Thuế suất nhập khẩu của 4.959 dòng thuế đã được cắt giảm về 0% từ ngày 5.10, trong đó tập trung vào các nhóm mặt hàng như giày dép, quần áo, thủy sản... Bên cạnh đó, nhiều dòng xe ô tô nhập khẩu từ Nga, Belarus về Việt Nam cũng được miễn thuế.

Gần 5.000 dòng thuế nhập khẩu được cắt giảm về 0% trong tháng 10

Duyên Duyên | 12/10/2016, 18:08

Thuế suất nhập khẩu của 4.959 dòng thuế đã được cắt giảm về 0% từ ngày 5.10, trong đó tập trung vào các nhóm mặt hàng như giày dép, quần áo, thủy sản... Bên cạnh đó, nhiều dòng xe ô tô nhập khẩu từ Nga, Belarus về Việt Nam cũng được miễn thuế.

Cắt giảm gần 5.000 dòng thuế nhập khẩu

Thủ tướng vừa ký Nghị định số 137 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa một bên là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á - Âu và các nước thành viên (viết tắt là Hiệp định VN-EAEU FTA) giai đoạn 2016 - 2018.

Theo đó, thuế suất nhập khẩu của 4.959 dòng thuế được cắt giảm về 0% kể từ ngày 5.10.2016, tập trung vào các nhóm mặt hàng là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất (nguyên phụ liệu dệt may-da giày, chất dẻo nguyên liệu...).

Bên cạnh đó, thuế suất của những nhóm hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam (như: giày dép, quần áo, thủy sản, linh kiện và sản phẩm điện tử, chè, cà phê, rau quả,...), sản phẩm cao su, sữa, một số loại sắt thép và sản phẩm sắt thép, hóa chất, máy móc thiết bị,... cũng được cắt giảm về 0%.

Trong năm 2017, số dòng thuế có mức thuế suất 0% không thay đổi so với năm 2016.

Đến năm 2018, có thêm 144 dòng thuế được cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu về 0%, tăng tổng số dòng thuế có mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% lên 5103 dòng, chiếm khoảng 54% tổng biểu.

Lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu trong Biểu thuế VN-EAEU FTA được áp dụng cho 3 giai đoạn: giai đoạn từ 5.10.2016 đến hết 31.12.2016; giai đoạn từ 1.1.2017 đến hết 31.12.2017; và giai đoạn từ 1.1.2018 đến hết 31.12.2018.

Để được hưởng mức ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định này, hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng được điều kiện về xuất xứ hàng hóa được quy định tại Thông tư số 21 ngày 20.9.2016 về quy định thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Cắt giảm thuế suất trứng gia cầm, thuốc lá cho Liên minh Kinh tế Á - Âu

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 2/4 mặt hàng cam kết áp dụng hạn ngạch thuế quan trong WTO, gồm: trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu.

Lượng hạn ngạch thuế quan dành cho các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu năm 2016 là 8.000 tá trứng gia cầm và 500 tấn thuốc lá nguyên liệu.

Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong hạn ngạch dành cho Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ được cắt giảm về 0% vào năm 2018 và cắt giảm với lộ trình tương tự như cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Úc-Niu Di-lân (AANZFTA) đối với mặt hàng thuốc lá nguyên liệu.

Sau khi lượng hạn ngạch dành cho Liên minh Kinh tế Á-Âu được sử dụng hết, doanh nghiệp nhập khẩu có thể nhập khẩu mặt hàng trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu theo cơ chế thông thường, nghĩa là áp dụng thuế suất MFN trong hạn ngạch WTO và thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch theo quy định tại Nghị định số 122 ngày 1.9.2016 của Chính phủ.

Chi tiết các mức thuế suất nhập khẩu trong và ngoài hạn ngạch áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ Liên minh Kinh tế Á-Âu và các nước thành viên như sau:

Miễn thuế nhiều dòng xe ô tô nhập khẩu từ Nga

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực đầu tư, các Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Cộng hòa Belarus cũng có hiệu lực kể từ ngày 5.10.2016.

Theo đó, các công ty của Nga và Belarus đang gấp rút triển khai thành lập liên doanh tại Việt Nam và sớm hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để liên doanh sau khi thành lập sẽ được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu trong hạn ngạch theo quy định của các Nghị định thư.

Cụ thể, các doanh nghiệp liên doanh Việt - Nga sẽ được miễn thuế nhập khẩu trong hạn ngạch đối với phương tiện vận tải có động cơ như một số loại xe SUV (loại xe thể thao đa dụng) của UAZ (MIG), phương tiện vận tải có động cơ dùng để chở 10 người trở lên, bao gồm cả lái xe (M2, M2G, M3, M3G), xe tải (N1, N1G, N2, N2G, N3, N3G) và xe chuyên dụng (SB, SC, SD) theo thống nhất của doanh nghiệp được ủy quyền của Nga và doanh nghiệp có quan tâm của Việt Nam…

Lượng hạn ngạch cho tất cả các liên doanh thành lập theo Nghị định thư đối với các phương tiện vận tải có động cơ năm 2016 là 800 chiếc, tăng dần năm 2017 là 850 chiếc, năm 2018 là 900 chiếc.

Đối với phụ tùng linh kiện, lượng hạn ngạch năm 2017 là 2.500 bộ, năm 2018 và 2019 là 3.000 bộ, dự kiến 2020 và 2021 là 2.500 bộ.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc triển khai cam kết của Hiệp định VN-EAEU FTA sẽ mang lại hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế - xã hội Việt Nam.

Hiệp định được thực thi sẽ giúp mở rộng và phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, và đặc biệt góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong thời gian tới khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực.

Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gần 5.000 dòng thuế nhập khẩu được cắt giảm về 0% trong tháng 10