EVN cho rằng việc dừng huy động phần công suất 172,12MW chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện Mặt Trời Trung Nam-Thuận Nam là tuân thủ đúng với các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật nhưng phía Trung Nam cho rằng phần công suất 172,12MW này đã được huy động từ tháng 10.2020 đến tháng 9.2022 và Bộ Công Thương chưa có chỉ đạo nào ngưng khai thác.

EVN và Trung Nam chưa đồng thuận trong giải quyết việc dừng mua 172MW điện mặt trời

Hồ Đông | 25/10/2022, 11:45

EVN cho rằng việc dừng huy động phần công suất 172,12MW chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện Mặt Trời Trung Nam-Thuận Nam là tuân thủ đúng với các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật nhưng phía Trung Nam cho rằng phần công suất 172,12MW này đã được huy động từ tháng 10.2020 đến tháng 9.2022 và Bộ Công Thương chưa có chỉ đạo nào ngưng khai thác.

Liên quan đến việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW của điện mặt trời Trung Nam chưa có giá, vừa qua Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo với nội dung là “EVN huy động phát điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam trên cơ sở hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký và theo các quy định của pháp luật”.

Cuối ngày 23.10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông tin làm rõ việc dừng huy động một phần công suất của nhà điện mặt trời Trung Nam.  Theo EVN đặt ra, vậy cụm từ “các quy định của pháp luật” ở đây được hiểu là theo quy định cụ thể ở các văn bản pháp lý nào?

Theo các văn bản pháp lý hiện hành, việc dừng huy động phần công suất chưa có giá của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450 MW căn cứ trên các văn bản pháp lý sau:

Văn bản số 12158/BCT-ĐTĐL ngày 19.12.2016 của Bộ Công Thương chỉ đạo: “Kể từ ngày 1.1.2017, nếu các nhà máy điện (trừ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh được quy định tại Quyết định 2012/QĐ-TTg ngày 24.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ và các nhà máy điện phối hợp vận hành với các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh được quy định tại Quyết định 4712/QĐ-BCT ngày 2.12.2016 của Bộ Công Thương) không có hợp đồng mua bán điện hoặc có hợp đồng mua bán điện nhưng giá điện đã hết hiệu lực, Bộ Công Thương yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị liên quan không huy động các nhà máy điện này phát điện lên lưới điện quốc gia trừ trường hợp cần thiết huy động để đảm bảo an ninh cung cấp điện”.

Điều 4 Thông tư số 13/2017/TT-BCT ngày 3.8.2017 của Bộ Công Thương quy định: “EVN không thực hiện việc tạm thanh toán hoặc thanh toán tiền điện cho nhà máy điện khi vận hành, phát điện lên lưới mà không ký kết chính thức hợp đồng mua bán điện. Trong trường hợp phải huy động các nhà máy này do yêu cầu đảm bảo an ninh cung cấp điện, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, phối hợp với đơn vị phát điện thực hiện việc huy động, vận hành và thanh toán tiền điện cho nhà máy điện”.

Như vậy với các căn cứ nêu trên, EVN khẳng định, việc dừng huy động phần công suất 172,12 MW chưa có cơ chế giá của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam là tuân thủ đúng với các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật.

Trên báo Tuổi Trẻ, phía Trung Nam sáng 25.10 cho rằng phần công suất 172,12MW này đã được huy động từ tháng 10.2020 đến tháng 9.2022 và Bộ Công Thương chưa có chỉ đạo nào ngưng khai thác. Đại diện Trung Nam cho hay cơ sở pháp lý và cơ sở pháp luật của dự án này đảm bảo việc huy động công suất từ năm 2020 đến 31.8.2022 là đúng quy định pháp luật.

Lấy dẫn chứng từ hợp đồng mua bán điện, Trung Nam cho hay khi đi vào vận hành từ tháng 10.2020, phần công suất 172,12MW của dự án được xét theo khoản 5, điều 4 với nội dung: "Trường hợp đến hạn thanh toán theo quy định tại khoản 1, nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công Thương về việc một phần nhà máy điện, hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện theo quy định tại khoản 3, điều 5, quyết định 13, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận. Tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công Thương".

Hồi giữa tháng 10, Cổng thông tin chính phủ đưa tin, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện mặt trời (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo yêu cầu EVN thực hiện khai thác, huy động trên cơ sở Thỏa thuận, Hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật có liên quan.

Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Văn bản số 6015/BCT-ĐTĐL ngày 4.10.2022 về việc tính toán khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện giờ chuyển tiếp.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 316/TB-VPCP ngày 5.10.2022 kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá của Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý nhà nước đối với ngành điện có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vấn đề còn tồn tại, bất cập hiện nay của ngành điện, chủ động xử lý theo quy định pháp luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EVN và Trung Nam chưa đồng thuận trong giải quyết việc dừng mua 172MW điện mặt trời