Di sản của Freddie Mercury để lại nhiều hơn là sự nghiệp âm nhạc đồ sộ với hơn 300 triệu bản thu âm được bán ra trên toàn cầu. Đó chính là anh đã góp phần gióng lên hồi chuông cảnh báo cho một đại dịch đang đe dọa cướp đi mạng sống của hàng triệu người khác.

Freddie Mercury và tầm ảnh hưởng to lớn của người nổi tiếng lên nạn dịch AIDS (P.1)

Chí Thiện | 06/11/2018, 07:00

Di sản của Freddie Mercury để lại nhiều hơn là sự nghiệp âm nhạc đồ sộ với hơn 300 triệu bản thu âm được bán ra trên toàn cầu. Đó chính là anh đã góp phần gióng lên hồi chuông cảnh báo cho một đại dịch đang đe dọa cướp đi mạng sống của hàng triệu người khác.

Trong Bohemian Rhapsody - bộ phim tiểu sử về Freddie Mercury đang được chiếu ngoài rạp, Freddie Mercury (Rami Malek đóng) đã nói với các thành viên còn lại của Queen rằng việc anh nhiễm AIDS không nên truyền ra ngoài vì anh không muốn trở thành “một gương mặt tuyên truyền” hoặc “một câu chuyện mang tính cảnh báo”.

Rami Malek hóa thân thành trưởng nhóm Queen trong 'Bohemian Rhapsody'

Freddie Mercury qua đời vào ngày 24.11.1991 bởi bệnh viêm phổi – một biến chứng từ AIDS - tại nhà riêng ở thành phố London. Khi ấy, anh chỉ vừa 45 tuổi. Trong phim, Freddie Mercury được cho là nhiễm HIV vào khoảng năm 1985 trước khi diễn ra sự kiện Live Aid nhưng sự thật là anh bị lây vào khoảng năm 1987 và chỉthừa nhận tình trạng sức khỏe của mình 24 tiếng trước khi qua đời.

Freddie Mercury và bạn trai Jim Hutton - người cũng nhiễm AIDS

Năm tháng sau, một buổi trình diễn tôn vinh Freddie Mercury được tổ chức tại sân vận động Wembley với sự tham gia của hơn 70.000 người. Toàn bộ lợi nhuận thu về được quyên góp cho các tổ chức nghiên cứu về HIV/AIDS. Theo Mercury Phoenix Trust, số tiền này lên đến 15 triệu USD.

Sự thận trọng khi còn sống của Freddie Mercury là hoàn toàn dễ hiểu. Năm 1987, AIDS vẫn thường được gọi là “căn bệnh ung thư của người đồng tính” và anh thì đã quá mỏi mệt với các tin đồn liên quan đến xu hướng tính dục. Chưa hết, vài quốc gia còn có lệnh cấm những người dương tính với HIV nhập cư chẳng hạn như Mỹ.

Từng đính hôn với phụ nữ nhưng Freddie Mercury hẹn hò với khá nhiều đàn ông

Freddie Mercury là ngôi sao hạng A đang đương thời đầu tiên qua đời vì AIDS. Cái chết của anh đã khiến công chúng bàng hoàng. Họ vừa chứng kiến một người có quá nhiều đặc quyền như Freddie Mercury bị hạ gục nhanh chóng bởi AIDS – một thứ vốn vẫn còn rất mơ hồ.

Theo nhiều nhà sử học, các ngôi sao chỉ đơn thuần nối tiếp một phong trào đã bắt đầu từ thập niên trước. Thế nhưng họ đánh giá cao tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng trong việc nâng cao nhận thức về AIDS trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Ronald Regean vẫn giữ quan điểm thờ ơ trước sự lan tỏa của đại dịch. Điển hình như câu chuyện của Rock Hudson – nam diễn viên điển trai từng nắm giữ trái tim của hàng triệu cô gái.

Rock Hudson

Khi Rock Hudson tuyên bố nhiễm AIDS vào 7.1985 đã gây sốc bởi hai lý do. Đầu tiên, căn bệnh này chưa được hiểu rõ. Thứ hai, nhiễm AIDS cũng đồng nghĩa với việc ông là người đồng tính. Trong khi đó, Rock Hudson là một đại diện điển hình cho “những đức tính cũ của người Mỹ” (ở đây là thập niên 1950). Những lời đồn đại về xu hướng tính dục của ông vậy là đã chính thức được xác nhận.

Trước Rock Hudson, chưa từng có ngôi sao hạng A nào công khai đồng tính.

