Trong tháng 10, Petrovietnam đạt doanh thu cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay, qua đó tiếp tục duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh tích cực và dự kiến sẽ hoàn thành tất cả các chỉ tiêu tài chính được giao trong năm 2023 và khoảng giữa tháng 11.

Giá dầu giảm mạnh, doanh thu tháng 10 của Petrovietnam vẫn lập 'đỉnh'

Hạ Vĩ | 13/11/2023, 11:20

Trong tháng 10, Petrovietnam đạt doanh thu cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay, qua đó tiếp tục duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh tích cực và dự kiến sẽ hoàn thành tất cả các chỉ tiêu tài chính được giao trong năm 2023 và khoảng giữa tháng 11.

Thông tin được Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết trong cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 11 với lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn về kết quả SXKD tháng 10, 10 tháng và kế hoạch 2 tháng cuối năm 2023.

Nỗ lực vượt khó, doanh thu tháng 10 vượt 44% so với kế hoạch

Trong tháng 10, xung đột giữa Israel và Hamas tiếp tục làm căng thẳng thêm tình hình địa chính trị vốn đã khó khăn trong 9 tháng đầu năm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu tháng 10 đạt 48,8 điểm, giảm 0,3 điểm so với tháng 9 và là tháng thứ 14 liên tiếp ghi nhận dưới 50 điểm. Ngoại trừ Mỹ, chỉ số PMI của hầu hết các nền kinh tế lớn đều dưới 50 điểm, đặc biệt khu vực châu Âu ghi nhận sự phục hồi yếu nhất.

Điều này cho thấy sản xuất toàn cầu tiếp tục ảm đảm, chưa có sự bứt phá và sẽ tiếp tục tác động đến năm 2024. Bên cạnh đó, mặc dù lạm phát giảm nhưng nợ công tăng; các dự báo tăng trưởng kinh tế gần đây đều thấp hơn so với những dự báo trước đó.

1.jpg
Toàn cảnh buổi họp giao ban tại Petrovietnam 

Trong nước, mặc dù nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội có cải thiện, niềm tin về sức chống chịu của nền kinh tế vững chắc dần lên. Tuy nhiên, các dự báo gần đây nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế tiếp tục khó khăn, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất với sự lo ngại về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh cầu tiêu dùng thế giới chưa thực sự hồi phục.

Bên cạnh đó, tác động trực tiếp đến ngành Dầu khí là giá dầu tháng 10 giảm so với tháng 9, giá bình quân các loại sản phẩm xăng dầu tháng 10 đều giảm từ 4 - 10% so với tháng 9; biên lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh; huy động khí cho sản xuất điện thấp, vấn đề tiêu thụ khí, LNG hết sức khó khăn; huy động điện khí cũng rất thấp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các nhà máy điện, suất hao nhiệt cao; tiêu thụ phân bón khó do thừa cung và vụ mùa vào chậm hơn so với cùng kỳ…

Theo ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc PV GAS, tiêu thụ khí của điện rất thấp, năm sau thấp hơn năm trước khi điện khí thường xuyên không được ưu tiên huy động. Năm 2023, dự kiến tiêu thụ khí của điện giảm khoảng 18% so với năm 2022 và được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024, ảnh hưởng đến sản xuất, đưa khí về bờ.

Tổng lượng khí về bờ của PV GAS trong năm 2024 dự báo chỉ khoảng 6,3 tỉ m3, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 7,7 tỉ m3 của năm 2023. Cùng với đó, các cơ chế để cung cấp LNG cho điện hết sức khó khăn, dự báo trong năm 2024 vẫn chưa thể bán được LNG cho điện.

2.jpg
Các điểm cầu trực tuyến

Trong bối cảnh tác động khá tiêu cực của các yếu tố vĩ mô, thị trường, Petrovietnam đã nỗ lực, linh hoạt trong quản trị, điều hành, duy trì hoạt động SXKD ổn định, an toàn, liên tục; tiếp tục đạt kết quả SXKD khả quan, tăng trưởng so với tháng 9.

