Chiều 11.1, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 2.948 ca nhiễm mới COVID-19, đây là con số cao nhất trong những ngày qua.

Gần 3.000 ca F0 mỗi ngày, Hà Nội chuẩn bị đủ phương án cho người dân

Dạ Thảo - Ảnh: Bộ Y tế | 13/01/2022, 15:38

Chiều 11.1, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 2.948 ca nhiễm mới COVID-19, đây là con số cao nhất trong những ngày qua.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, với tình hình dịch bệnh số ca bệnh ở Hà Nội tăng nhanh như hiện nay, thành phố cần sớm có những biện pháp để kiểm soát tình hình sao cho số F0 không tăng thêm nữa, nếu không muốn tình trạng quá tải hệ thống y tế xảy ra.

Nếu để số F0 tăng cao quá, hệ thống y tế sẽ bị quá tải. Lúc này, những người bệnh sẽ khó có thể tiếp cận được hệ thống y tế và được điều trị sớm. Đặc biệt là những trường hợp mắc COVID-19 dễ bị chuyển nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến cho tỷ lệ tử vong ở Hà Nội tăng cao.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện toàn thành phố có hơn 51.000 F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó có hơn 40.000 F0 được theo dõi cách ly tại nhà. Số còn lại điều trị tại các cơ sở thu dung, các bệnh viện của trung ương và Hà Nội. Tính từ ngày 29.4 đến hết ngày 11.1, tổng số người tử vong do COVID-19 tại Hà Nội là 281 người.

hinh_anh1-1639101202012.jpg
Nhiều bệnh nhân chuyển biến nặng khi nhiễm COVID-19

Trao đổi với phóng viên trước đó, ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết hiện nay có tới hơn 10.000 trường hợp được theo dõi và điều trị tại tuyến trung ương. Các bệnh nhân đã được phân bổ tại các bệnh viện trên toàn thành phố, tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang hiện đang điều trị gần 300 bệnh nhân F0, trong đó có 150 bệnh nhân hiện đã chuyển nặng, phải thở máy. "Sức chứa của bệnh viện chỉ có từ 400 - 500 bệnh nhân và chữa trị được 250 bệnh nhân nặng, thở máy. Hà Nội hiện nay đã chuẩn bị kỹ các phương án khi số lượng bệnh nhân nhiễm F0 tăng lên cao tới 3.000 - 5.000 cũng sẽ không bị quá tải vì các bệnh viện tuyến cuối đón các bệnh nhân nặng cũng sẽ bớt áp lực" - ông Thường cho hay.

Với tình hình dịch bệnh tăng cao, Sở Y tế Hà Nội cũng đã điều chỉnh sự phân tầng của các F0. Cụ thể, tầng 3 là F0 có tình trạng cấp cứu, SpO2 (chỉ số nồng độ oxy trong máu) dưới 90%, điều trị tại các bệnh viện trung ương và bệnh viện hạng 1 của Hà Nội như Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây; tầng 2 là F0 có bệnh nền chưa ổn định, phụ nữ mang thai hoặc vừa sinh con, trẻ dưới 3 tháng tuổi, có SpO2 từ 90-96%, sẽ điều trị tại các bệnh viện tuyến quận, huyện; tầng 1 là F0 nhẹ, có nguy cơ thấp hoặc trung bình.

Theo ông Phu, hiện nay giải pháp chống dịch của Hà Nội tiếp tục là tăng cường tiêm vắc xin, cung cấp kịp thời thuốc chữa bệnh cho các F0 và hạn chế tối đa nhất việc chuyển tầng của các bệnh nhân. Các F0 thể nhẹ hiện nay cũng đã được tổ hỗ trợ và các thầy thuốc đồng hành để tư vấn một cách cụ thể.

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính tới ngày 11.1 thì có 50.946 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó có 2.045 người ở mức độ trung bình và 467 người ở mức độ nặng và nguy kịch. PGS-TS Nguyễn Việt Hùng - Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết hiện nay trong bối cảnh số ca nhiễm tăng vọt kéo theo số nặng tăng hằng ngày, Hà Nội đã mở rộng điều trị ở tầng 3 và các bệnh viện truyến trung ương đã vào cuộc hỗ trợ các bệnh viện thành phố giảm tải tỷ lệ tử vong ở các ca bệnh nặng. Hà Nội đã có hướng dẫn phân luồng, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình 3 tầng, trong đó tầng 1 là tuyến y tế cơ sở và tại nhà. Tại tầng 2 gồm các bệnh viện đa khoa cấp huyện do thành phố phụ trách, tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng 1 và tuyến trung ương. Theo phân cấp, cơ sở điều trị cần chủ động chuyển người bệnh đến cơ sở điều trị ở tầng thấp hơn để quản lý, điều trị ổn định, ưu tiên bố trí giường bệnh tầng 2 và tầng 3 để tiếp nhận bệnh nhân mới.

