Gameshow truyền hình hiện nay nở rộ như nấm sau mưa. Thậm chí, giờ vàng vào những ngày cuối tuần, kênh truyền hình nào cũng có một gameshow. Vậy, công thức giữ chân khán giả nằm ở đâu?

Gameshow truyền hình: Thực tế hay chiêu trò

Một Thế Giới | 18/01/2016, 12:30

Gameshow truyền hình hiện nay nở rộ như nấm sau mưa. Thậm chí, giờ vàng vào những ngày cuối tuần, kênh truyền hình nào cũng có một gameshow. Vậy, công thức giữ chân khán giả nằm ở đâu?

Người nổi tiếng trên ghế nóng
Ở các cuộc thi ca hát đình đám như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt, The Remix... các vị giám khảo đều là những gương mặt sao đình đám showbiz Việt hiện nay. Họ luôn là người sở hữu lượng fan khủng như: Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hà Hồ, Thu Minh... hay các “diva” được lòng công chúng như Mỹ Linh, Thanh Lam… Thậm chí là các nhà sản xuất âm nhạc “mát tay và thành công” như Huy Tuấn, Quốc Trung, Hồ Hoài Anh... Xuất hiện trên ghế nóng các chương trình khiêu vũ thì có Trần Ly Ly, Khánh Thi, Chí Anh... Quen mặt ở các chương trình hài là Hoài Linh, Xuân Bắc, Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương... 
Chỉ cần những gương mặt đó trên ghế nóng, chương trình đã đủ đảm bảo về độ “hot” và chiến thắng về doanh thu cũng như thu hút thí sinh “lên đến hàng ngàn”. Hiện nay, muốn tham gia một chương trình truyền hình thực tế hay gameshow truyền hình, người chơi thường đăng nhập trang web chương trình để tìm hiểu về thể lệ cũng như tiêu chí dự thi. Tuy nhiên, hầu hết những chương trình đình đám, gây bão mạng xã hội, lấy nước mắt khán giả đều xuất phát từ các cuộc thi truyền hình thực tế có đội ngũ thí sinh tham dự đông và nhiều thí sinh là người nổi tiếng. 
Những chàng trai, cô gái ít nhiều thành danh về độ hot, độ phủ sóng thông tin, dù chưa hẳn họ được biết đến với tư cách là một nghệ sĩ có chuyên môn về một bộ môn nghệ thuật nào đó. Các thí sinh có tiếng, là người công chúng với lượng fan hâm mộ áp đảo thường được Ban tổ chức gọi trực tiếp thương thảo mời chơi. Họ cũng có thể chủ động xin chơi nhưng phải tuân thủ cũng như thỏa hiệp những tiêu chí Ban tổ chức đưa ra. 
Như vậy, công thức dùng người nổi tiếng làm thí sinh đã và đang được sử dụng triệt để cho rất nhiều chương trình. Vì sự nổi tiếng sẽ đi kèm có người hâm mộ đông. Ban tổ chức chỉ cần duy nhất điều đó để câu nhà tài trợ cùng lượng tin nhắn bình chọn của khán giả. 
Chiêu trò trong cuộc chơi
Những gương mặt có đủ tiêu chuẩn vừa tài năng, vừa có độ “hot” chỉ đếm trên đầu ngón tay nên để mời được họ vào ngồi ghế nóng, có đơn vị sẵn sàng chi tiền tỉ để có được giám khảo mong muốn. Hệ lụy, vì khan hiếm giám khảo chuyên nghiệp dẫn đến việc “ngồi nhầm ghế” của nhiều giám khảo. Ngoài ra, nhiều giám khảo không chuyên ngồi trên ghế nóng chỉ để diễn tròn vai theo những kịch bản định trước. 
Họ luôn dành cho thí sinh những mỹ từ có cánh, bay bổng gây ra không ít hoang mang và ảo tưởng cho chính những người dự thi. Ca sĩ Hồng Nhung trong chương trình “Tuyệt đỉnh tranh tài 2015”, cuộc thi dành cho các ca sĩ chuyên nghiệp đã nhận không ít lời chê bai từ phía khán giả bởi những nhận xét quá “tròn trịa”, không muốn mất lòng ai. 
Việc lựa chọn giám khảo có nghề cho từng chương trình là để họ đưa ra những nhận xét công tâm, những góp ý để cho các thí sinh có thể thấy rõ những mặt mạnh và hạn chế của mình để có thể tiếp thu phát triển hơn, nhưng rõ ràng với tâm lý “sợ ném đá, sợ bị chê bai và sợ bị phán xét”, các giám khảo, những người đảm nhiệm trọng trách trong việc tìm kiếm tài năng và định hướng cho công chúng đang làm mất đi những thiên chức của chính mình. 
Theo đó, những ngôi sao tên tuổi cứ liên tục xuất hiện trên ghế nóng ở nhiều chương trình khác nhau, với những hình ảnh và câu chuyện tương tự nhau khiến cho người xem càng thêm nhạt nhẽo trước những gameshow truyền hình. Chiêu trò gom “sao” hòng thu hút lượng bình chọn của khán giả, câu nhà tài trợ đang trở thành xu hướng tất yếu, với nhiều biến tướng và suy ngẫm. Mà hệ lụy lớn nhất chính là thái độ thi thố bát nháo, xào nấu, đối đáp mất kiểm soát, biến hài thanh thành tục cùng với những thỏa hiệp của người trong cuộc trước - trong và sau mỗi cuộc thi. 
Và thế là cơ hội đến với mọi người, từ vận động viên, người mẫu, danh hài đến diễn viên, ca sĩ. Từ trẻ đến không còn trẻ, người có tên tuổi hay kẻ học việc showbiz vẫn luôn có cơ hội tranh tài. Họ tranh tài không chỉ một lần, mà nhiều cuộc thi khác nhau dù không có gì mới hơn, không tiến bộ được gì nhưng vẫn thi. Thực tế, luôn cần và rất cần “sao” cho một chương trình truyền hình thực tế. 
Trong khi format tranh tài cũng dừng lại ở tài vặt, na ná nhau về nội dung, còn “sao” thật bận rộn nhiều show, đành vay mượn thỏa hiệp đủ cách với “sao” trẻ, sao lắm chiêu cùng những hotboy, hotgirl lắm scandal. Chính những thỏa hiệp vội vàng, nhanh chóng, làm theo ý đạo diễn trong cuộc chơi đã vô tình đẩy nhiều gameshow vào thế rượt đuổi thí sinh và họ chỉ biết ngơ ngác thực hiện theo những “chỉ đạo ngầm” đó.
Minh Tâm / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Doanh nghiệp ‘chết yểu’ ngày càng nhiều nhưng ngân hàng vẫn sinh lời cao từ cho vay
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng doanh nghiệp "chết yểu" gia tăng, tín dụng ảm đạm đang tạo thách thức lớn đối với đà phục hồi tăng trưởng 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gameshow truyền hình: Thực tế hay chiêu trò