Luật mới về xử phạt người lái xe có nồng độ cồn, đã khiến nhiều dân nhậu “khốn khổ”.

'Éo le' quanh chuyện đo cồn

Hùng Anh | 10/01/2020, 08:53

Luật mới về xử phạt người lái xe có nồng độ cồn, đã khiến nhiều dân nhậu “khốn khổ”.

Tình ngay, lý gian

Mấy ngày qua giới tài xế ở Tiền Giang xôn xao bàn tán chuyện nhiều trường hợp “chết oan” vì bị Cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra nồng độ cồn khi điều khiển xe. Ông Trần Văn Hoàng, tài xế xe dịch vụ lâu năm TP.Mỹ Tho, nói: “Tui có ông bạn tên T. làm nghề tài xế xe khách, nhưng mấy hôm nay phải nghỉ chạy. Ổng bị phạt 20 triệu đồng, giam bằng lái 23 tháng, bây giờ không biết trong thời gian treo vô lăng phải làm gì để kiếm tiền nuôi vợ con. Mà ổng bị phạt trong trường hợp rất oái oăm, tình thì ngay nhưng lý lại gian”.

Ông Hoàng kể, chiều 3.1, nhà ông T. có đám giỗ, nên ông nhậu với bạn bè quắc cần câu, đến khoảng 19 giờ thì đi ngủ. Sáng hôm sau, như thường lệ ông T. lái xe chở khách đi TP.HCM. Lúc xe vào địa phận TP.HCM thì gặp 1 chốt CSGT đón lại, kiểm tra. Bước xuống xe trình giấy tờ, ông T. bị CSGT phát hiện có mùi rượu, nên buộc ông phải kiểm tra nồng độ cồn. Ông T. thổi 1 phát, máy báo trong hơi thở ông có cồn ở mức trên 0,4mg/lít khí thở, vậy là bị CSGT lập biên bản xử phạt, giam bằng lái.

1 bợm nhậu ngồi vỉa hè, uống rượu 1 mình trên đường Hùng Vương (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) trước khi chạy xe gắn máy về nhà - Ảnh: Thanh Anh

Mặc dù ông T. hết lời thanh minh, phân trần là ông chỉ nhậu hôm trước, do cơ địa “bình cầm hơi tốt” nên hơi thở còn mùi rượu, chứ mới sáng sớm ai mà nhậu nhẹt, nhưng CSGT cương quyết bác bỏ, vì máy đo độ cồn đã thông báo kết quả như vậy. Phân trần hoài không xong, cuối cùng ông T. đành ngậm ngùi ký vào biên bản vi phạm.

May mắn hơn ông T. là trường hợp của ông B. ở TP.Mỹ Tho. Hôm 3.1, ông B. lái xe 7 chỗ chở 5 ông khách nhậu say quắc cần câu về TP.HCM. Xe ông B. vừa vào địa phận TP.HCM thì bị CSGT đón lại, kiểm tra. Phát hiện 5 ông khách trên xe say xỉn, CSGT buộc ông B. phải kiểm tra nồng độ cồn. Ông B. thổi vào máy, kết quả trong hơi thở ông có cồn khiến ông tá hỏa, vì bản thân ông chẳng uống giọt rượu nào.

Thấy CSGT chuẩn bị lập biên bản, ông B. hoảng hồn vội vàng phân trần, giải thích là ông không uống rượu. Việc trong hơi thở của ông có cồn có lẽ do chở mấy ông bợm nhậu say xỉn đi trên quảng đường hơn 70 km, xe máy lạnh đóng kín cửa, ông hít thở chung bầu không khí chật hẹp trong xe, nên hơi thở mới có mùi rượu. Rất may là mấy anh CSGT thấy hành vi, lời nói của ông B. không giống người có uống rượu nên bắt ông đứng chờ hơn 10 phút rồi… thổi lại vào máy lần nữa. Lần này máy báo trong hơi thở ông B. không có mùi rượu, nên được CSGT cho xe đi.

Những “quái chiêu” đối phó CSGT

Tại TP.Mỹ Tho, từ sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, nhiều dân nhậu đã biết sợ do mức phạt quá cao và còn bị tước bằng lái 2 năm. Nhiều chủ quán nhậu xác nhận, lượng khách đến quán giảm rõ rệt trong những ngày gần đây. Để không bị mất khách, nhiều chủ quán nhậu đã tính đến phương án sắm xe để đưa khách say xỉn về nhà.

Mộtchủ quán nhậu trên đường Hùng Vương (xã Đạo Thạnh) bày tỏ: “Chỉ cần mua xe cũ cho rẻ tiền. Mình đưa họ về miễn phí, nhưng thực chất tiền xe đã tính thêm vào món ăn trong hóa đơn. Tui đã hỏi ý kiến nhiều khách quen, họ rất đồng tình với phương án này, vì vừa an toàn vừa không bị phiền phức với CSGT”.

