Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1, hạng mục đầu tư tổ hợp luyện gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm giai đoạn 1-1 có đề cập đến việc lắp đặt hệ thống máy thiêu kết của xưởng thiêu kết. Đáng ra việc lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh, ni tơ, đioxin phải thực hiện từ sớm nhưng mãi đến 16.8.2017 Formosa mới có công văn xin bổ sung.

Formosa xin bổ sung hệ thống khử lưu huỳnh, ni tơ, đioxin chậm?

Sơn Nguyên | 29/11/2017, 14:48

Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1, hạng mục đầu tư tổ hợp luyện gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm giai đoạn 1-1 có đề cập đến việc lắp đặt hệ thống máy thiêu kết của xưởng thiêu kết. Đáng ra việc lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh, ni tơ, đioxin phải thực hiện từ sớm nhưng mãi đến 16.8.2017 Formosa mới có công văn xin bổ sung.

Chủ động khử đioxin?

Như Một Thế Giới đã thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường đang giao Tổng cục Môi trường biên soạn quy chuẩn kỹthuật quốc gia mới (QCVN 51: 2017/BTNMT) về khí thải công nghiệp sản xuất thép, thay thế quy chuẩn của năm 2013 (QCVN 51:2013/BTNMT). Theo đó, quy chuẩn mới vẫn cơ bản giữ nguyên các thông số kỹthuật về khí thải công nghiệp trong sản xuất thép, nhưng lại thay đổi hàm lượng ôxy tham chiếu từ 7% (QCVN 51;2013) lên 15% (QCVN 51:2017). “Hàm lượng ôxy tham chiếu trong khí thải: Đối với các cơ sở sản xuất thép đầu tư mới: 7%, các cơ sở còn lại: 15%; kể từ ngày 1.1.2020, tất cả các cơ sở áp dụng giá trị 7%”. Việc thay đổi này cho thấy việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đang “chữa cháy” cho Formosa, làm lợi cho doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Điều này có cơ sở là mãi đến ngày 16.8.2017, Formosa Hà Tĩnh mới có có công văn số 1708049 do ông Hoàng Dật Thuyên, Phó Tổng giám đốc gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo về việc lắp đặt bổ sung hệ thống công trình bảo vệ môi trường khử lưu huỳnh, khử nitơ, và khử đioxin tại xưởng thiêu kết. Và dự kiến hoàn thành hệ thống thứ nhất vào năm 2020, hệ thống thứ 2 vào năm 2021.

Bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Formosa chỉ có 9 dòng xủ lý tro xỉ

Lý do ông Hoàng Dật Thuyên đưa ra là: “Qua quá trình kiểm tra, các chuyên gia cho biết nguyên liệu mà xưởng thiêu kết sử dụng có rất nhiều loại bao gồm tạp chất liệu rắn, ví du như bụi, vảy thép vụn, bùn khoáng…, hơn nữa thành phần chất lượng của mỗi loại nguyên liệu không giống nhau, nhưng nếu thay đổi nguồn nguyên liệu có thể tạo ra biển động lớn về thành phần nguy hại trong khí thải”, từ đó các chuyên gia kiến nghị Formosa tham khảo xưởng thiêu kết các nước châu Âu, Mỹ, Nhật, Đài Loan để tiến hành lắp đặt bổ sung công trình khử lưu huỳnh, ni tơ, đioxin.

Nhưng khi xem xét lại công văn số 68 của thứ trưởng Bùi Cách Tuyến từng bị cách chức ký ngày 9.1.2014, cho phép Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) sử dụng hàm lượng ôxy tham chiếu trong giai đoạn thiêu kết là 15%, trong lúc QCVN 51:2013 của giai đoạn này là 7% thì cả Bộ Tài nguyên và Môi trường và Formosa phải biết thực hiện công trình khử lưu huỳnh, ni tơ, đioxin từ thời điểm 2014 chứ không thể "chủ động" mãi tận tháng 8.2017.

ĐTM bãi xỉ có 9 dòng

Bản đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1 ở hạng mục đầu tư tổ hợp luyện gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp quyết định thông qua tại văn bản số 1315/QĐ-BTNMT, ngày 30.6.2008. Ở chương III.65, mục 3.4.7 về đánh giá tác động đối với khu vực bãi xỉ có duy nhất 9 dòng đánh máy: “Theo thiết kế xây dựng bãi chứa xỉ được xây dựng giống như bãi kè biển của Posco, có một bên xây kè cứng bao ngoài, còn bên trong có bạt che chắn. Bãi chứa xỉ có khả năng tích xỉ trong 70 năm. Diện tích bãi chứa xỉ chiếm 281,6 ha, chiều cao bãi chứa xỉ cao hơn mực nước biển 6 m với quy mô là 40.259.072 m2”. Mục này còn nhận định: “Với thiết kế như trên hoàn toàn đảm bảo bãi xỉ khi chứa xỉ không bị gây ô nhiễm đến môi trường nếu như không xả xỉ ra ngoài bãi chứa xỉ. Với lượng xỉ lớn hàng năm thải ra trên 1 triệu tấn đi kèm các chất thải rắn, các chất lơ lửng nếu không có biện pháp sẽ lan truyền sang các vùng biển xung quanh, ảnh hưởng đến môi trường biển. Để đảm bảo môi trường, dự án sẽ xây đê bao và bên trong có màng lọc”.

