Tạp chí The Diplomat cho biết đường sắt cao tốc nối Trung Quốc với Thái Lan qua Lào cuối cùng cũng đã bắt đầu xây dựng tại tỉnh Nakhon Ratchasima của Thái, nhưng dự án bị trì hoãn lâu dài này vẫn còn gặp nhiều trở ngại phía trước.

Đường sắt Trung Quốc thông ở Thái, nghẽn ở Lào

Cẩm Bình | 29/12/2017, 17:59

Tạp chí The Diplomat cho biết đường sắt cao tốc nối Trung Quốc với Thái Lan qua Lào cuối cùng cũng đã bắt đầu xây dựng tại tỉnh Nakhon Ratchasima của Thái, nhưng dự án bị trì hoãn lâu dài này vẫn còn gặp nhiều trở ngại phía trước.

Lễ khởi công xây dựng diễn ra vào ngày 21.12. Giai đoạn đầu sẽ xây dựng tuyến đường sắt dài 250 km nối thủ đô Bangkok với Nakhon Ratchasima, dự kiến được đưa vào hoạt động năm 2021. Toàn bộ tuyến có chiều dài 873 km, từ Bangkok đến thành phố Nong Khai gần biên giới với Lào.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tuyên bố nước này muốn trở thành trung tâm kết nối của khu vực thông qua hệ thống đường sắt đi qua Đông Dương ở phía tây và Myanmar, đi vào Ấn Độ ở phía tây. Theo ông Prayut: “Con đường này là để kết nối Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đến Trung Quốc, Ấn Độ và đến các quốc gia khác xa hơn”.

Tuyến đường sắt xuyên châu Á là một trụ cột chính trong Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc (OBOR), một sáng kiến mà nước này dùng để thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế. Để hiện thực hóa OBOR, Bắc Kinh đã hợp tác và không tiếc tiền đổ vào dự án đường sắt cao tốc ở nhiều quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á.

Trước lễ khởi công ở Nakhon Ratchasima 4 tháng, Thái Lan đã ký 2 hợp đồng trị giá 157 triệu USD với các tập đoàn nhà nước Trung Quốc cho dự án hiện tại. Theo hợp đồng, Thái Lan là bên sở hữu dự án và chịu trách nhiệm xây dựng, còn Trung Quốc sẽ phụ trách thiết kế, cung cấp kỹsư, hệ thống đường sắt và thiết bị.

Tuy nhiên, mọi chuyện không phải hoàn toàn thuận lợi. Vì các vấn đề về thiết kế và kiểu viện trợ của Trung Quốc, dự án đường sắt ở Thái Lan, lẫn ở Campuchia và Lào, đã bị trì hoãn rất lâu.

Hai năm trước, Thủ tướng Prayut bất ngờ hủy bỏ các thỏa thuận song phương mà Trung - Thái đã đạt được, từ chia sẻ vốn đầu tư, chi phí, tỷ lệ chia lợi nhuận cho đến quyền phát triển, sử dụng đất, địa điểm đặt các ga tàu. Động thái này được đưa ra sau khi truyền thông nước này kêu gọi xem xét đến lợi ích quốc gia cũng như chỉ trích ông Prayut đã không mặc cả tốt khi bàn bạc với Trung Quốc về kế hoạch xây dựng.

Dự án đường sắt ở Lào của Trung Quốc còn gặp trở ngại - Ảnh: Laotian Times

Ở Campuchia, dự án tuyến đường sắt nối Phnom Penh đến Sihanoukville bị bủa vây bởi nhiều cáo buộc tham nhũng. Trong khi đó, một tuyến đường dài 400 km Phnom Penh - Poipet (giáp biên giới Thái Lan), từng bị hoãn vì vấn đề tái định cư người dân, có thể hoàn thành trước tiến độ. Theo Bộ trưởng Giao thông Campuchia Sun Chanthol, tuyến đường sắt này dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018, sớm hơn thời hạn đến 2 năm.

Tuy đã thông ở Thái Lan và Campuchia, tuyến đường sắt nối Vientiane (Lào) và Côn Minh (Trung Quốc) vẫn đang sa lầy vào các vấn đề chi phí và lo ngại chính quyền Lào phải đối mặt với nguy cơ “nợ ngập đầu” khi vay mượn quá nhiều từ Bắc Kinh.

Nhưng theo thỏa thuận mới nhất, đoạn đường sắt dài 418 km với chi phí 6,28 tỷ USD kể trên dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Phía Trung Quốc đã đưa ra những điều khoản tốt hơn so với thỏa thuận ban đầu. Trong đó, Bắc Kinh đồng ý chi trả 70% chi phí xây dựng.

Cẩm Bình (theo The Diplomat)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đường sắt Trung Quốc thông ở Thái, nghẽn ở Lào