Christopher Steele, cựu điệp viên MI6 của Anh đã giúp FBI nỗ lực dụ dỗ tỉ phú Nga Oleg Deripaska cung cấp chứng cứ Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Tổng thống Mỹ Donald Trump rất tức giận Steele, và người ủng hộ ông đã xem Steele là kẻ thù, sau khi tay cựu điệp viên soạn một bộ tài liệu (gọi tắt là Hồ sơ) ám chỉ cơ quan tình báo Nga có những thông tin “bẩn” về đời tư và chuyện làm ăn của ông Trump, và Hồ sơ còn cáo buộc có sự thông đồng giữa nhóm tranh cử của ông Trump với người Nga.
Hiện Cục Điều tra liên bang (FBI) dưới quyền Công tố viên đặc biệt Robert Muller đang điều tra nghi án trên, cùng nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Báo New York Times ngày 1.9 đưa tin FBI và Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) từ năm 2014 đến 2016 đã nỗ lực dụ tỉ phú Deripaska làm “chỉ điểm”. Họ gợi ý với chủ nhân tập đoàn nhôm Rusal (Nga) rằng sẽ giúp ông tránh khỏi một số vấn đề pháp lý, và giúp ông có được visa nhập cảnh Mỹ.
Đổi lại, họ hy vọng ông “xì” ra các thông tin về tổ chức tội ác ở Nga, và sau này là muốn ông có thể cung cấp chứng cứ chống lại cuộc tranh cử tổng thống 2016 của ông Trump.
Tờ báo nổi tiếng chống ông Trump còn khoe đã có được những e-mail về vụ lôi kéo Deripaska, sau khi chúng được DOJ chuyển cho các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ hồi đầu năm 2017.
Các thư điện tử này gồm những cuộc trao đổi với giữa cựu điệp viên Steele của cơ quan tình báo nước ngoài (MI6, của Anh) với Bruce Ohr, một quan chức DOJ chuyên xử lý vấn đề tổ chức tội phạm Nga.
Các cuộc liên lạc này bắt đầu trước khi ông Trump trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, và tiếp tục suốt cuộc tranh cử.
Nỗ lực lôi kéo Deripaska của FBI bất thành
Các cựu và đương kim quan chức Mỹ cho Times biết, Deripaska là chủ đề trong nhiều cuộc đối thoại giữa Steele với Ohr từ năm 2014 đến năm 2016.
Họ yêu cầu giấu tên, vì đề cập một chương trình mật. Họ sợ việc tiết lộ chuyện lôi kéo Deripaska và các đại gia có thể gây hại cho an ninh quốc gia Mỹ, và càng khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin “siết” kiểm soát những người thân cận ông. Nhưng họ cũng không muốn ông Trump và các đồng minh sử dụng sự bí mật của chương trình để phá cuộc điều tra của Công tố viên Muller, cũng với lý do có thể gây hại cho an ninh quốc gia.
Chương trình bí mật này do FBI điều hành. Và để tạo điều kiện cho các cuộc gặp giữa FBI với các đại gia Nga (do Steele làm trung gian), FBI thúc Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép Deripaska đến New York với hộ chiếu ngoại giao Nga, với tư cách ông là một thành viên chính phủ Nga dự Đại hội đồng LHQ.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần không cấp visa nhập cảnh Mỹ cho Deripaska, nhưng rồi chấp thuận đơn xin cấp visa của ông vào các năm 2015 và 2016.
Và trong một cuộc gặp giữa các FBI với Deripaska vào tháng 9.2015, do Steele làm trung gian tổ chức và Ohr có dự, FBI yêu cầu Deripaska cung cấp thông tin về khả năng có mối quan hệ giữa các trùm tổ chức tội ác ở Nga với chính phủ Tổng thống Vladimir Putin.
Theo Times, nỗ lực lôi kéo Deripaska không đạt được kết quả, vì ông cho các đặc vụ FBI biết, rằng ông không đồng ý với giả thiết tổ chức tội phạm Nga và Điện Kremlin thông đồng trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016.
Một người biết chuyện giấu tên, cho Times biết Deripaska còn báo cáo Điện Kremlin vụ Mỹ cố gắng lôi kéo ông.
Deripaska từ chối cuộc gặp thứ hai. Nhưng hồi tháng 9.2016, FBI bất ngờ đến nhà riêng của Deripaska ở New York (Mỹ) hỏi liệu đối tác làm ăn cũ Paul Manafort có phải là “giao liên” với Điện Kremlin, khi Manafort là trưởng ban tranh cử tổng thống của ông Trump.
Trước đó vào tháng 7.2016, FBI bắt đầu điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, và hồi tháng 6, ông Manafort rời khỏi nhóm tranh cử, vì có thông tin ông vận động hành lang cho các đảng thân Nga ở Ukraine.
Lúc đó, các cơ quan tình báo Mỹ thuộc chính quyền Tổng thống Barack Obama đã lo ngại Nga can thiệp vào những tháng cuối của cuộc bầu cử Mỹ. Họ được báo động về các cuộc tiếp xúc giữa người Nga với nhóm tranh cử của ông Trump, và tin tặc Nga tấn công e-mail của đảng Dân chủ.
