Mọi người thường nghĩ Gen Z (sinh từ năm 1995 đến 2012) lớn lên trong thời đại công nghệ phát triển thần tốc nên là “bậc thầy” của mọi thiết bị điện tử. Tuy nhiên giới chuyên gia lo ngại thế hệ này đánh mất kỹ năng đánh máy.
Khi điện thoại thông minh cùng máy tính bảng làm lu mờ máy tính bàn và máy tính xách tay, việc gõ phím bằng 10 ngón tay có thể bị lãng quên. Tháng 4 vừa qua, nữ ca sĩ Gen Z nổi tiếng Billie Eilish nói với tạp chí Rolling Stone rằng: “Tôi chưa bao giờ học đánh máy vì tôi không thuộc thế hệ đó. Giờ đây tôi thấy hối hận”.
Trong 25 năm qua, số lượng người trẻ tham gia khóa học đánh máy sụt giảm mạnh. Tờ The Wall Street Journal cho biết một nguyên nhân là số lượng trường có khóa học giảm.
Tại Anh, trường học có quyền quyết định nên cấp chứng chỉ Ofqual quốc gia về kỹ năng đánh máy hay không. Đánh máy không nằm trong chương trình giáo dục quốc gia dù là kỹ năng cần thiết. Gen Z sử dụng thiết bị cảm ứng ngày càng nhiều cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Công ty Instructure (chuyên cung cấp phần mềm cho phép sinh viên tải bài tập lên) ghi nhận 39% số bài tập nộp vào tháng 5 được viết trên thiết bị trực tuyến thay vì máy tính. Theo giám đốc học thuật Melissa Loble: “Những gì sinh viên muốn là làm bài tập trên thiết bị di động của mình. Chúng ta có hai thế hệ trải nghiệm việc dạy và học theo cách rất khác nhau. Tôi thật sự lo lắng”.
Người đánh máy nhiều sẽ cải thiện tốc độ lẫn độ thành thạo. Vì vậy ít dùng máy tính khiến kỹ năng đánh máy kém đi.
Kỹ năng bấm điện thoại lại nâng cao đáng kể. Một nghiên cứu năm 2019 do Đại học Cambridge hợp tác Đại học Alto thực hiện với 37.000 người phát hiện tốc độ bấm điện thoại thông minh sắp bắt kịp tốc độ đánh máy. Khoảng cách về tốc độ chỉ còn 25% và người 10 - 19 tuổi bấm điện thoại nhanh hơn người độ tuổi 40 đến 10 từ/phút.
Phát hiện trên chẳng có gì ngạc nhiên cả. Người tham gia nghiên cứu đều dành trung bình 6 giờ mỗi ngày cho điện thoại.
Cả giáo viên cũng ghi nhận Gen Z gõ phím bằng 10 ngón tay chậm dần. Giáo viên Christine Mueller sống tại bang Oklahoma (Mỹ) nghe nhiều đồng nghiệp phàn nàn về kỹ năng đánh máy kém của học sinh.
Tiến sĩ Per Ola Kristensson (Đại học Cambridge) nhận định: “Tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy dùng màn hình cảm ứng nhiều hơn gây bất lợi cho kỹ năng sử dụng bàn phím vật lý. Nhiều khả năng là mọi người dành ít thời gian đánh máy trên bàn phím vật lý hơn”.
Ông không nghĩ đây là vấn đề lớn, miễn sao người học vẫn có thể ghi chép thông tin nhanh chóng. Tuy nhiên, chuyên gia này lại lo ngại xu hướng chuyển sang dùng màn hình cảm ứng ảnh hưởng kỹ năng giao tiếp, tính năng sửa lỗi và việc sáng tạo nội dung của trí tuệ nhân tạo tác động xấu đến kỹ năng viết lách.