Một bộ phim có đầy đủ sự bi – hài dẫn khán giả đi từ cung bật cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác, tuy nhiên nó không đơn giản chỉ là khóc – cười với nhân vật mà ý nghĩa nhân văn trong câu chuyện mới là điều ở lại trong lòng mỗi khán giả.

‘Em là bà nội của anh’ – cùng cực của cái bi và cái hài

Một Thế Giới | 02/12/2015, 06:30

Một bộ phim có đầy đủ sự bi – hài dẫn khán giả đi từ cung bật cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác, tuy nhiên nó không đơn giản chỉ là khóc – cười với nhân vật mà ý nghĩa nhân văn trong câu chuyện mới là điều ở lại trong lòng mỗi khán giả.

Có thể nói, ca sĩ Miu Lê đã làm nên một điều ngoạn mục, cô đã khiến khán giả phải bật cười sung sướng với cách diễn hài hước và đáng yêu của mình, nhưng cũng làm khán giả liên tục rơi nước mắt với nét diễn già dặn, cứng cáp và tự nhiên như thật của mình khi hóa thân thành một… bà nội tuổi 20.

‘Em la ba noi cua anh’
 

Em là bà nội của anh là một câu chuyện bi – hài xoay quanh nhân vật bà Đại (NSƯT Minh Đức thủ vai), một người trải qua đầy đủ những thăng trầm trong cuộc sống. Với bà, con trai là duy nhất, là tất cả, kể từ ngày chồng hi sinh nơi chiến trận. Bà tình cảm nhưng lạnh lùng và khó tính. Yêu thương con trai và cháu trai nhưng lại khắt khe với con dâu và cháu gái. Cũng vì thế mà khi vô tình nghe đứa con trai mình yêu thương nhất nói rằng sẽ gửi bà về quê để vợ được sống thoải mái hơn, bà đã quyết định - một quyết định làm thay đổi số phận, thay đổi tất cả và những bi – hài cũng bắt đầu từ đây.

Bộ phim có lẽ sẽ khiến khán giả hơi khó hiểu và ngẫn ngơ ở đoạn bà Đại bỗng nhiên trẻ ra hơn 50 tuổi sau khi nhìn vào chiếc máy ảnh, tuy nhiên, tình tiết quá hấp dẫn, lôi cuốn đến mức họ quên mất ‘vì sao ?’.

‘Em la ba noi cua anh’
NSƯT Minh Đức và ca sĩ Miu Lê trong vai bà nội.

Sau khi trở thành cô bé 20 tuổi, bà Đại (Miu Lê thủ vai) vẫn giữ thần thái và cốt cách của một người phụ nữ tuổi 72. Đây là điều khiến khán giả cười từ đầu đến cuối bởi cô nàng Miu Lê diễn xuất quá chân thật và tự nhiên.

Vì sợ tiết lộ danh phận, bà Đại mới đổi tên thành Đại Thị Thanh Nga. Với nhan sắc mỹ miều, tính tình đặc biệt thu hút người đối diện, ‘bà nội trẻ’ Thanh Nga đã khiến nhiều người ‘phải lòng’, trong đó có cả Trí Tùng – cháu trai của bà (Ngô Kiến Huy thủ vai).

Thanh Nga còn có một điểm cuốn hút nữa đó là giọng hát trời phú làm say lòng người. Cô xuất hiện đúng vào lúc ban nhạc Bầy Chó Hoang của cháu nội đang khủng hoảng vì ca sĩ chính đã bỏ đi. Giọng ca vàng của Thanh Nga không chỉ chinh phục trái tim của Trí Tùng, mà còn khiến một nhà sản xuất âm nhạc (Hứa Vĩnh Văn đóng) phải lạc bước…

‘Em la ba noi cua anh’
 

Và bà Đại còn có một trí kỷ, đó là ông Bé (NSƯT Thanh Nam đóng), khi bà bỗng nhiên biến mất thì ông Bé là người phát hiện ra thân phận của bà đầu tiên, bởi cô Thanh Nga có nhiều điểm giống bà Đại. Sự hài hước của cặp đôi này cũng đã khiến khán giả cười không ngớt bởi NSƯT Thanh Nam vốn dĩ là một cây hài chân chất, mộc mạc với bao khán giả, đặc biệt từ khi “Hai Lúa lên đời”.

‘Em la ba noi cua anh’
 

Bộ phim không chỉ mang đến cái hài, cái bi của một con người, một số phận, mà nó còn khiến khán giả cảm nhận được cái tình trong sự yêu – ghét giữa con người với nhau. Như chuyện bà Đại có một “tình địch” là bà Xuân (NSUT Kim Xuân thủ vai), mặc dù hai người họ ghét nhau đến nỗi chạm mặt là “đụng tay đụng chân”, nhưng khi sa cơ thất thế, họ lại nghĩ về nhau, ngay cả lúc bà Xuân qua đời, trong chiếc điện thoại của bà ấy chỉ lưu tên của hai người là ông Bé (do NSƯT Thanh Nam thủ vai) – người tình trong mộng của bà và một số là của bà Đại, lúc này, Thanh  Nga mới nhận ra, cô cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống của bà Xuân. 

