Bên cạnh ưu đãi, EVFTA cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ mà nếu không có sự chuẩn bị sớm, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể hưởng được mức thuế ưu đãi 0%.

EVFTA và hàng loạt thách thức cho hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường châu Âu

Lam Thanh | 28/05/2021, 11:34

Bên cạnh ưu đãi, EVFTA cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ mà nếu không có sự chuẩn bị sớm, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể hưởng được mức thuế ưu đãi 0%.

Rào cản lớn từ xuất xứ, sở hữu trí tuệ…

Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất với 99,2% số dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

evfta.jpg
EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam

Tuy nhiên, bên cạnh ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ mà nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể hưởng được mức thuế ưu đãi 0%. Một trong những quy định đó là các yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo EVFTA.

Theo TS Cao Phương Thảo (Học viện Tài chính), EU là một thị trường có mức thu nhập cao, cũng là thị trường có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu rất lớn.

Theo bà Thảo, Hiệp định EVFTA hướng tới mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thỏa mãn quy tắc xuất xứ.

“Đây có thể là một cản trở đối với hàng xuất khẩu Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA”, bà Thảo nói.

Cũng theo bà Thảo, khó khăn tiếp theo là việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường từ EVFTA.

evfta-2.jpg
Xuất khẩu vào châu Âu là điều không dễ dàng

Về sở hữu trí tuệ, trong khi Việt Nam còn khá thờ ơ với vấn đề này thì đây lại là yêu cầu đặt lên hàng đầu từ phía EU. Thậm chí, đòi hỏi về bảo hộ sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư EU còn cao hơn đòi hỏi về quyền sở hữu trí tuệ trong WTO.

Bên cạnh đó, dù có nhiều nỗ lực nhưng tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại vướng mắc khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động. Những vướng mắc phổ biến liên quan đến việc người lao động làm thêm quá số giờ quy định; quy định về nghỉ tuần, nghỉ lễ; môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động; quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ, quyền được hỗ trợ của lao động nữ nơi làm việc và nuôi con nhỏ...

“Nếu không giải quyết, vấn đề này có thể là một rào cản lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU”, bà Thảo nói.

Ở góc độ bảo vệ môi trường, theo chuyên gia này, đến nay Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong vấn đề thực hiện các nghĩa vụ về môi trường trong khuôn khổ các ràng buộc và điều chỉnh thương mại. Đồng thời, nguồn lực dành cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế, ý thức và năng lực của cán bộ quản lý cũng như người dân chưa cao ảnh hưởng đến việc thực thi một cách nghiêm túc các nghĩa vụ liên quan đến môi trường.

“Thực trạng này đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam do những yêu cầu từ phía EU đối với DN xuất khẩu Việt Nam trong thực hiện các trách nhiệm về bảo vệ môi trường”, TS Thảo chia sẻ.

Bên cạnh những quy định về xuất xứ, lao động và môi trường, việc thâm nhập vào thị trường EU vẫn còn khó khăn từ các hàng rào phi thuế quan về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường EU.

Điển hình là mặt hàng nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.

Phát triển công nghiệp phụ trợ

TS Cao Phương Thảo cho rằng để tận dụng các cơ hội do EVFTA mang lại nhằm phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam cần phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm đảm bảo thỏa mãn yêu cầu về xuất xứ.

Theo đó, nhà nước cần xác định về các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Với nguồn lực có hạn, Việt Nam không thể phân tán lực lượng mà phải tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ mũi nhọn mà mình có khả năng như dệt may, giày dép, lắp ráp (như ô tô, xe máy, thiết bị điện và điện tử)...

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các DN đầu tư phát triển các cụm sản xuất nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); xây dựng cơ chế thuận lợi thu hút FDI từ các nhà đầu tư EU tham gia vào quá trình sản xuất cũng như vào các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam.

Một vấn đề nữa là cần hoàn thiện thể chế và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ.

evfta-3.jpg
Nông sản, thủy sản có nhiều cơ hội vào thị trường châu Âu

Cụ thể, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế nói chung cũng như EVFTA nói riêng.

Đồng thời, cần quy định các chế tài đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng về các vấn đề môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ; tăng cường đầu tư công nghệ xử lý chất thải, khí thải, đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo cam kết trong EVFTA; tăng cường giáo dục ý thức của DN về tầm quan trọng của việc chuyển sang sử dụng công nghệ sạch…

Bà Thảo cũng cho rằng cần phải phát triển năng lực công nghệ và quản lý chất lượng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn. Theo đó, cần thực hiện tốt các chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài ngành chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả; thu hút các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác công nghệ để tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất; phát triển mạnh hình thức thuê mua tài chính trong mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ cho các DN xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng phát triển và sức cạnh tranh của các DN; tăng cường đầu tư công nghệ phục vụ công tác kiểm tra, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác.

Bên cạnh những giải pháp trên, bà Thảo cũng cho rằng cần xây dựng những giải pháp tổng thể nhằm phát triển nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tìm hiểu và mở rộng các cơ hội tiếp cận thị trường EU.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
một giờ trước Thị trường và chính sách
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EVFTA và hàng loạt thách thức cho hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường châu Âu