Tính từ đầu năm đến hết ngày 15.3.2017, xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi xuất xứ từ Ấn Độ nhập về Việt Nam đạt 4.780 chiếc, trị giá hơn 18 triệu USD, tương ứng với gần 3.798 USD/chiếc (khoảng 84 triệu đồng/chiếc).
Theo số liệu sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, ô tô nguyên chiếc các loại (bao gồm xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, trên 9 chỗ ngồi, xe tải, và xe khác) xuất xứ từ Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam tính từ đầu năm đến hết ngày 15.3.2017 đạt 4.781 chiếc, trị giá hơn 18,2 triệu USD, tăng 3,3 lần về lượng, và tăng 67% về trị giá so với cùng thời gian năm 2016.
Trong đó, từ đầu năm đến 15.3, xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi xuất xứ từ Ấn Độ nhập về Việt Nam đạt 4.780 chiếc, trị giá hơn 18 triệu USD, mức giá bình quân khai báo (gần 3.798 USD/chiếc, tương tự mức giá bình quân của năm 2016 là 3.849 USD/chiếc và mức giá bình quân 3.955 USD/chiếc của năm 2015).
Theo Tổng cục Hải quan, cơ cấu xe ô tô có xuất xứ từ Ấn Độ nhập về Việt Nam từ đầu năm đến ngày 15.3 chủ yếu là xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, chiếm 99,98%. Trong khi đó, so với cùng kỳ năm 2016 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi xuất xứ từ Ấn Độ được nhập về 970 chiếc, chiếm 86,5%, xe ô tô tải là 135 chiếc chiếm 12%, xe ô tô chuyên dụng 17 chiếc, chiếm 1,5%.
"Nhìn lại, 2 tháng tính từ đầu năm 2017, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại (bao gồm xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, xe trên 9 chỗ ngồi, xe tải, và các loại xe khác) của cả nước tăng mạnh 36,5% so với cùng kỳ năm 2016", Tổng cục Hải quan cho biết
Tính từ đầu năm đến hết tháng 2.2017, cả nước nhập khẩu gần 15,3 nghìn ô tô nguyên chiếc các loại, tăng 36,5% (tương đương tăng hơn 4 nghìn chiếc) so với cùng thời gian năm trước. Trong đó lượng nhập khẩu ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 9,6 nghìn chiếc, tăng 143,7% và chiếm 62,9% tổng lượng ô tô nhập khẩu của cả nước; ô tô tải đạt hơn 5 nghìn chiếc, giảm 11,2%; ô tô trên 9 chỗ ngồi là 109 chiếc, tăng 3,8% và ô tô loại khác là 540 chiếc, giảm 62,8%.
Tổng cục Hải quan cũng cho biết thêm lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia thành viên ASEAN trong 2 tháng đầu năm 2017 là 8,8 nghìn chiếc, tăng 62,3% so với cùng thời gian năm 2016. Trong đó, hai thị trường trong ASEAN xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang Việt Nam là Thái Lan và Indonesia. Xe ô tô nguyên chiếc các loại xuất xứtừ Thái Lan 2 tháng đầu năm 2017 đạt 5.714 chiếc, trị giá 110 triệu USD, tăng 20,8% về lượng và tăng 37,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, 2 tháng đầu năm 2017, lượng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống xuất xứ Thái Lan chiếm 46,5% lượng ô tô nguyên chiếc các loại xuất xứ từ Thái Lan với 2.658 chiếc, trị giá 47 triệu USD, tăng 78,9% về lượng và tăng 2,2 lần về trị giá so với cùng thời gian năm 2016. Xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập về Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017 có đơn giá bình quân gần 18 nghìn USD/chiếc, tăng mạnh so với đơn giá bình quân hơn 12 nghìn USD/chiếc của năm 2016.
Tuy nhiên, xe tải mới là loại xe có số lượng nhập khẩu lớn nhất chiếm 53,3% trong tổng lượng xe nguyên chiếc các loại nhập khẩu từ Thái Lan, với 3.044 chiếc, trị giá 61 triệu USD, giảm 5,9% về lượng, và giảm 6,5% về trị giá so với cùng thời gian năm 2016.
Xe ô tô nguyên chiếc các loại xuất xứ từ Indonesia được nhập về trong 2 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh 342,1% về lượng, và tăng 561,4% về trị giá so với cùng thời gian năm 2016, với 3.108 chiếc, trị giá 54 triệu USD. Trong đó, xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 2.544 chiếc, chiếm tỷ trọng 81,9%, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016 chỉ có 2 chiếc. Còn lại là xe tải với 564 chiếc, trị giá hơn 4 triệu USD, giảm 19,4% về lượng và 44,1% về trị giá so với cùng thời gian 2016.
Hàn Quốc là thị trường cung cấp ô tô nguyên chiếc các loại lớn thứ 3 cho Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017 với 2.045 chiếc, trị giá gần 28 triệu USD, tăng 2,3% về lượng và 5,6% về trị giá so với cùng thời gian 2016. Trong đó, xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 1.114 chiếc, trị giá gần 6 triệu USD, tăng 70,6% về lượng và 77,1% về trị giá so với 2 tháng đầu năm 2016. Đơn giá bình quân đạt 4.964 USD/chiếc, tăng nhẹ so với đơn giá 4.764 USD/chiếc của 2 tháng đầu năm 2016. Xe ô tải xuất xứ từ Hàn Quốc được nhập về là 849 chiếc, trị giá 15 triệu USD, giảm 20,2% về lượng, nhưng tăng 84,6% về trị giá so với cùng kỳ 2016.
Tuyết Nhung