Sự leo thang gần đây của các lệnh trừng phạt kinh tế của Trung Quốc đối với Lithuania đặt ra sự cần thiết phải có phản ứng mạnh mẽ của EU.
Khi Vilnius làm sâu sắc thêm quan hệ với Đài Loan, một hướng đi hoàn toàn phù hợp với chính sách của EU, thì Bắc Kinh đã mạnh tay bằng cách chặn tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Lithuania và đe dọa những tập đoàn đa quốc gia làm ăn với nước này bị loại khỏi thị trường Trung Quốc. Do đó, phản ứng của EU đối với các biện pháp cưỡng chế của Trung Quốc nhắm vào một quốc gia thành viên như Lithuania là cần thiết.
Các rạn nứt trong quan hệ giữa Vilnius và Bắc Kinh bắt đầu vào tháng 5.2021 khi Lithuania rút khỏi nền tảng 17 + 1 của Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu, và thông báo rằng thủ đô của họ sẽ sớm có “Văn phòng đại diện Đài Loan”. Trong khi các văn phòng đại diện khác của Đài Loan ở châu Âu dùng danh từ “Đài Bắc” để tránh làm phật lòng Trung Quốc, thì Lithuania lại quyết định cho phép mở văn phòng đại diện sử dụng tên Đài Loan tại Vilnius, điều khiến Bắc Kinh tức giận.
Trung Quốc đã triệu tập đại sứ ở Lithuania về nước và hạ cấp quan hệ ngoại giao, đồng thời gây sức ép lên những công ty, như hãng chế tạo linh kiện ô tô Continental của Đức để họ phải ngừng sử dụng linh kiện sản xuất tại Lithuania. Hàng hóa của Lithuania vào Trung Quốc cũng bị chặn. Ngoài ra, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Lithuania có hàng trăm công ty sản xuất các sản phẩm như nội thất, thiết bị laser, lương thực, quần áo, để bán cho các tập đoàn đa quốc gia đang làm ăn khắp nơi, cả ở Trung Quốc, bị ảnh hưởng.
Chuyện đang diễn ra giữa Vilnius và Bắc Kinh là một bài kiểm tra cho những vấn đề lớn hơn mà EU phải đối mặt. Trong bối cảnh Trung Quốc được cho là ngày càng gia tăng sử dụng các biện pháp cưỡng bức thương mại, việc EU có một chính sách đối ngoại và an ninh nhằm đối phó là điều cần thiết hơn báo giờ hết. EU cần phải phát đi tín hiệu rõ ràng rằng động thái ép buộc thương mại đối với một quốc gia thành viên ảnh hưởng đến thị trường chung nói chung và sẽ được đáp trả bằng hành động theo định hướng của khối.
Nếu EU không làm như vậy sẽ khuyến khích các tác nhân bên ngoài tìm cách chia rẽ và phá hoại lợi ích và quyền của khối và các quốc gia thành viên. EU phải đưa ra tiếng nói duy nhất và dứt khoát, khẳng định rằng các biện pháp cưỡng chế của Trung Quốc sẽ bị cấm theo luật pháp quốc tế cũng như vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Kinh tế thế giới (WTO).
Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng trước đã thảo luận kế hoạch trả đũa những quốc gia gây sức ép thương mại với EU thông qua việc đề xuất xây dựng Công cụ chống áp bức (ACI). ACI được kỳ vọng sẽ là một phương thức hiệu quả, có tính răn đe cao của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ các nước thành viên trước hành vi áp bức về kinh tế từ bên thứ 3. Động thái này xuất phát từ nhận định của khối về xu hướng căng thẳng địa chính trị thường “lan sang” lĩnh vực thương mại trong thời gian gần đây.
Theo đó, ACI sẽ nhắm tới các quốc gia cố gắng can thiệp vào “những lựa chọn chủ quyền hợp pháp” của EU hoặc một trong số 27 nước thành viên EU bằng cách hạn chế hoặc đe dọa hạn chế thương mại hay đầu tư để từ đó dẫn đến sự thay đổi chính sách ở trong nội khối về các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, thuế, an toàn thực phẩm...
ACI có thể bắt đầu hoạt động bằng việc xem xét các biện pháp thương mại của Trung Quốc đối với Lithuania. EU nên tìm cách chấm dứt các hành động ép buộc như vậy thông qua cam kết cởi mở, chẳng hạn như thông qua đàm phán và hòa giải, và nếu thất bại, hãy sẵn sàng cho các biện pháp đáp trả, bao gồm cả việc đình chỉ các nhượng bộ thuế quan.
ACI rõ ràng là thông điệp cho thấy EU sẽ quyết tâm bảo vệ lợi ích của khối trong môi trường thương mại quốc tế đầy biến động khó lường. Chỉ khi làm như vậy, EU mới có thể bảo vệ các giá trị, lợi ích cơ bản, an ninh, độc lập và toàn vẹn của mình.