Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang gấp rút xây dựng 2 tuyến liên vận quốc tế từ ga Sóng Thần (Bình Dương) - ga đầu mối hàng hóa lớn nhất của đường sắt khu vực phía nam - đi Trung Quốc và các nước thứ ba.
Tuyến thứ nhất xuất phát từ ga Sóng Thần đi ga Kép (Bắc Giang) rồi đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) trước khi sang ga Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
Từ đây, tàu sẽ tiếp tục vào sâu nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc sang các nước Trung Á, Nga, EU...
Tuyến thứ 2 từ ga Sóng Thần đi ga Lào Cai, tới ga Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) sau đó sẽ chuyển đổi phương tiện vào sâu nội địa Trung Quốc.
Mỗi đoàn tàu dự kiến sẽ vận chuyển 20 - 25 container. Thời gian chạy tàu từ ga Sóng Thần đến ga biên giới Bằng Tường (Quảng Tây) khoảng 5 ngày; đến ga Sơn Yêu (Vân Nam) mất 6 ngày.
Việc triển khai hoạt động liên vận quốc tế sẽ được chia thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1, trong khi chờ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến hải quan, đáp ứng các điều kiện về kho bãi theo quy định pháp luật, ngành đường sắt sẽ tổ chức các đoàn tàu liên vận quốc tế có ga đi và đến là ga Kép/Yên Viên, sau đó tiếp chuyển sang tàu nội địa đi/đến ga Sóng Thần.
Giai đoạn 2, sau khi hoàn thiện các thủ tục liên quan đến hải quan và các điều kiện về kho bãi, sẽ tổ chức các đoàn tàu liên vận quốc tế có ga đi/đến là ga Sóng Thần. Trong đó tổ chức chuyển tải phương tiện có giám sát hải quan tại ga Kép do khác biệt về khổ đường 1.435mm từ Trung Quốc về ga Kép, và khổ 1.000mm từ ga Kép đi các tuyến đường sắt phía nam.
Với quy mô là ga đầu mối hàng hóa đường sắt lớn nhất khu vực phía nam, ga Sóng Thần (Bình Dương) hiện có 2 bãi hàng, một bãi trong ga diện tích khoảng 87.000m2, một bãi ngoài ga diện tích hơn 100.000m2, với 5 đường đón, gửi tàu và 12 đường xếp dỡ.
Năm 2022, khi nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao, sản lượng hàng hóa thông qua ga đã đạt hơn 1,6 triệu tấn, chạm ngưỡng bão hòa.
Ga Sóng Thần nằm trên QL1A, vị trí ngay tại trung tâm khu công nghiệp Sóng Thần, có khả năng kết nối tốt với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp… và các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước.
Trong khi đó, Bình Dương hiện là một trong những tỉnh có hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa xuất, nhập khẩu dẫn đầu trong cả nước. Nhu cầu nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cao. Ngược lại, nhu cầu xuất khẩu sản phẩm từ các doanh nghiệp FDI và các nhà máy da giầy, dệt may và đồ gỗ nội thất sang thị trường Trung Quốc, châu Âu cũng rất lớn.
Do đó, việc tổ chức hoạt động liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần, thay vì phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển tại TP.HCM, Vũng Tàu để làm thủ tục xuất nhập khẩu, thì doanh nghiệp có thể làm thủ tục ngay tại ga, từ đó vận chuyển bằng đường sắt sang thị trường Nga, EU, rút ngắn được thời gian vận chuyển bằng 2/3 so với đường biển truyền thống. Khi thời gian được rút ngắn, chi phí chắc chắn cũng sẽ giảm.