Trong tháng 10, các chỉ tiêu sản lượng sản xuất của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng. Đặc biệt, sản xuất xăng dầu ổn định, tăng trưởng cao, Tập đoàn đã tận dụng cơ hội thị trường, tối ưu chu kỳ bảo dưỡng, đảm bảo Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động an toàn, ổn định, ở công suất cao liên tục trong 38 tháng qua, góp phần gia tăng hiệu quả SXKD, ổn định thị trường xăng dầu; Nhà máy Đạm Cà Mau tiếp tục sản xuất ở mức cao, dự kiến vượt đỉnh của năm 2022.

3.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải

Cụ thể, sản lượng khai thác dầu tháng 10 đạt 0,85 triệu tấn, vượt 4,2% kế hoạch (KH) tháng, tính chung 10 tháng đạt 8,7 triệu tấn, vượt 13,1% KH 10 tháng; sản lượng khai thác khí tháng 10 đạt 0,62 tỉ m3, vượt 4,6% KH tháng, tính chung 10 tháng đạt 6,38 tỉ m3, vượt 9,7% KH 10 tháng; sản xuất điện tháng 10 đạt 1,91 tỉ kWh, vượt 2,4% KH tháng, tính chung 10 tháng đạt 19,54 tỉ kWh, vượt 1,7% KH 10 tháng, tăng 46,2% so với cùng kỳ; sản xuất đạm tháng 10 đạt 161,8 nghìn tấn, vượt 9,6% KH tháng; tính chung 10 tháng đạt 1,46 triệu tấn, vượt 5,9% KH 10 tháng; sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) tháng 10 đạt 635,4 nghìn tấn, vượt 18,4% KH tháng; tính chung 10 tháng đạt 6,08 triệu tấn, vượt 10% KH năm (về đích trước KH 2 tháng), tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Với nỗ lực duy trì sản xuất ở mức cao, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn vượt cao so với KH. Tổng doanh thu toàn tập đoàn tháng 10 ước đạt 87,2 nghìn tỉ đồng, vượt 44% KH tháng; tính chung 10 tháng đạt 745 nghìn tỉ đồng, vượt 10% KH năm 2023 (về đích trước 2 tháng); nộp NSNN toàn tập đoàn (không bao gồm NSRP) tháng 10 đạt 14,9 nghìn tỉ đồng, vượt 2 lần KH tháng; tính chung 10 tháng đạt 121 nghìn tỉ đồng, vượt 54% KH cả năm 2023 (về đích trước 5 tháng).

4.jpg
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng kiểm tra tiến độ dự án NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4

Bên cạnh đó, trong tháng 10, đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Petrovietnam. Đặc biệt, ngày 30.10.2023, Petrovietnam cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn; đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm.

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là công trình trọng điểm Nhà nước về dầu khí; có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay với sản lượng khai thác khí dự kiến 5,06 tỉ m3/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn tại Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000 MW; có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, ngày 29.10.2023, Petrovietnam và PV GAS đã tổ chức khánh thành Kho cảng Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải công suất 1 triệu tấn/năm. Đây là kho LNG đầu tiên, lớn nhất Việt Nam, đánh dấu một bước đột phá của Petrovietnam trong việc thực hiện thành công đa dạng hóa sản phẩm, năng lượng mới, mở rộng thị trường trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, đáp ứng mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch và xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia.

Trước đó, ngày 12.10 và 16.10.2023, PV Power cùng các tổng thầu đưa máy phát điện và turbine khí Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào bệ móng. Cột mốc này rất quan trọng đối với dự án điện LNG đầu tiên của đất nước, nhằm đảm bảo tiến độ phát điện thương mại (COD) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào quý 4/2024 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 vào quý 2/2025…

Kiên định mục tiêu quản trị, chủ động ứng phó biến động thị trường

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn đến năm 2025 tại cuộc họp, khối lượng công việc cần phải triển khai thực hiện rất nhiều.

