Hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa, đặc biệt là giảm chi phí sản xuất, nước tưới, không còn cảnh thấp thỏm lo âu mỗi khi đến mùa khô hạn là những mô hình nông dân mong đợi.

ĐBSCL trong cơn hạn mặn - Bài 3: Sống thuận thiên theo Nghị quyết 120

15/07/2020, 06:35

Hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa, đặc biệt là giảm chi phí sản xuất, nước tưới, không còn cảnh thấp thỏm lo âu mỗi khi đến mùa khô hạn là những mô hình nông dân mong đợi.

Trồng cây trong nhà kính sẽ giúp tiết kiệm nước tưới mà vẫn cho hiệu quả cao - Ảnh: Văn Phạm

>>ĐBSCL trong cơn hạn mặn - Bài 2: Cần phát huy lợi thế từng vùng sinh thái

>>ĐBSCL trong cơn hạn mặn - Bài 1: Thay đổi để thích nghi​

Sự vào cuộc của chính quyền các địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất, dần thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu được dự báo diễn ra bất thường trong thời gian tới.

Liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp

An Giang nằm ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, là vùng tiếp nhận nước ngọt hoàn toàn thông qua sông Tiền và sông Hậu, trữ lũ và điều tiết nước ngọt cho các tỉnh vùng hạ nguồn ĐBSCL. Vì vậy tỉnh An Giang xác định liên kết vùng, quản lý nguồn nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng tài nguyên theo phương châm thuận thiên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng từ những thách thức đang đặt ra buộc chúng ta phải chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp hài hòa, thuận thiên. Nghị quyết 120 chính là đòn bẩy giúp địa phương tổ chức lại sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý, bền vững, mang tính đột phá. An Giang tập trung chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo thế liên kết vững chắc giữa các tỉnh trong vùng và tiểu vùng, đưa nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ở An Giang - Ảnh: Văn Phạm

Ông Trần Anh Thư cho biết thêm: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bớt đi sản lượng lúa, tăng sản lượng cây ăn trái, rau màu, cũng như các loại vật nuôi khác, như vậy là chúng ta giảm áp lực đối với cây lúa. Do thị trường lúa gạo đang đối mặt với những khó khăn nên chúng ta sẽ đi vào thị trường rộng mở đó là thị trường rau màu và cây ăn quả, thế giới đang rất cần. Nền nông nghiệp hữu cơ, nền nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp của mình đạt theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng đã chủ động phối hợp các địa phương tăng cường công tác dự báo, quan trắc môi trường, vận hành đóng-mở các cống không để mặn xâm nhập nội đồng; khuyến cáo nông dân không sản xuất vụ 3 những nơi điều kiện nguồn nước khó khăn mà tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, giống lúa chịu mặn làm 2 vụ ăn chắc.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết địa phương này tiếp tục chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, nhất là thực hiện mô hình tưới tiết kiệm nước, tích nước. Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp để tăng giá trị kinh tế cho người dân, một số vùng ven biển tập trung nuôi tôm, đặc biệt là phát huy lợi thế giống lúa được công nhận là ST24 và ST25.

“Chúng tôi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả qua trồng cây ăn trái, cây màu. Nói chung tất cả chuyển đổi này sẽ giúp thích nghi với biến đổi khí hậu. Thích ứng hạn hán, mặn xâm nhập, để làm sao bà con có thu nhập và giảm ảnh hưởng mạnh đến mức tối đa, trong tình hình hạn hán, xâm nhập mặn phức tạp như thế này”, ông Quyết nói.

Chuyển đổi cây trồng vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu

Những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời áp dụng những mô hình tiên tiến trong sản xuất để mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với cách sản xuất truyền thống.

Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện nay nông dân Hậu Giang đã thay đổi tư duy sản xuất theo hướng công nghệ cao, công nghệ 4.0 và sản xuất xanh theo hướng thuận thiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu như hơn 3 năm trước, toàn tỉnh chỉ có khoảng 200 mô hình sản xuất sạch, sản xuất theo chuẩn VietGap, GlobalGap thì hiện nay đã tăng lên khoảng 600 mô hình, trong đó lĩnh vực trồng trọt chiếm hơn 70%.

Tiết kiệm nước tưới và mang lại hiệu quả là mô hình nông dân đang hướng tới - Ảnh: Văn Phạm

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết mặc dù biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, nhất là hạn mặn nhưng nhờ chủ động ứng phó và có nhiều giải pháp, mô hình thích ứng nên địa phương không bị thiên tai gây thiệt hại nhiều. “Bước đầu cũng đã xuất hiện nhiều mô hình như các mô hình tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt tại gốc hoặc là tưới phun sương… Đây là những mô hình xài tiết kiệm nước phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để tuyên truyền, hỗ trợ các điều kiện như tiếp cận vốn hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, để các mô hình này được nhân rộng nhiều hơn nữa”, ông Tuyên nói vậy.

Chuyên gia sinh thái nghiên cứu độc lập về ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải cho chiến lược lâu dài vùng ĐBSCL. Đây cũng là chìa khóa trung tâm đối với ngành nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120, không chạy theo số lượng mà nâng cao chất lượng sản phẩm, khi đó giá trị sẽ nâng lên và đa dạng hơn.

Ông Thiện nói thêm: “Chính phủ cần có một chương trình chuyển hóa nền nông nghiệp, giúp người dân về mặt tổ chức, kỹ thuật, tài chính, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị và tìm kiếm thị trường tốt hơn. Chương trình này rất cần thiết vì dù người dân sáng tạo, giàu ý tưởng nhưng thiếu nguồn lực, đặc biệt là các nông hộ nhỏ lẻ”.

Những mô hình sản xuất thích ứng bắt đầu phát huy hiệu quả, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất hướng tới sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Tuy nhiên, để nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững, sống thuận thiên thực hiện theo Nghị quyết 120, các địa phương cần chuyển hóa nền nông nghiệp bằng cách quy hoạch lại vùng sản xuất, liên kết vùng, tiểu vùng, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, tìm kiếm thị trường tiềm năng, tập trung vào chất lượng hơn số lượng.

Văn Phạm

Bài liên quan
Làm chủ quá trình chuyển đổi số bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, Make in Vietnam không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
một giờ trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBSCL trong cơn hạn mặn - Bài 3: Sống thuận thiên theo Nghị quyết 120