quanh mình. Những mối quan hệ đôi khi cũng đem lại hạnh phúc. Tôi tin tưởng vào hạnh phúc ấy dù nhỏ nhoi, có đau khổ thì cũng là một cảm giác tốt đẹp thúc đẩy những ý tưởng. Để trả lời cho câu hỏi làm sao để sống, theo tôi đó là hiểu rõ và nhận biết rõ về thế giới, bình thản trước sóng gió để có thể mỉm cười. 

*Bạn có cho rằng cái buồn là tiêu cực?

-Tất nhiên là không. Nỗi buồn với tôi là một đặc ân. Tuy nhiên để cảm nhận thấu đáo được đặc ân của nỗi buồn thì cần một tâm hồn biết đào sâu chôn chặt, biết coi trong chính mình. Hồi còn nhỏ tôi mê mệt Kawabata, Đẹp và buồn của ông ấy khiến tôi không dứt suy nghĩ về nó. Càng trưởng thành tôi càng hiểu rằng: cái đẹp luôn đi đôi với nỗi buồn - không phải một tuyên ngôn mà là một sự hưởng thụ.

*Bạn còn trẻ. Bạn có nghĩ mình sẽ đi trong cõi đời này thế nào?

-Tôi không nghĩ cuộc đời quá cao siêu, một cõi nhân sinh quá bí hiểm. Đi trong cõi đời nghe có vẻ hơi siêu thực. Với tôi cuộc đời là một cuốn phim, tôi là người xem và đem cảm xúc của mình để thể nghiệm chính mình. Đôi khi tôi cũng là diễn viên, cũng lao đầu vào những pha gay cấn để thử chút chơi. Người ta biết buông bỏ thì người ta sẽ thanh thản - như Phật đã dạy.

*Cái gì khiến bạn phải cầm bút? Bạn có tin mình sẽ tìm thấy người đọc của mình?

-Tôi cầm bút vì đó là bản năng. Từ nhỏ cho đến khi có nhận thức rõ ràng tôi luôn biết mình sinh ra để viết văn. Không phải một điều lớn lao vĩ đại gì đâu, nó chỉ như là người này muốn uống nước, người kia muốn ăn cơm, người nọ lại muốn đi chơi thì tôi muốn viết, vậy thôi. Tôi né tránh mọi hoạt động ngoài lề bởi muốn giữ riêng cho mình một bản sắc. Tôi tin, người đọc sẽ nhận biết được tôi, háo hức như cách tôi đã nhận ra các nhân vật của mình.

Ngô Thị Kim Cúc. Ảnh: NVCC

Tác giả: Phạm Phương sinh năm 1988 tại Thái Bình, tốt nghiệp Đại học Quốc gia năm 2009, hiện sống và làm việc tại Hà Nội.

Tác phẩm: Giấc mơ (tập truyện, NXB Hội Nhà văn, 2011), Ảo ảnh (tập truyện, NXB Trẻ, 2013) và khoảng 20 truyện ngắn đăng trên các ấn phẩm như Tuổi Trẻ, Sông Hương, Văn nghệ, Tiền Phong, Người Hà Nội...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phát triển đồng bằng sông Hồng: Phải thoát tư duy cũ, chú trọng đổi mới sáng tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trong một tiết khí mùa xuân