Do đó, các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị phải tái cơ cấu cần có chương trình, kế hoạch rất cụ thể để đạt mục tiêu kế hoạch Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng cũng chỉ đạo, sau bước tiến quan trọng vừa qua của Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn, các đơn vị tham gia dự án từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn cần triển khai quyết liệt, sát sao theo tiến độ dự án.

Đối với các đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch SXKD theo chỉ tiêu HĐTV Tập đoàn giao cần tiếp tục nỗ lực tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm.

5.jpg
Lãnh đạo Tập đoàn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn

Kết luận cuộc họp, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao kết quả SXKD của toàn Tập đoàn từ đầu năm đến nay và cho biết, hầu hết các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức rất cao so với kế hoạch được giao, chỉ còn 1 chỉ tiêu là doanh thu Công ty mẹ dự kiến cũng sẽ hoàn thành vào giữa tháng 11 này.

Tổng giám đốc cũng đánh giá cao và ghi nhận những cố gắng, nỗ lực vượt bậc, phối hợp nhịp nhàng trong toàn hệ thống để đạt được kết quả rất đáng khích lệ đó.

6.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết triển khai Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn

Tuy nhiên, nhận định vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua trong thời gian tới như: huy động khí, điện, đảm bảo sản lượng khai thác, đầu ra cho các sản phẩm lọc hóa dầu… Chỉ đạo thực hiện kế hoạch tháng 11 – 12, cũng như chuẩn bị cho kế hoạch năm 2024, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng khẳng định và nhấn mạnh 5 bài học trong công tác quản trị được đúc rút từ thực tiễn, đó là: (i) phải xác định mục tiêu rõ ràng; (ii) có kế hoạch thật cụ thể, tỉ mỉ; (iii) phải triển khai thực hiện ngay lập tức chứ không chờ đôn đốc, kiểm tra; (iv) thường xuyên kiểm soát, điều chỉnh; (v) kiên định đến cùng thực hiện mục tiêu.

Petrovietnam tiếp tục kiên định các mục tiêu quản trị đề ra từ đầu năm, đặc biệt là việc mở rộng quy mô, tăng doanh thu để tạo đà cho tái tạo mô hình kinh doanh.

7.jpg
Người lao động dầu khí trên giàn Sư Tử Trắng

Cùng với các nhiệm vụ đã chỉ đạo cụ thể với từng lĩnh vực, từng đơn vị trong cuộc họp, Tổng giám đốc Petrovietnam nhấn mạnh một số công việc cụ thể thời gian tới:

Thường xuyên cập nhật, dự báo vĩ mô, thị trường để đưa vào kế hoạch, công tác quản trị, điều hành; tập trung gia tăng sản lượng, đảm bảo an toàn hoạt động; bảo đảm độ khả dụng của các nhà máy điện và sản lượng điện, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế; điều hành linh hoạt sản xuất, tồn kho, kinh doanh; rà soát, đánh giá, kiểm soát an toàn dòng tiền, đảm bảo cân đối giữa nguồn vốn, dòng tiền với danh mục đầu tư, kế hoạch, tiến độ triển khai các dự án đầu tư, giữa chiến lược vốn với chiến lược tái cấu trúc.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ, đặc biệt là các quy trình, quy định, quy chế; danh mục lại và có lộ trình khắc phục, xử lý các vấn đề cần phải chấn chỉnh theo kết luận của Kiểm toán nhà nước; hoàn hiện kế hoạch 5 năm cũng như kế hoạch năm 2024, đồng thời xây dựng mục tiêu kế hoạch quản trị đồng bộ ngay từ đầu năm.

Đặc biệt, Tổng giám đốc đề nghị lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm phân tích rõ công tác tái cấu trúc đối với từng lĩnh vực, khu vực, có phân công, đưa ra giải pháp cụ thể và quán triệt việc triển khai thực hiện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo Đề án.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lãnh đạo các nước ASEAN đối thoại với đại diện nghị viện, thanh niên và doanh nghiệp
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều 9.10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự các phiên đối thoại với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) và Thanh niên ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá dầu giảm mạnh, doanh thu tháng 10 của Petrovietnam vẫn lập 'đỉnh'