Lãnh đạo Bộ Tài chính nói rằng việc quyết định cơ quan làm đầu mối quản lý, điều hành giá xăng dầu do Chính phủ, Thủ tướng quyết định.
Trao đổi với báo chí về việc Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính làm đầu mối quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu.
Thứ trưởng Chi cho rằng quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi sửa đổi Nghị định. Chính phủ sẽ cân nhắc, cơ quan nào sát nhất với chức năng nhiệm vụ, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho quá trình điều hành xăng dầu thời gian tới thì sẽ giao.
"Trong trường hợp khác đi thì Bộ Tài chính chấp hành các phân công của Chính phủ và dù giao việc quản lý, điều hành xăng dầu cho cơ quan nào, bộ nào thì cũng đều phải tốt lên", ông Chi nói.
Theo ông Chi, công tác quản lý, điều hành xăng dầu thời gian qua, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính cơ quan cùng tham gia, bộ đã chủ động, trách nhiệm để việc điều hành giá có hiệu quả.
"Quan điểm của Bộ Tài chính là Bộ Công Thương điều hành khá tốt. Trong bối cảnh như vậy mà xăng dầu Việt Nam vẫn được điều hành nhịp nhàng, hỗ trợ cho tốt các cân đối vĩ mô và kiềm chế được lạm phát", Thứ trưởng Chi nói.
Trước đó, trong văn bản gửi các bộ ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định 95/2021và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính toàn quyền điều hành giá xăng dầu.
"Phương án giao Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bảo đảm việc phân công công tác quản lý nhà nước về xăng dầu thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của các bộ ngành. Bộ Tài chính có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính sẽ thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành đối với mặt hàng xăng dầu", Bộ Công Thương đề xuất.
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 15 vào tháng 10.2022, tham gia làm rõ một số vấn đề về công tác điều hành thị trường xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối là Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án với Quỹ bình ổn
Tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án quy định đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG).
Bộ Công Thương cho biết, do quỹ BOG là công cụ linh hoạt duy nhất để nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành giá, nếu bỏ quỹ BOG sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.
Do vậy, Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án quy định đối với quỹ BOG:
1: Giữ nguyên quy định về quản lý Quỹ BOG hiện hành.
2: Tiếp tục giữ công cụ quỹ BOG để điều hành giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá cụ thể. Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi quỹ bình ổn giá khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. Phương án này để vừa bảo đảm nhà nước có thể điều hành khi cần thiết nhưng giảm dần sự can thiệp của nhà nước vào giá xăng dầu.
3: Bỏ quỹ BOG.
Với nội dung này, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, theo đó tiếp tục có quy định về quỹ bình ổn giá, tuy nhiên, có quy định cụ thể về các trường hợp phải sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá (trích lập và chi), đồng thời công thức giá có sự thay đổi theo hướng nhà nước chỉ công bố giá định hướng gồm các yếu tố về giá thế giới, các loại thuế, lợi nhuận định mức, các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán.
Việc lựa chọn phương án 2 nhằm bảo đảm giá xăng dầu dần theo thị trường, phản ánh đủ chi phí phát sinh của doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường.