Sau những ngày nổi đình nổi đám vì Trạm BOT Cai Lậy thu phí đường bộ và bị tài xế phản ứng phải xả trạm, giờ đây Tiền Giang lại được nhắc đến với dự án BOT thu phí cả đường sông!

Đường sông cũng dính BOT: Dự án nạo vét kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) để thu phí

Hùng Anh | 24/10/2017, 15:17

Sau những ngày nổi đình nổi đám vì Trạm BOT Cai Lậy thu phí đường bộ và bị tài xế phản ứng phải xả trạm, giờ đây Tiền Giang lại được nhắc đến với dự án BOT thu phí cả đường sông!

Bất bình trước thông tin BOT kênh Chợ Gạo

“Kênh Chợ Gạo có từ thời Pháp, bị sạt lở, luồng chạy tàu hẹp, thì ngành giao thông phải thi công nạo vét. Lâu nay tàu bè đều phải đóng phí giao thông, phí đăng kiểm, phí xăng dầu, bây giờ cho làm BOT để thu tiền chủ tàu là bất hợp lý”, ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ tàu ở tỉnh Vĩnh Long, bức xúc nói.

Ông Tuấn đã có thâm niên hơn chục năm điều khiển con tàu trọng tải hơn 500 tấn vận chuyển thuê hàng hóa nông sản từ các tỉnh miền Tây Nam bộ về TP.HCM qua tuyến kênh Chợ Gạo. Ông Tuấn kể, nếu không có kênh Chợ Gạo thì tàu bè vận chuyển hàng hóa từ miền Tây phải đi theo sông Tiền ra biển Đông để vô TP.HCM, hoặc phải chạy lên khu vực Đồng Tháp Mười đi theo kênh Đồng Tiến về Sài Gòn, rất mất thời gian và tốn kém nhiều chi phí.

“Kênh Chợ Gạo giúp các chủ tàu, ghe rút ngắn hàng trăm cây số đường thủy, tiết kiệm chi phí, nên giá cả nông sản cũng rẻ. Công bằng mà nói, trước đây khi còn cầu Chợ Gạo cũ, do khoang thông thuyền hẹp mà lưu lượng tàu bè, sà lan qua lại quá đông nên thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài, thậm chí xảy ra tai nạn ở khu vực cầu. Nhưng trong 2 năm 2016- 2017, sau khi bắc 2 cây cầu mới có khoang thông thuyền rộng hơn, thì tui chưa bị ùn tắc lần nào”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, hiện nay dù kênh Chợ Gạo không còn cảnh “kẹt tàu” kéo dài nhưng luồng chạy tàu của con kênh bị thu hẹp còn chưa đầy 30m, nguyên nhân là do nạn sạt lở 2 bên bờ kênh gây ra. Việc nạo vét mở rộng và bảo đảm độ sâu cần thiết cho luồng chạy tàu là cấp bách, vì đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối các tỉnh miền Tây và TP.HCM, nhưng đó là trách nhiệm của ngành giao thông.

“Tui có nghe thông tin kênh Chợ Gạo sắp triển khai nạo vét, kè chống sạt lở bờ bằng hình thức BOT rồi sau đó thu phí của ghe tàu qua lại. Chuyện này thật vô lý, bởi lẽ lâu nay các chủ tàu phải đóng nhiều loại phí như đăng kiểm, chịu phí giao thông khi sử dụng xăng dầu… như xe trên đường bộ.

Nhưng trên bộ thì ngành giao thông còn tu sửa đườngcho xe chạy, dưới sông thì tui chẳng thấy họ làm gì ngoài việc cắm mấy cái biển báo hiệu, thả mấy cái phao nổi phân luồng. Lẽ ra việc nạo vét luồng lạch cho tàu bè đi lại thuận tiện thì ngành giao thông phải thực hiện, nhưng nay họ đề xuất cho làm BOT để tiếp tục thu tiền của chủ tàu là quá bất hợp lý”, ông Tuấn bức xúc nói.

Trong khi đó ông Ba Minh, tài công ở H.Cần Đước (Long An) chuyên lái sà lan trọng tải 1.000 tấn vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM, miền Đông Nam Bộ qua kênh Chợ Gạo về các tỉnh ĐBSCL và ngược lại, cho biết giới tài công, chủ tàu đều bất bình khi nghe tin sắp tới sẽ phải nộp phí BOT nếu muốn đi qua kênh Chợ Gạo.

“Tụi tui chở hàng thuê từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM chỉ hơn 200.000 đồng/tấn, ngoài chi phí xăng dầu, ăn uống, khấu hao máy móc thì dọc đường còn phải chịu nhiều loại phí “không tên” khác, nên đồng lời chẳng có bao nhiêu. Tui nghe nói mức nộp phí BOT qua kênh Chợ Gạo là hơn 1.400 đồng/1 tấn hàng hóa và phải nộp hơn 17 năm, nếu vậy thì giới tài công, chủ ghe, tàu chỉ còn nước húp cháo”, ông Minh nói.

Nhiều đoạn kênh Chợ Gạo bị sạt lở là nguyên nhân làm hẹp và cạn luồng chạy tàu

Ông Nguyễn Văn Út, thương nhân mỗi tuần đều thuê sà lan vận chuyển gạo từ khu vực chợ lúa gạo đầu mối Bà Đắc (xã An Cư, H.Cái Bè, Tiền Giang) về Sài Gòn qua kênh Chợ Gạo, không giấu âu lo: “Nếu sắp tới ghe tàu đi qua kênh Chợ Gạo phải nộp phí thì chắc chắn giá vận chuyển sẽ tăng, giá bán gạo cũng phải tăng lên, như vậy chỉ có người tiêu dùng bị thiệt thòi”.

BOT kênh Chợ Gạo ra sao?

Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Long An có điểm đầu tại Km 0 (ngã ba sông Vàm Cỏ) và điểm cuối tại Km 28+687 (ngã ba sông Tiền), có chiều dài 28,687km, với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỉ đồng. Giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2015 với mức đầu tư là 787 tỉ đồng bằng vốn ngân sách.

Tổng mứcđầu tưdự án giai đoạn 2 (đã bao gồm lãi vay) là 1.388 tỉđồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 15%, vốn vay 85%. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 17 năm 10 tháng. Sau khi hoàn thành kênh Chợ Gạo sẽ đạt tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp II, có chiều rộng luồng chạy tàu là 55m; chiều sâu luồng 3,1m.

Kết quả nghiên cứu của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho thấy dự án khả thi về mặttài chínhkhi thực hiện đầu tư giai đoạn 2 theo hình thức BOT, với điều kiện nhà đầu tư được thu phí sử dụng đường thủy nội địa trên toàn bộ tuyến kênh với chiều dài 28,6km để hoàn vốn đầu tư.

Số liệu thống kê cho thấy hiện nay mỗi ngày đêm có khoảng 1.800 lượt tàu thuyền lưu thông qua kênh Chợ Gạo, trong đó phần lớn là các tàu, sà lan có trọng tải từ 500 tấn trở lên. Vì vậy nhà đầu tư chỉ thu phí với các tàu thương mại vận tải hàng hóa có trọng tải toàn phần lớn hơn 100 tấn; phương tiện chuyên dùng quy đổi 1 mã lực tương đương 1 tấn trọng tải; tàu chở khách quy đổi 1 ghế hành khách tương đương 1 tấn trọng tải…

Mức thu phí dự kiến là 50 đồng/tấn/km, tương đương 1.430 đồng/tấn đối với tổng chiều dài kênh là 28,6km, nhưng nhà đầu tư được tăng phí 3 năm một lần, mỗi lần tăng 3%. Các hình thức thu phí gồm thu thủ công trực tiếp tại các trạm thu phí, thu phí qua đăng kiểm, hệ thống cảng vụ và công nghệ không dừng ETC.

Nhà đầu tư còn có thể đề xuất các phương án thu phí khác mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án. Hiện tại Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 đã hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật và thiết kế cơ sở, đang trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê của Bộ GTVT, những năm qua 70% lượng hàng hóa xuất khẩu của vùng ĐBSCL vẫn phải chuyển tải về các cảng biển TP.HCM bằng đường bộ, khiến doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí vận tải cao hơn từ 10 - 60% so với đường thủy. Trong khi đó 1 tấn hàng hóa từ ĐBSCL vận chuyển về các cảng ở TP.HCM để xuất khẩu bằng đường thủy tốn chi phí khoảng 10USD, nhưng bình quân mỗi năm khu vực ĐBSCL chỉ vận chuyển được hơn 10 triệu tấn hàng hóa về TP.HCM, với tổng chi phí khoảng 100 triệu USD và tất cả đều phải đi qua kênh Chợ Gạo.

Như vậy, nếu chỉ tính 3 năm đầu tiên thu phí với giá thu 1.430 đồng/tấn thì riêng lượng hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL nhà đầu tư BOT kênh Chợ Gạo sẽ thu được khoảng 43 tỉ đồng/3 năm. Số tiền này sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm sau vì nhà đầu tư được phép 3 năm tăng giá 1 lần.

Nhưng đó chỉ là con số nhỏ! Bởi trong khi đó, nhiều nhất lại là hàng nông thủy sản phục vụ nội địa, hàng ngày từ ĐBSCL vận chuyển rất nhiều về TP.HCM rồi đưa đi các tỉnh, thành. Và hàng từ Đông Nam Bộ chuyển về ĐBSCL… Số lượng rất lớn!

Và hàng hóa vận chuyển trước đây có 2 sự lựa chọn: muốn nhanh nhưng giá cao thì chọn đường bộ. Còn chậm nhưng giá thấp thì chọn đường thủy. Nhưng nếu dự án này triển khai, hàng hóa đi đường nào cũng bị thu phí!

Theo ông Phạm Văn Trọng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Tiền Giang, hiện nay UBND tỉnh chưa nghe Bộ GTVT thông báo sẽ thực hiện giai đoạn 2 cải tạo nâng cấp kênh Chợ Gạo bằng dự án BOT rồi thu phí của các chủ tàu, thuyền, nên chưa thể có ý kiến gì.

Nhiều năm qua UBND tỉnh chỉ rất mong muốn Bộ GTVT nhanh chóng hoàn thành việc cải tạo mở rộng, nạo vét luồng chạy tàu, xây dựng bờ kè chống sạt lở cho kênh Chợ Gạo, nhưng cho đến nay dự án vẫn còn dang dở.

Theo dự kiến, giai đoạn 2 của dự án thực hiện trong 2 năm 2016 - 2017 thi công 11km qua địa bàn huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang). Theo đề xuất của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, dự án sẽ nạo vét mở rộng phía bờ Nam đoạn Chợ Gạo từ Km 12+000 đến Km 21+700; kè kết cấu thảm đá dày 30cm bờ Nam kênh Chợ Gạo đoạn Km 12+000 – Km 21+300; kè đứng phía bờ Nam đoạn thị trấn Chợ Gạo, phạm vi từ Km 21+300 - Km21+900, dài khoảng 600m, kết cấu cừ ván BTCL DUWL SW940 đồng thời xây dựng mới khoảng 23 cống thoát nước và trạm thu phí.

Xuân Anh
Bài liên quan
Hà Nội thí điểm Chatbot AI - Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế
Cục Thuế TP.Hà Nội áp dụng thí điểm ứng dụng Chatbot AI - Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đường sông cũng dính BOT: Dự án nạo vét kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) để thu phí