Forever 21 vừa gửi thư tới đông đảo khách hàng vào hôm hôm nay để thông báo: Forever 21 Inc. đã tự nguyện nộp đơn xin phá sản. Cụ thể, Forever 21 sẽ đóng cửa trên 170 cửa hàng với mục đích "tái cấu trúc".
Nhắc đến Forever 21, chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ ngay đến 1 thương hiệu thời trang bình dân, các sản phẩm đơn giản với mức giá phải chăng, phù hợp với đại đa số khách hàng. Cách đây hơn 30 năm, sự thành công một cách nhanh chóng của Forever 21 khiến ai cũng phải kinh ngạc, mang đến cho cặp vợ chồng người Hàn Do Won Chang và Jin Sook khối tài sản khổng lồ. Không chỉ vậy, nó là còn là minh chứng cho câu chuyện về “giấc mơ Mỹ” của những người lặn lội từ phương xa đến xứ sở cờ hoa để lập nghiệp và gây dựng được tên tuổi trên khắp thế giới.
Thương hiệu thời trang Forever 21 chính là minh chứng cho câu chuyện về “giấc mơ Mỹ” của những người lặn lội từ phương xa đến xứ sở cờ hoa để lập nghiệp và gây dựng được tên tuổi trên khắp thế giới.
Do Won Chang sinh năm 1954 tại khu Myungdong, Seoul. Từ thuở niên thiếu, ông đã ý thức được mục tiêu làm giàu, bắt đầu từ công việc làm thêm ở quán cà phê trước khi mở cho riêng mình một cửa tiệm giải khát. Ông kết hôn khá sớm với người vợ bằng tuổi là Jin Sook trước khi cả hai hạ quyết tâm sang Mỹ để tìm kiếm một tương lai xán lạn hơn, hay nói chính xác là theo đuổi “giấc mơ Mỹ” hào nhoáng.
Năm 1981, vợ chồng Do Won Chang có mặt tại Hoa Kỳ với 2 bàn tay trắng cùng bằng cấp đại học không được đánh giá cao bên ngoài Hàn Quốc. Bản thân nhà sáng lập Forever 21 cũng ý thức được những khó khăn ở xứ người nên ông không quá bất ngờ. Thời điểm đó, Do Won Chang phải làm cùng lúc 3 công việc bao gồm nhân viên phục vụ, bảo vệ và nhân viên đổ xăng. Ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau và nhận ra điểm chung của tầng lớp thượng lưu, lái siêu xe, đó chính là bọn họ đều làm việc trong lĩnh vực may mặc.
Do Won Chang kết thúc 3 năm lăn lộn ở Mỹ trước khi cùng vợ thành lập thương hiệu thời trang của riêng mình, là Fashion 21 (tiền thân của Forever 21) tại khu vực Highland Park, Los Angeles. Ban đầu, họ làm ra những sản phẩm bình dân, chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng tiềm năng là người trẻ, dân châu Á hoặc Mỹ gốc Hàn.
“Đối tượng khách hàng mà chúng tôi nhắm đến là những người trẻ thuộc độ tuổi 20. Những người trung niên đều muốn sống lại tuổi 21 lần nữa trong khi người trẻ chỉ muốn mình mãi mãi tuổi 21”- Do Won Chang giải thích về tên thương hiệu của mình.
Có thể nói đây là ván cờ sinh tử đối với 2 vợ chồng bởi thành công trong lĩnh vực bán lẻ ở Mỹ không phải dễ dàng. Đối với người nhập cư, họ còn vất vả hơn trăm bề bởi những rào cản như ngôn ngữ, sự khác biệt trong văn hóa… làm hạn chế lượng khách hàng.
Nhưng bất kỳ điều gì cũng có ngoại lệ, trong trường hợp này vợ chồng Do Won Chang và Forever 21 đã gia nhập biệt đội thiểu số. Hơn cả mong đợi, công việc kinh doanh từ năm đầu tiên đã vô cùng thuận lợi, doanh thu tăng từ 35 nghìn USD lên 700 nghìn USD bất chấp những vụ kiện tụng liên quan đến vấn đề bản quyền sản phẩm. Sau đó, Do Won Chang quyết định đổi tên thương hiệu thành Forever 21 để dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Trong vòng 5 năm đầu, Do Won Chang đã mở thêm 11 cửa hàng, bao gồm ở Mỹ và quê nhà Hàn Quốc.
Sự phát triển của Forever 21 mạnh mẽ đến nỗi không ai có thể ngăn cản, đến cả thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 2008 cũng chỉ khiến thương hiệu này chấp nhận đóng cửa 1 vài cửa hàng. Sau đó, Do Won Chang đã dẫn dắt “đứa con tinh thần” của mình bước qua thời kì khó khăn 1 cách ngoạn mục. Tính đến thời điểm hiện tại, Forever 21 đã có hơn 600 cửa hàng rải rác rộng khắp thế giới với doanh thu lên đến 4,4 tỷ USD (tính đến năm 2016).
Forever 21 trở thành thương hiệu toàn cầu nhưng công ty vẫn vận hành theo kiểu gia đình. Do Won Chang giữ chức CEO trong khi vợ ông là bà Jin Sook đảm nhận chức vụ giám đốc bán hàng. 2 con gái Linda và Esther cũng lần lượt nắm giữ chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp của gia đình. Đây cũng là phương pháp giáo dục của Do Won Chang bởi thông qua công việc tại Forever 21, các con của ông sẽ có thể hiểu được nhiều hơn về sự vất vả của bố mẹ trong quá trình gây dựng nên cơ ngơi.
Là 1 trong những người “vác chuông đi đánh xứ người” thành công, Do Won Chang chưa bao giờ quên đi cội nguồn, gốc rễ của mình. Bằng chứng là cửa hàng đầu tiên của Forever 21 vẫn nằm yên ở đó với lối kiến trúc hay sắp xếp hàng hóa vẫn hệt như 36 năm về trước. Câu chuyện của Do Won Chang chính là nguồn cảm hứng dành cho tất cả mọi người có hoài bão, ước mơ và ý chí dám vươn lên giành lấy những gì thuộc về mình. Giống như những gì ông Do Won Chang từng nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Los Angeles Times:
“Forever 21 mang đến niềm hy vọng và cảm hứng cho mọi người đến nước Mỹ với đôi bàn tay trắng. Món quà thành công này khiến tôi càng phải khiêm tốn hơn: Sự thật là những người nhập cư đến Mỹ giống như tôi, đều có thể tìm đến một cửa hàng Forever 21 để biết được rằng đây là thương hiệu được sáng lập bởi 1 người Hàn rất đỗi bình thường và từng chỉ có cho riêng mình một giấc mơ”.
Nhưng có vẻ như đã đến lúc Do Won Chang thức dậy khỏi “giấc mơ Mỹ” khi mà Forever 21 bắt buộc phải nộp đơn xin phá sản nhằm tái cấu trúc mảng kinh doanh. Thương hiệu này trở thành “nạn nhân” tiếp theo của những gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến khiến thói quen người dùng thay đổi, thay vì đến trực tiếp cửa hàng thì phần đông lại chọn mua sắm trên mạng vì sự tiện lợi. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là điểm dừng chân của Do Won Chang bởi với ý chí ông thể hiện trong suốt hơn 30 năm qua đã đủ chứng tỏ một điều, rằng “giấc mơ Mỹ” có thể khép lại nhưng vẫn còn rất nhiều giấc mơ khác, thậm chí to lớn và hoành tráng hơn, sẽ mở ra với gia đình tài giỏi đến từ xứ sở kim chi này.
C.H.O (theo Helino, Tổng hợp)