Tạp chí TIME ngay sau đó đã đưa HIV/AIDS lên trang bìa và dành ra nhiều trang để miêu tả về tầm ảnh hưởng của Rock Hudson lên nạn dịch.

Rock Hudson và Elizabeth Taylor là bạn diễn trong phim 'Giant' (1956)

Cách đó vài tháng, hầu hết người Mỹ chỉ biết đến HIV/AIDS như một căn bệnh đang đe dọa mạng sống của nhiều người đồng tính và con nghiện. Thế nhưng trên đường phố, AIDS đã bắt đầu lan mạnh. Số lượng ca nhiễm bệnh tăng theo cấp số nhân, gấp đôi mỗi 10 tháng và nguy cơ đối với những người dị tính cũng tăng nhanh chóng.

May mắn thay, nhờ vào sự thành thật của Rock Hudson, AIDS đã “bước ra khỏi bóng tối” và không còn là “ung thư của người đồng tính” nữa. Nó trở thành một chủ đề mang tính quốc tế và được bàn luận ở mọi ngóc ngách trên thế giới.

Hai tháng sau lời tuyên bố của Rock Hudson, Thượng viện Mỹ phê chuẩn một khoản viện trợ lớn cho công tác nghiên cứu HIV/AIDS.

Elizabeth Taylor tại buổi gala gây quỹ vào năm 1985

Rock Hudson tạ thế vào 10.1985 ở tuổi 59. Tạp chí TIME đã đăng tải một cáo phó miêu tả ông như “nạn nhân nổi tiếng nhất của AIDS” và “là người đồng tính nổi tiếng nhất trên thế giới trong những ngày cuối đời”. Ngoài ra, lời kết từ bạn thân của ông – Elizabeth Taylor – đã phản ánh đúng sự đóng góp của Rock Hudson: “Cám ơn Chúa, anh ấy đã không chết vô ích”.

Elizabeth Taylor sau đó trở thành một nhân vật quan trọng trong phong trào chống lại HIV/AIDS. Một tháng sau khi Rock Hudson chết, bà tổ chức một sự kiện được miêu tả là “đêm gây quỹ đầu tiên của Hollywood cho nạn dịch” và quyên góp được 1,2 triệu USD.

Elizabeth Taylor được đánh giá là ngôi sao có công lớn nhất trong cuộc chiến chống lại nạn dịch AIDS, đặc biệt là trong bối cảnh cả thế giới vẫn còn mù mờ về nó

Elizabeth Taylor cũng là người đồng sáng lập Quỹ nghiên cứu AIDS Mỹ (amfAR), đã xuất hiện trước Thượng viện để thúc đẩy việc chi 80 triệu USD tài trợ cho nghiên cứu AIDS và thành lập Quỹ Elizabeth Taylor AIDS vào năm 1991. Tổng cộng, bà đã vận động gần 100 triệu USD cho việc nghiên cứu HIV/AIDS và con số này chưa tính tỷ lệ trượt giá.

Elizabeth Taylor không phải là ngôi sao duy nhất hành động vào thời điểm ấy. Đó là một phản ứng dây chuyền. Khi có ai đó nổi tiếng chết vì AIDS, bạn bè của họ trong showbiz sẽ lên tiếng.

Madonna tại sự kiện AIDS Dance-A-Thong vào năm 1989

Ví dụ như Madonna đã có một buổi trình diễn gây quỹ tại Madison Square Garden vào 7.1987 với sự tham gia của 15.000 người, ngay sau cái chết của bạn thân - họa sĩ Martin Burgoyne. Bà quyên góp được 400.000USD cho amfAR.

Album Like A Prayer (1989) của Madonna còn có thêm đoạn “Facts about AIDS” nhằm khuyến khích quan hệ tình dục an toàn. Chưa hết, bà còn tôn vinh vũ công Keith Haring – người vừa chết vì AIDS – trong tour diễn Blond Ambition của mình.

Thậm chí, sự nhiệt tình của Madonna còn dấy lên tin đồn chính bà cũng nhiễm AIDS vào năm 1991 và đang có ý định tổ chức một buổi họp báo để công bố thông tin này. Cùng năm đó, một sự kiện quan trọng khác đã xảy ra và mãi mãi thay đổi hình ảnh của AIDS trên truyền thông. Tất nhiên, nó đến từ một người nổi tiếng.

(Còn tiếp)

Mai Thảo (theo TIME)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Freddie Mercury và tầm ảnh hưởng to lớn của người nổi tiếng lên nạn dịch AIDS (P.1)