Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trên địa bàn TP.HCM là trên 96%; còn các doanh nghiệp trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm đã có 100% đơn vị đi vào hoạt động.
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM vào chiều 22.11, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó giám đốc Sở lao động Thương binh – Xã hội TP.HCM cho biết, tính đến 22.11, TP đã thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 88, 09, 97 cho 8.812.726 trường hợp với tổng số tiền hơn 12.000 tỉ đồng. Riêng hỗ trợ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 của Thủ tướng, TP đã giải quyết cho 45.594 doanh nghiệp với 1.613.438 lao động với tổng số tiền hơn 3.900 tỉ đồng.
Về tình hình người lao động và các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và làm việc sau dịch COVID-19, ông Lâm cho biết, hiện đã có 37.949 lao động quay lại TP.HCM làm việc, trong đó các tỉnh, thành Tây Nam Bộ 14.745 lao động; Tây Nguyên là 478 lao động; Đông Nam Bộ là 22.736 lao động.
Bên cạnh đó, để đưa người lao động từ các tỉnh, thành khác quay lại làm việc, TP.HCM đã thông tin đến Sở lao động Thương binh – Xã hội của các tỉnh, thành có người lao động làm việc tại TP về nhu cầu cần tuyển; ngành nghề cần tuyển; chính sách, mức lương hỗ trợ cho người lao động quay lại làm việc...
“Thị trường lao động của TP.HCM từ nay đến cuối năm sẽ hoạt động ổn định. Hiện số doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động là hơn 96%”, ông Lâm nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, đã có 100% doanh nghiệp lương thực - thực phẩm quay trở lại hoạt động, công suất hoạt động là 85%, riêng các doanh nghiệp sản xuất có xuất khẩu đạt công suất 100%.
Đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh, TP đã có những giải pháp hỗ trợ như: tín dụng, kinh doanh, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối cung cầu…
Riêng về hoạt động các chợ truyền thống, chợ đầu mối, ông Tú cho biết, hiện TP đã có 180/234 chợ truyền thống mở cửa hoạt động trở lại. Dự kiến trong tuần này sẽ có thêm 3 chợ truyền thống tiếp tục mở cửa hoạt động. Tại 3 chợ đầu mối, nguồn hàng cung cấp về mỗi đêm đạt 3.051 tấn. “Tuy nói 3 chợ đầu mối, nhưng hiện chỉ có 2 chợ đầu mối chính thức hoạt động là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn; còn chợ đầu mối Thủ Đức vẫn là trạm trung chuyển”, ông Tú nói.
Về công tác phòng chống dịch COVID-19, ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho rằng, sở dĩ trong thời gian gần đây nhiều trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 mà vẫn tử vong là do số ca F0 đang tăng cao.
“Khi số ca F0 tăng lên thì sẽ có khoảng 15 đến 20% diễn tiến nặng. Trong số đó sẽ có những bệnh nhân nặng và tử vong”, bà Mai giải thích.
“Chúng ta phải làm sao để giảm F0. Muốn làm được điều này, người dân phải nâng cao trách nhiệm phòng chống dịch. Hiện TP cũng đã đưa ra 7 thông điệp truyền thông phòng chống dịch, trong đó có khuyến cáo người dân thực hiện 5K, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cũng cần phải thực hiện 5K”, bà Mai chia sẻ.
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, tính đến 18 giờ ngày 21.11, TP có 456.956 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 456.413 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 543 trường hợp nhập cảnh.
Hiện TP đang điều trị 13.721 bệnh nhân, trong đó có 574 trẻ em dưới 16 tuổi, 327 bệnh nhân nặng đang thở máy, 09 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 21.11, TP có 1.223 bệnh nhân nhập viện, 749 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số bệnh nhân xuất viện cộng dồn từ đầu năm đến nay là lên 270.043 bệnh nhân), 59 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số bệnh nhân tử vong từ đầu năm đến nay là 17.511 bệnh nhân).
Tính đến hết ngày 21.11, TP đã thực hiện được 13.941.785 mũi tiêm, trong đó mũi 1 là 7.880.610, mũi 2 là 6.061.175.