Khi giá hồ tiêu ở mức cao hơn 200.000 đồng/kg, người dân thi nhau trồng. Giờ giá lao dốc mạnh còn khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, người dân thua lỗ nặng nề, nợ hàng trăm tỉ.
Giá giảm mạnh, nông dân lao đao
Trong tuần qua, giá hồ tiêu trong nước tiếp tục có xu hướng giảm, dao động quanh mức 46.000 - 48.000 đồng/kg. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu cũng giảm mạnh là do giá xuất khẩu giảm. Dự báo từ nay tới cuối năm, giá tiêu sẽ giảm xuống còn 35.000 - 38.000 đồng/kg.
Trong khi đó, báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết tổng sản lượng xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 6.2020 ước đạt 21.644 tấn, trị giá 48,335 triệu USD. So với tháng 5.2020 giảm 28,68% về lượng và giảm 20,63% về kim ngạch. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hồ tiêu ước đạt 168.133 tấn, trị giá 357,29 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 4,9% về lượng và giảm 20,8% về trị giá.
Trước tình trạng giá tiêu giảm mạnh, giá trị thu về thấp. Người nông dân chịu tổn thất lớn nhất. Những hộ đã lỡ đầu tư rồi, bỏ thì bỏ không được nên phải cố gắng thu hoạch. Nông dân ở Đắk Lắk thực sự rơi vào khủng hoảng, nhiều hộ cho biết thua lỗ lớn quá nên giờ không có tiền nuôi các con ăn học.
Trao đổi với PV Một Thế Giới, TS. Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết giá hồ tiêu sụt giảm mạnh thời gian qua là do Việt Nam phát triển hồ tiêu quá nóng, chiếm 51% sản lượng toàn cầu và đứng đầu thế giới. Có thời điểm, hồ tiêu nằm trong danh sách những mặt hàng nông sản xuất khẩu tỉ đô của Việt Nam.
Sản lượng lớn nhưng 90% lượng tiêu hiện nay là dùng làm gia vị trong thực phẩm (ít làm tinh dầu và dược phẩm) nên nhu cầu sử dụng không cao. Nhu cầu thế giới chỉ dùng khoảng 500.000 tấn/năm. Mặc dù nhu cầu sử dụng hàng năm có thể tăng 2-5% nhưng sản lượng của toàn thế giới lại cao hơn rất nhiều, mỗi năm tăng từ 8-10%. Do đó, nguồn cung luôn ở trong tình trạng dư thừa.
Hiện nay, lượng tồn kho trên thế giới khoảng 60.000 - 70.000 tấn một năm. Với sản lượng mỗi năm tăng từ 8-10% thì nguồn cung luôn vượt quá cầu và lượng tồn kho ngày càng tăng, có thể lên đến 100.000 tấn/năm.
"Cung vượt cầu, tồn kho cao đương nhiên sẽ làm giá mặt hàng này giảm mạnh chóng mặt. Trước đó, có thời điểm giá hồ tiêu hơn 200.000 đồng/kg, mức giá này khiến người dân ồ ạt trồng, thậm chí họ phá rừng trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu. Bây giờ, mức giá đã giảm sâu còn khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg khiến người nông dân thua lỗ, có người chìm trong nợ nần hàng trăm tỉ đồng", TS Lạng cho hay.
Ở thời điểm hiện nay, theo TS Lạng, Tây Nguyên được xem là thủ phủ của hồ tiêu. Cả nước có khoảng 200.000 - 250.000 ha diện tích hồ tiêu. Với diện tích này, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về sản lượng tiêu. Cụ thể, năm 2019, tổng sản lượng tiêu của Việt Nam lên tới 215.000 tấn, trong đó 175.000 tấn là tiêu đen xuất khẩu, còn sản lượng không xuất khẩu là 25.000 - 30.000 tấn một năm.
Đánh giá lại thị trường hồ tiêu Việt Nam
Trước thực trạng trên, để ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững thời gian tới, TS Nguyễn Văn Lạng đề xuất nên rà soát, đánh giá lại thị trường hồ tiêu Việt Nam, bao gồm tất cả các tỉnh, chủ yếu là Tây Nguyên về sản lượng các hộ trồng hồ tiêu.
Cùng với đó là thông kê và định danh, phân loại chất lượng hồ tiêu. Đặc biệt là dùng công nghệ để soi xét hệ sinh thái, thổ nhưỡng một cách kỹ lưỡng. Phương pháp này sẽ trả lời câu hỏi chỗ nào trồng hồ tiêu tốt nhất, chỗ nào không trồng được. Từ đó ra khuyến cáo với người nông dân.
Về vấn đề đất đai, TS Lạng đánh giá môi trường đất trồng cây nông nghiệp nói chung và hồ tiêu nói riêng của Việt Nam đang có vấn đề. Cụ thể là bón phân quá nhiều, không theo định mức và yêu cầu, sử dụng thuốc trừ sâu quá lớn, tưới nước quá nhiều hoặc những vùng đất không đảm bảo yêu cầu khiến trong lòng đất ô nhiễm. Trong đó, độ PH có lượng ô nhiễm lớn nhất. Vì độ PH ô nhiễm nên sẽ rất chua khiến các vi sinh vật trong đất không hoạt động được, tạo ra nhiều mẩm bệnh. Do đó ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tiêu.
TS Lạng cũng khuyến cáo doanh nghiệp và người nông dân đảm bảo yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn của thế giới từ bón phân, thu hoạch cho đến chế biến. Theo đó, cần có những tổ chức đảm bảo chặt chẽ chất lượng tiêu, đẩy mạnh xuất khẩu hồ tiêu dưới dạng tiêu trắng. Còn về mặt kỹ thuật, TS Lạng cho biết hiện nay quan trọng nhất là chất lượng giống cây trồng.
TS Nguyễn Văn Lạng cũng đề xuất hỗ trợ trong việc giãn và giảm lãi suất các khoản nợ ngân hàng cho nông dân trồng tiêu trước bối cảnh thua lỗ nghiêm trọng như hiện nay.
Trong khi đó, phía cơ quan quản lý là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong thời gian tới sẽ ổn định diện tích hồ tiêu ở mức 100.000 ha, đồng thời đẩy mạnh canh tác theo hướng hữu cơ để cây hồ tiêu phát triển bền vững, các địa phương cần quản lý tốt các giống tiêu, chú trọng sự liên kết theo chuỗi giá trị và quan tâm đến việc chế biến sâu sản phẩm hồ tiêu. Đối với diện tích hồ tiêu bị bệnh chết, không phù hợp, cần kiên quyết chuyển đổi sang cây trồng khác.
Cơ quan này cũng đề nghị các Bộ, Ngành liên quan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm nâng cao giá trị cho ngành hồ tiêu. Các ngân hàng cần có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân sản xuất hồ tiêu
Bài và ảnh: Tuyết Nhung