BSCK2 Nguyễn Thị Lan Hương - Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết với cơ số 250 giường tầng 3 và 100 giường tầng 2, bệnh viện đã sắp xếp một khu điều trị riêng biệt với cầu thang riêng và quy trình đi một chiều. Bên trong khu điều trị, bệnh viện bố trí đầy đủ các trang thiết bị y tế cần thiết như: Máy thở, máy lọc máu, máy ECMO... để chữa trị cho bệnh nhân. Chỉ tính riêng từ đầu đợt dịch thứ 4 (tháng 4.2021) tới nay, bệnh viện đã điều trị cho 1.376 bệnh nhân COVID-19 (chữa khỏi cho 1.142 trường hợp). Cao điểm vào cuối tháng 8.2021, đơn vị tiếp nhận tới 250 trường hợp. Trong quá trình điều trị, những loại thuốc về COVID-19, thuốc kháng đông, chống viêm, kháng sinh… được chuẩn bị một cách chu đáo tại bệnh viện. Hiện tại Bệnh viện Thanh Nhàn đang thu dung, điều trị cho 180 bệnh nhân (trong đó có 80 trường hợp nặng và nguy kịch). Đa phần các bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch thường là những trường hợp lớn tuổi, có nhiều bệnh nền và chưa tiêm vắc xin, nên quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Nói về những thuận lợi, khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, bác sĩ Hương cho biết thêm, được sự quan tâm, giúp đỡ của các ban ngành đoàn thể, Bệnh viện Thanh Nhàn đã từng bước hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Trước lo ngại của người dân về quá tải bệnh viện điều trị F0, BS Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội khẳng định: Hiện Hà Nội đã có phương án điều trị cho 50.000 - 100.000 bệnh nhân, nên hiện giờ vẫn đang kiểm soát được, chưa quá tải trầm trọng. Hà Nội hiện nay cũng đã chuẩn bị thêm giường để phòng những trường hợp ca bệnh diễn biến nặng sẽ được can thiệp điều trị ngay. Đặc biệt khi Tết Nguyên đán đang tới gần, việc người dân đi lại, giao lưu buôn bán cũng sẽ gia tăng các ca bệnh.

Ông Tuấn cũng cho biết hiện nay người dân đã tiêm gần đủ mũi vắc xin nên kế hoạch tiêm mũi bổ sung cho người dân cũng đang dần hoàn thành. Trong đó, cần đặc biệt chú ý, ưu tiên cho những người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền hay người bị suy giảm miễn dịch. Khi người dân đã tiêm đủ vắc xin thì hầu hết số ca COVID-19 ở Hà Nội đang ở thể nhẹ và phần lớn không có triệu chứng, đáp ứng điều kiện có thể điều trị tại nhà hay y tế tuyến cơ sở. “Để giảm tải cho hệ thống y tế, thành phố cũng quán triệu các bệnh viện y tế tuyến trên không tiếp nhận bệnh nhân không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ. Ngoài ra, Sở Y tế cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, qua đó cập nhật các phác đồ cũng như kinh nghiệm điều trị cho các cán bộ, nhân viên y tế”.

Bài liên quan
Hà Nội thí điểm gửi xe không tiền mặt như thế nào?
Bước sang ngày thí điểm thứ 2, việc thu phí không dùng tiền mặt diễn ra khá thuận lợi. Các chủ phương tiện đều ủng hộ chủ trương này bởi sự thuận tiện và minh bạch giá trông giữ xe.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
7,2 tỉ USD có thể chảy vào Việt Nam ngay khi thị trường chứng khoán được nâng hạng
4 giờ trước Tài chính và đầu tư
Ước tính, khoảng 7,2 tỉ USD vốn gián tiếp nước ngoài sẽ chảy vào thị trường Việt Nam ngay sau khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Việc này cũng mang lại 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gần 3.000 ca F0 mỗi ngày, Hà Nội chuẩn bị đủ phương án cho người dân