Sau này, các cơ quan tình báo Mỹ kết luận: Nga can thiệp cuộc bầu cử, và chính quyền Obama chật vật tìm cách đối phó, mà không để bị cáo buộc toan “chọc gậy bánh xe” vào cuộc tranh cử của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, vị nữ ứng viên của đảng Dân chủ đã thua ông Trump trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11.2016.
Còn có sự tranh luận của các quan chức cấp cao trong chính quyền Obama, về cách phản ứng mà không bị xem là cố gắng cung cấp thông tin vụ can thiệp cho bà Hillary Clinton.
Nhưng ở cuộc gặp thứ hai, Deripaska cho FBI biết, rằng dù ông không ưa Manafort vì có cãi vã trong chuyện làm ăn, nhưng ông cho rằng giả thiết Manafort làm “giao liên” giữa nhóm tranh cử với Nga là “cường điệu”, và không hề có chuyện Nga thông đồng với nhóm tranh cử của ông Trump.
Tỉ phú Nga bị Mỹ trừng phạt vì “thái độ bất hợp tác”
Tiếp đó, nỗ lực lôi kéo Derispaska bất thành, do quan hệ Mỹ-Nga ngày càng xuống cấp. Hồi tháng 4, Bộ Tài chính Mỹ gia tăng trừng phạt ông và Tập đoàn Rusal của ông, với lý do ông có lợi từ những “hoạt động ác ý của Nga”.
Khi tuyên bố mức trừng phạt này, chính phủ Trump dẫn các cáo buộc Deripaska tống tiền, bảo kê, đưa hối lộ, dính líu tổ chức tội phạm và thậm chí ra lệnh giết một doanh nhân Nga.
Deripaska phủ nhận các cáo buộc này, và các đồng minh nói sự trừng phạt nhằm trị ông đã có “thái độ bất hợp tác” với Mỹ.
Vẫn theo Times, Deripaska, 50 tuổi, là một đại gia thân cận ông Putin. Nhưng trong quá khứ, ông từng giúp chính phủ Mỹ, gồm một nỗ lực giải cứu một đặc vụ FBI bị bắt ở Iran, và có tin ông bỏ ra 25 triệu USD để giúp nhưng vụ này bất thành.
Và ông lại được mời hợp tác trước thềm cuộc bầu cử 2016, vào lúc ông muốn được phép đi Mỹ dễ dàng, vì muốn làm ăn tự do ở Mỹ và được công nhận như một tay môi giới quyền lực cấp toàn cầu.
Cựu điệp viên M6 Steele đã tìm cách giúp lôi kéo Deripaska, và trong thư điện tử gởi Ohr tháng 2.2016, cho biết Deripaska đã được cấp visa đi Mỹ.
Steele còn cho biết công ty của ông đã tổng hợp và lưu hành nghiên cứu “nhạy cảm”, mang ý Deripaska cùng các đại gia khác chịu sức ép của Điện Kremlin là phải tuyên truyền đường lối của chính phủ Nga.
Từ đó, Steele kết luận Deripaska không phải là “công cụ” của Putin, tức khác với quan điểm của chính phủ Mỹ.
Cựu điệp viên MI6 Christopher Steele - Ảnh: Omaha.com
Ông Trump mỉa mai “Hồ sơ bẩn thỉu” vì Steele nhận tiền gia công
Steele từng gặp Ohr lần đầu tiên từ khi còn làm việc cho MI6. Sau khi về hưu, Steele lập công ty tình báo GS Fusion, theo dõi các tổ chức tội phạm Nga và chuyện làm ăn cho các thân chủ tư nhân, gồm một trong số luật sư của Deripaska. Vợ Ohr cũng là một nhân viên hợp đồng của công ty tình báo Fusion GPS của Steele.
Các thời hạn của những e-mail cho thấy Steele và Ohr liên lạc bắt đầu từ năm 2007. Cụ thể lần gặp đầu tiên của họ bàn về chuyện Deripaska là ở Washington ngày 21.11.2014, tức 7 tháng trước khi ông Trump tuyên bố tranh cử.
Thông tin Ohr kết hợp với Steele, đã tạo dịp cho các đồng minh của ông Trump xem đây là chứng cứ về một “âm mưu kéo dài nhằm hạ bệ tổng thống Mỹ”.
Đích thân ông Trump tranh thủ thông tin, dọa tước quyền miễn trừ an ninh của Ohr, sau khi ông tước quyền này của John Brennan, cựu Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hôm 15.8.
Cuối tuần qua, ông Trump nói gia đình Ohr “ăn tiền lớn để giúp tạo ra Hồ sơ bẩn thỉu”. Ông cáo buộc Steele “toan tính xác minh điều không thể xác minh”, xác định “Steele ăn tiền của Hillary Clinton và FBI, và khi họ sa thải hắn vì nói láo, họ tiếp tục sử dụng hắn”.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)