Thống kê đầu tư môi trường trong ĐTM chiếm 13,9 tổng mức đầu tư

Ở hạng mục ĐTM Đầu tư xây dựng nhà máy thép dây, hai trạm xử lýbùn và vật liệu chịu lửa - xỉ thép được Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định phê duyệt số 1623/QĐ-BTN&MT, ngày 24.6.2015 có ghi phần xả thải xỉ thép: “Sau khi nghiền từ tính, xỉ thép không thể thu hồi tái sử dụng, sau xác nhận không thuộc chất thải rắn nguy hại, đổ vào bãi chứa xỉ thép (bãi tro xỉ). Số lượng nhiều nhất là 740.000 tấn/năm”.

Bản báo cáo ĐTMdự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1 ở hạng mục đầu tư xây dựng nhà máy thép dây, hai trạm xử lý bùn và vật liệu chịu lửa, xỉ thép được ban hành năm 2015 khuyến cáo Formosa xả thải 45.000 m3 nước/ngày sẽ vượt quy chuẩn. Bản ĐTM này do Viện khoa học môi trường và phát triển (VESDEC) làm tư vấn, ông Bùi Cách Tuyến ký thay Bộ trưởng. Các tác giả khuyến cáo: “Ngoài ra vịnh Sơn Dương là vịnh hở nên khả năng phân tán ô nhiễm khá cao. Tuy nhiên khả năng tiếp nhận chất thải của vịnh này cũng có giới hạn. Bằng mô hình MIKE 2 bao gồm cả mô đun thủy lực MIKE 21 HD, MIKE 21 SW và mô đun ECO Lab VESDEC đã dự báo: Nếu khu liên hợp FHS xả nước thải với lưu lượng đến 45.000 m3/ngày thì dù các chất hữu cơ, kim loại nặng, SS (chất rắn lơ lửng) trong nước thải được xử lý đạt QCVN 52:2013/BTNMT thì nồng độ/hàm lượng của chúng tại khu vực gần điểm xả thải vẫn vượt giới hạn cho phép theo QCVN05:2013/BTNMT”. Bản ĐTM này khuyến nghị: “Chi tiết xin xem Báo cáo chuyên đề: “Dự báo ô nhiễm vịnh Sơn Dương do thay đổi phương án xả nước thải Khu liên hợp FHS thải ra biển”, do VESDEC thực hiện tháng 8.2014, FHS đã trình Bộ TNMT. Báo cáo này không thuộc phạm vi của Báo cáo ĐTM nhà máy thép dây và 2 trạm xử lý”. Hiện tại cả Formosa Hà Tĩnh, Bộ TNMT, UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa có thông báo tường tận báo cáo chuyên đề cũng như khuyến cáo của bản ĐTM này về cộng đồng dân cư. Tuy nhiên văn bản ông Hoàng Dật Thuyên gửi bộ TNMT số 1708049 nêu lượng nước thải rút lại độ vênh rất lớn chỉ còn 36.000 m3/ngày. Một Thế Giới không kiểm chứng độc lập được số liệu này và không rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường có kiểm tra rà soát con số do ông Dật Thuyên đưa ra hay không?

Cần hơn 1 tỉUSD xử lý môi trường

Trong bản ĐTM dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1 ở hạng mục đầu tư tổ hợp luyện gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm có 12 mục dự trù kinh phí đầu tư xử lý môi trường tại chương 7. Các dự trù này gồm kinh phí thiết bị xử lý môi trường 3.230.000 USD, thiết bị hạn chế ô nhiễm môi trường không khí 18.800.000 USD, xử lý môi trường công đoạn thiêu kết quặng 100.000.000 USD, xử lý công đoạn nung vôi 8.500.000 USD, công đoạn luyện cốc 156.000.000 USD, công đoạn luyện lò cao 158.000.000 USD, công đoạn luyện thép 163.000.000 USD, công đoạn cán thép 35.000.000 USD, công đoạn sau cán về xử lý a xít 70.000.000 USD,thiết bị phòng trừ ô nhiễm nước thải 10.000.000 USD, kinh phí hệ thống nước xử lý công nghiệp 26.000.000 USD, kinh phí hệ thống xử lý nước thải sinh hóa 18.000. 000 USD, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt 15.000.000 USD, hệ thống xử lý nước tinh khiết và đặc biệt tinh khiết 17. 000. 000 USD, hệ thống xử lý nước ở từng nhà máy 37.000.000 USD, thiết bị xửlý chất thải rắn 152.000.000 USD…

Mãi đến tháng 8.2017 Formosa mới có công văn xin bổ sung hệ thống khử lưu huỳnh, ni tơ, đioxin

Mục chi phí quan trắc môi trường trong giai đoạn xây dựng nhà máy là 20.000 USD. Trong hoạt động nhà máy có các chi phí giám sát môi trường nước thải, chi phígiám sát nước mặt, chi phí giám sát nước ngầm, chi phí giám sát môi trường đất, chi phí giám sát môi trường không khí chỉ 140.000 USD. Tổng mức 12 hạng mục này là 1.013.78 triệu USD (hơn 1 tỉUSD). Bản ĐTM này đánh giá các chi phí cho môi trường chiếm 13,9% tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trườngcho hay: “Vừa rồi họ thông báo tăng vốn đầu tư 360 triệu USD, đấy là tiền người ta đầu tư vào bảo vệ môi trường. Với doanh nghiệp đã cầu thị như vậy, chắc chắn họ muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Sự cố xảy ra hơn 1 năm rồi, nên ta có thể tin tưởng được”. Liệu Tổng cục môi trường đã kiểm tra hết suất đầu tư bảo vệ môi trường như ĐTM báo cáo?

Sơn Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
4 phút trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Formosa xin bổ sung hệ thống khử lưu huỳnh, ni tơ, đioxin chậm?