Từ vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần thận trọng trong tất cả các giao dịch xuất khẩu gạo sang Indonesia.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Gạo Việt Nam sang Indonesia có thể gặp bất lợi

Tuyết Nhung 09/07/2024 14:27

Từ vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần thận trọng trong tất cả các giao dịch xuất khẩu gạo sang Indonesia.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia vừa cho biết tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Indonesia có khả năng sẽ bất lợi trước việc Cơ quan hậu cần quốc gia Bulog (cơ quan được phân công giao thu mua gạo thầu quốc tế của chính phủ) và Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia bị tổ chức dân sự People's Democracy Study (SDR) khiếu kiện lên Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (KPU).

gao-viet-nam-1.jpg
Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam - Ảnh: IT

Theo thương vụ, ngày 4.7.2024, truyền thông Indonesia có đưa tin Giám đốc điều hành của tổ chức dân sự People's Democracy Study (SDR) là ông Prasetyo Adi, ngày 3.7.2024 đã chính thức nộp đơn khiếu nại Chủ tịch Cơ quan lương thực quốc gia Babanas và Chủ tịch Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia Preum Bulog lên Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Indonesia.

Có hai cáo buộc được tổ chức này đưa ra: Cáo buộc thứ nhất nghi ngờ liên quan tới tham nhũng thông qua việc thổi phồng, cộng giá vào giá gạo nhập khẩu từ Việt Nam; cáo buộc kia liên quan tới việc gạo nhập khẩu bị tồn ứ ở cảng Tanjung Priok (bị bốc dỡ chậm) khiến phát sinh chi phí phạt bốc dỡ chậm, làm gia tăng giá gạo.

Theo tính toán của tổ chức dân sự nói trên, "tổn thất của nhà nước từ hành vi tham nhũng ấy có thể lên tới 2 nghìn tỉ rupi. Tổn thất này được tính toán dựa trên chênh lệch giá chào bán của một công ty Việt Nam, mức giá chênh tới 82 USD/tấn. Nếu tỷ giá chỉ tính là 15.000 rupi/USD, mức chênh lệch là 180,4 triệu USD. Với số lượng gạo chúng ta nhập khẩu là 2,2 triệu tấn trong 5 tháng năm 2024, thì con số chênh lệch là 2 nghìn tỉ rupi". Giá chênh lệch mà tổ chức trên đưa ra là tham chiếu giá chào của một công ty Việt Nam được cho là đã tham gia vào quá trình cung ứng gạo nhập khẩu.

Trước cáo buộc của People's Democracy Study, Cơ quan hậu cần quốc gia đã bác bỏ cáo buộc "Tập đoàn này của Việt Nam, tin cho biết là đã chào giá gạo, nhưng thực sự đã không có bất cứ bản chào giá thầu chính thức nào kể từ khi mở thầu năm 2024 đến nay của Bulog. Tập đoàn này không có hợp đồng nhập khẩu gạo nào với chúng tôi trong năm nay". "Bulog là nạn nhân của báo cáo không có cơ sở này, nhằm tạo dư luận xấu". Theo Bulog, tập đoàn đã đăng ký là một trong những đối tác của Bulog nhưng chưa từng chào giá gạo cho Bulog trong năm 2024.

Giám đốc Chuỗi cung ứng và dịch vụ công của Perum Bulog Mokhamad Suyamto cho biết cáo buộc về tăng giá bắt đầu xuất hiện khi một công ty Việt Nam chào bán 100.000 tấn gạo với giá 538 USD/tấn nhân chuyến thăm nhà máy xay xát của công ty trong dịp Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia sang Việt Nam hồi tháng 5.2024.

"Việc Cơ quan Lương thực quốc gia và Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia bị khiếu kiện lên Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia nước này liên quan tới cáo buộc tham nhũng từ việc mua gạo từ Việt Nam (cho dù đang trong quá trình điều tra) có khả năng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thu mua gạo của Indonesia từ Việt Nam từ nay đến hết năm 2024 hoặc cho tới khi vụ việc được điều tra làm rõ. Việc ngưng thầu mua gạo từ Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy để Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia làm rõ vụ việc; hoặc Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia tạm thời sẽ tránh mua gạo từ Việt Nam để tránh bị nghi ngờ gian lận", Thương vụ cho hay.

Vụ việc khiếu kiện đang trong quá trình điều tra xác minh làm rõ. Từ vụ việc đáng tiếc này, Thương vụ khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần thận trọng trong bất cứ giao dịch, phát ngôn nào, không để ảnh hưởng đến toàn bộ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam nói chung.

Cần có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, đoàn kết, cùng bảo vệ hình ảnh hạt gạo, ngành lúa gạo nước nhà. Sự cạnh tranh không lành mạnh của chính các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam (nếu có) sẽ tạo thuận lợi để các phe nhóm lợi ích tại Indonesia tận dụng, khai thác và cuối cùng sẽ ảnh hưởng chính tới các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Mới đây Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia vừa chốt hợp đồng 300.000 tấn gạo với các nhà cung cấp. Theo thứ tự, các doanh nghiệp Thái Lan trúng thầu với số lượng nhiều nhất 117.000 tấn, đứng thứ 2 là Việt Nam 108.000 tấn, phần còn lại từ Pakistan và Myanmar. Trong đó, Việt Nam chiếm 4/12 gói thầu.

Indonesia đang nỗ lực tăng lượng gạo nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và kiềm chế lạm phát. Giới chức nước này cho biết giá gạo đã tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái do hiện tượng khô hạn ảnh hưởng đến diện tích và sản lượng gạo nước này. Năm 2024, Indonesia dự báo nhập khẩu tới 3,6 triệu tấn gạo và là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, sau Philippines.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu gạo Việt Nam trong 5 tháng đầu 2024 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Xuất khẩu gạo tăng mạnh 83,4% về lượng, tăng 133,9% kim ngạch và tăng 27,5% về giá so với 5 tháng năm 2023, đạt 676.762 tấn, tương đương 424,11 triệu USD, giá bình quân 626,7 USD/tấn, chiếm trên gần 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Indonesia tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam trong kỳ.

Bài liên quan
Cựu chiến binh với niềm đam mê sản xuất lúa gạo sạch
Sau khi trở về với cuộc sống thời bình, cựu chiến binh Lê Văn Mưa (ngụ xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau) được nhiều người biết đến là một “nông dân rặt”. Ông Mưa có niềm say mê với ruộng đồng, đặc biệt là sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Dự án đường sắt cao tốc: Mong doanh nghiệp Việt 'bắt tay' thay vì triệt tiêu nhau
Đại tá Phan Phú, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) mong rằng trước cơ hội thị trường xây lắp vô cùng lớn từ dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC), các doanh nghiệp trong nước nên bắt tay thay vì triệt tiêu nhau.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gạo Việt Nam sang Indonesia có thể gặp bất lợi