Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa cảnh báo về các vụ việc kẻ gian lợi dụng dại dịch COVID-19 để lừa đảo người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe hoặc xét nghiệm bệnh dịch nhằm lấy tiền bất hợp pháp.
Ngày 14.4, trên trang Twiter của FBI xuất hiện cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo nhắm vào sự sợ hãi của mọi người với đại dịch COVID-19. Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là lừa các tổ chức, cá nhân mua thiết bị bảo vệ cá nhân và thiết bị y tế để chiếm đoạt tiền.
FBI cho biết có rất nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe mới nổi lên trong đại dịch, nhưng thực chất đây chỉ là những thông tin giả. Qua đó kẻ lừa đảo sử dụng các cuộc gọi qua điện thoại, qua nền tảng truyền thông xã hội gọi đến người đăng ký để tư vấn về điều trị. Sau khi nạn nhân sập bẫy, chúng gửi đến tận nhà những bộ kit xét nghiệm COVID-19 và yêu cầu chuyển tiền thanh toán, tuy nhiên bộ những bộ xét nghiệm đó đều là hàng giả.
Cảnh báo của FBI trên Twiter - Ảnh: Chụp màn hình
Cũng theo FBI, ngoài thủ đoạn trên, kẻ lừa đảo hứa sẽ điều trị miễn phí cho nạn nhân để đổi lấy thông tin bảo hiểm sức khỏe cá nhân, bao gồm dữ liệu tài chính, ngày sinh, mã số an sinh xã hội và trợ cấp y tế, để từ đó chúng dễ dàng lấy tiền của nạn nhân. Hoặc chúng giả danh chuyên gia y tế để yêu cầu người thân, bạn bè của bệnh nhân thanh toán tiền điều trị. Ngoài ra kẻ gian còn lợi dụng đại dịch để dụ người tiêu dùng mọi lứa tuổi bằng các vụ tống tiền, lừa đảo tại nhà thông qua chương trình thu phí thương mại điện tử và đầu tư tiền ảo.
Cảnh báo của FBI trên Twiter - Ảnh: Chụp màn hình
Ngày 14.4, cơ quan thuế của Mỹ (The Internal Revenue Service - IRS) cũng cảnh báo người dân về sự gia tăng các vụ lừa đảo liên quan đến coronavirus qua email, phương tiện truyền thông xã hội và các cuộc gọi điện thoại. Kẻ gian đã yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân để được nhận các khoản thanh toán từ các chương trình hỗ trợ thiệt hại do tác động của COVID-19 .
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (The US Federal Trade Commission - FTC) cho biết khoảng 12,78 triệu USD đã bị mất trong các vụ lừa đảo liên quan đến coronavirus theo các khiếu nại của nạn nhân kể từ đầu năm 2020. Trong 16.778 vụ lừa đảo, tổn thất trung bình mỗi vụ là 570 USD.
"Liên hệ với cơ quan thực thi pháp luật khi bị tống tiền và trước khi chuyển tiền của mình thành tiền điện tử để trả cho kẻ gian. Phòng Điều tra tội phạm của FBI có cả một đội ngũ chuyên ngăn chặn và chống lại các hoạt động rửa tiền và lừa đảo tiền điện tử", FBI khuyến nghị.
Tiểu Vũ