Nhưng trong khi nhiều “đệ tử lưu linh” đang chọn cách đi taxi đến quán nhậu thì vẫn còn nhiều người hiên ngang điều khiển xe gắn máy hoặc ô tô đi nhậu. Ngoài việc bất chấp các quy định của pháp luật, những bợm nhậu này còn vừa nốc bia rượu vừa sôi nổi bàn luận, đưa ra những “sáng kiến” rất quái chiêu để đối phó với lực lượng CSGT.

Ông H. ở xã Mỹ Phong (TP.Mỹ Tho) cho biết, mấy ngày qua các “đệ tử lưu linh” thường đi nhậu bằng xe ô tô đã truyền tai nhau kinh nghiệm: nếu trên đường về gặp chốt CSGT đón lại thì cứ tấp xe vào lề, khóa cửa bỏ đi. CSGT không xử lý được sẽ phải gọi xe cẩu đến đưa xe ô tô về trụ sở và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi chủ xe đến nhận xe, không thể xử lý vi phạm nồng độ cồn vì không đo được.

“Tui nghe mấy bợm nhậu bàn bạc, tiền chi phí thuê xe cẩu và tiền xử phạt vi phạm hành chính cộng lại thì tối đa chỉ bằng 1/3 tiền phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, nhưng vẫn bảo toàn được cái bằng lái. Trong khi đó mấy tay bợm nhậu chuyên đi xe 2 bánh thì bàn nhau kiếm cái xe máy cũ giá chừng 2-3 triệu đồng để đi nhậu, nếu có bị CSGT thổi lại giữ xe thì… bỏ luôn”, ông H. nói.

Theo thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng CSGT Công an Tiền Giang, từ ngày 1.1 đến ngày 7.1, CSGT Tiền Giang đã xử phạt 23 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, tất cả người vi phạm đều điều khiển xe mô tô, chưa phát hiện trường hợp vi phạm đối với xe ô tô. Tổng số tiền xử phạt hơn 137 triệu đồng, tạm giữ 23 phương tiện. Trong 23 trường hợp vi phạm bị xử lý, người bị xử phạt đều chấp hành, chưa có trường hợp nào chống đối lực lượng tuần tra kiểm soát.

Tuy nhiên, mấy ngày gần đây CSGT đã phát hiện tình trạng các bợm nhậu tự thông tin cho nhau hoặc người dân thông tin cho dân nhậu vị trí các chốt kiểm soát của CSGT để họ tìm đường khác né trạm. Việc dân nhậu đi ô tô bàn bạc sử dụng chiêu khóa cửa ô tô bỏ đi khi bị CSGT kiểm tra, thượng tá Dũng cho biết chưa xảy ra trường hợp nào, nhưng nếu có thì sẽ rất khó xử lý vấn đề vi phạm nồng độ cồn, vì vài ngày sau lúc chủ xe đến nộp phạt, nhận xe thì cơ thể đã không còn mùi rượu.

Mộtvụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường Đinh Bộ Lĩnh (TP.Mỹ Tho) do tài xế điều khiển xe ô tô trong tình trạng say rượu - Ảnh: Thanh Anh

“Trước mắt, nếu xảy ra việc chủ xe khóa cửa xe bỏ đi, không chấp hành kiểm tra thì CSGT sẽ liên hệ với các địa phương để xử lý người vi phạm, nhưng về lâu dài cần có chế tài khác đối với hành vi này. Đối với những người bỏ xe gắn máy để tránh kiểm tra thì CSGT sẽ đưa xe về trụ sở, sau đó bán đấu giá sung công quỹ theo đúng quy định của pháp luật”, ông Dũng nói.

Riêng những trường hợp uống rượu từ tối hôm trước mà đến sáng hôm sau hơi thở vẫn còn mùi rượu như trường hợp của ông T., thượng tá Dũng khẳng định vẫn phải bị xử phạt theo đúng các quy định của Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ, không thể thông cảm, du di như giới ăn nhậu… “đề xuất”.

“Đối với những người này, có thể xác định là tối hôm trước họ đã uống rất nhiều rượu, nên cơ thể không đào thải kịp, đến sáng hôm sau hơi thở vẫn còn nồng nặc mùi cồn. Trong tình trạng đó thì dù họ có thanh minh là vẫn tỉnh táo, nhưng điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn không an toàn. Những trường hợp này đúng là “tình ngay, lý gian”, nên muốn không bị xử phạt thì tốt hơn hết là họ phải chờ cho cơ thể đào thải hết rượu bia thì mới tham gia giao thông”, thượng tá Dũng cho biết.

Tại Long An, Phòng CSGT cho biết tính từ ngày 1.1 đến ngày 5.1, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản xử phạt 27 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, trong đó có 2 trường hợp điều khiển xe ô tô sau khi có uống rượu. Khi bị kiểm tra, nhiều người vi phạm tìm đủ mọi lý do để mong lực lượng CSGT thông cảm bỏ qua, nhưng không được, nên tất cả đều phải ký vào biên bản.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Éo le' quanh chuyện đo cồn