Hay chuyện mẹ chồng – nàng dâu, mặc dù mẹ chồng hay khắt khe, khó tính nhưng con dâu (do Hồng Ánh thể hiện) vẫn luôn một lòng yêu thương và chiều lòng mẹ. Và cũng nhờ trẻ ra, bà Đại mới nhận thấy được tình cảm của con dâu dành cho mình.

‘Em la ba noi cua anh’
 

Bộ phim có một sự kết hợp nhịp nhàng từ gia đình ra ngoài xã hội, từ thời chiến tranh đến thời bình, hay cả sự góp mặt của người miền Nam lẫn miền Bắc… nó khiến khán giả cảm nhận vừa đủ tình yêu, hạnh phúc, niềm vui, nỗi buồn, sự mất mát, hi sinh, chịu đựng… Và cũng không khiến khán giả cảm giác bị hụt hẫng hay chênh phô cảm xúc…

Các diễn viên tham gia trong phim, từ vai chính đến vai phụ tất cả đều mang đến một lối diễn xuất chân thật, tự nhiên và “diễn mà như không diễn”. Còn với Miu Lê, đây được cho là một vai diễn khó nhưng cô đã khiến khán giả thật sự hài lòng bởi tài năng của mình, từ diễn xuất đến ca hát. Cô đã dẫn dắt khán giả đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác một cách tự nhiên, nhịp nhàng.

‘Em la ba noi cua anh’
 

Điều đặc biệt trong Em là bà nội của anh là đạo diễn đã cho các diễn viên đình đám, gạo cội gồm 3 thế hệ hội ngộ với nhau một cách rất rõ nét, đó là thế hệ NSƯT Minh Đức, NSƯT Thanh Nam, NSƯT Kim Xuân, thế hệ NSƯT Đức Khuê, Hồng Ánh và thế hệ diễn viên Miu Lê, Hứa Vĩnh Văn, Ngô Kiến Huy, Thu Trang, Lều Phương Anh, Hari Won...

Và trong bộ phim này, người ta còn thấy đâu đó có hình bóng của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời - Thanh Nga, từ trong tiệm chụp hình cho đến hình ảnh của bà Đại khi trở thành “bà nội tuổi 20”. Đạo diễn đưa khán giả quay về lại thời chiến tranh với những ca khúc gắn liền với những người sống trong thời bom rơi đạn lạc, rồi cả những bản cải lương để đời của những nghệ sĩ nổi tiếng một thời như nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Nam… Và những bản nhạc Trịnh, nhạc trẻ mà bất cứ một lứa tuổi nào cũng có thể xem được.

‘Em la ba noi cua anh’
 

Em là bà nội của anh được làm lại từ phiên bản gộc Miss Granny (Ngoại già tuổi đôi mươi) của Hàn Quốc. Tuy nhiên, phiên bản Việt được đạo diễn Việt hóa để phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Nói về lý do thực hiện bộ phim này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh có chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Em là bà nội của anh đến với mình như duyên số. Rất là có duyên số. Khi lần đầu xem trailer phim này, mình đã không có ý định xem. Thấy poster phiên bản Việt Nam, mình càng không muốn xem. Thế rồi khi sang Nhật dự LHP Okinawa, phim này cũng tranh giải, và vì rảnh rỗi, mình đi xem, và mình bị chinh phục. Mình đã rơi nước mắt khi xem bộ phim hài này trong một rạp chiếu phim nhỏ ở thành phố Naha…”.

‘Em la ba noi cua anh’
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và các diễn viên trong phim.

Mình cũng phải nói rằng, người mình phải cảm ơn nhiều nhất cho sự thành công của bộ phim này - sự thành công của riêng mình, không phải là của phòng vé doanh thu - chính là gia đình mình, là mẹ của mình. Bởi vì chính những tình cảm gia đình, chính tình yêu của mẹ là nguồn cảm hứng để mình làm bộ phim này. Trong mỗi nhân vật trong phim đều có hình bóng ai đó trong gia đình mình. Với mình, Em là bà nội của anh là một phim rất cá nhân, dẫu cho nó là một phim được làm lại từ một kịch bản Hàn Quốc. Mọi thứ trong phim đều có gì đó rất gần gũi với mình, mà vì lẽ đó, mình cảm thấy thật dễ dàng để nói chuyện với diễn viên, để họ hiểu được cảm xúc của nhân vật, của câu chuyện”.

Em là bà nội của anh tuy dài hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng nó không làm khán giả phải ngừng lại một giây phút nào bởi sự tiếp diễn và lôi cuốn trong bộ phim. Hai tiếng đồng hồ đủ để khán giả nhìn thấy được một giấc mơ dài và đẹp của cụ bà 72 tuổi khao khát trở về tuổi đôi mươi, được yêu với tình yêu nồng nàn của tuổi trẻ, được hát với niềm đam mê như ngọn lửa thiêu đốt tuổi thanh xuân… Và hơn hết là cảm nhận sự yêu thương tràn trề, sự gắn kết tình máu mủ thiêng liêng…

Mimosa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Em là bà nội của anh’ – cùng cực của cái bi và cái hài