Các tỉnh cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư vì giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến thời gian qua.

Giá nguyên vật liệu tăng đột biến, 5 tỉnh kêu khó giải ngân

Tuyết Nhung | 18/05/2022, 18:48

Các tỉnh cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư vì giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến thời gian qua.

Tỷ lệ giải ngân rất thấp

Làm việc với 5 tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước ngày 18.5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cho 5 tỉnh với tổng số vốn là hơn 26.000 tỉ đồng. Tuy nhiên đến ngày 4.5 vừa qua, các địa phương mới giải ngân được hơn 5.000 tỉ đồng, đạt 19% kế hoạch Thủ tướng giao.

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng đánh giá: "Như vậy đã gần hết nửa năm, nhưng tỷ lệ giải ngân tại các địa phương còn quá thấp so với yêu cầu, chưa kể nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia vừa phân bổ, nguồn vốn ngân sách nhà nước và gói kích cầu".

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, khi Việt Nam đang phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, việc tăng cường đầu tư công, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài... sẽ là giải pháp trọng tâm. Do đó, phải tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thúc đẩy các dự án để nhanh bàn giao và đưa vào sử dụng. Càng giải ngân nhanh càng phục hồi kinh tế nhanh.

5 tỉnh than khó

Ông Vũ Việt Văn - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến thời điểm ngày 4.5, tỉnh này mới giải ngân đạt hơn 21% kế hoạch. Nguyên nhân là do công tác chuẩn bị đầu tư dự án của các đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, giá nguyên vật liệu tăng đột biến khiến nhiều công trình phải giãn tiến độ thi công.

Ngoài ra, Vĩnh Phúc có nhiều dự án trọng điểm có quy mô tổng mức đầu tư lớn khiến thời gian thực hiện thủ tục đầu tư mất thời gian. Tỉnh này còn khó khăn về thẩm quyền trong việc kéo dài thực hiện, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm của các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương...

Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh này mới giải ngân đạt 20% kế hoạch. Theo bà Hiền, nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh gặp khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng chậm; thời gian thực hiện phê duyệt các bản vẽ thiết kế thi công mất nhiều thời gian. Hơn nữa còn có những nguyên nhân khách quan như việc tăng giá nguyên vật liệu, mùa mưa đến sớm nên đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công các dự án.

3 tỉnh còn lại là Bình Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên cũng gặp các vấn đề khó khăn tương tự như Vĩnh Phúc và Bình Phước về giải phóng mặt bằng còn chậm, giá nguyên vật liệu tăng đột biến...

Kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại diện các tỉnh đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương trong nước đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022; sớm thông báo kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2022 cho các Chương trình mục tiêu quốc gia để kịp thời chuẩn bị thủ tục, giải ngân kế hoạch vốn được giao và sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông Lê Ngọc Tiến - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận đề nghị có văn bản hướng dẫn việc bố trí vốn đầu tư công để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch đấu giá tạo nguồn thu ngân sách địa phương là cơ sở để phân khai cho các dự án đền bù tạo quỹ đất của tỉnh trong năm 2022.

Bà Trần Tuệ Hiền cũng đề nghị sớm có hướng dẫn xử lý việc tăng giá nguyên vật liệu để địa phương có căn cứ thực hiện điều chỉnh các dự án. Cùng với đó là cho phép địa phương trình HĐND tỉnh phân bổ vốn kế hoạch vốn năm trước 6 tháng (đối với nguồn ngân sách địa phương) để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế bản vẽ thi công - dự toán...

Giải quyết vướng mắc ngay tại hiện trường

Ông Nguyễn Đức Tâm - Vụ trưởng Vụ Địa phương và Lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, thực tế cho thấy công tác thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Dù nhiều tỉnh đã thực hiện phân cấp nhưng công tác thực hiện vẫn chưa đi đôi với nâng cao năng lực.

Nhiều dự án triển khai chậm do còn lúng túng trong công tác triển khai. Hay năng lực của một số chủ đầu tư cũng như nhà thầu còn yếu kém, khả năng tài chính thấp nên không đáp ứng được các yếu tố đầu vào khiến công tác thực hiện thi công tác công trình bị đình trệ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc điểm lại những khó khăn, vướng mắc cũng như những đề xuất của các địa phương và cho rằng, theo báo cáo của các tỉnh, thủ tục hiện nay còn nhiều nút thắt như: thủ tục đầu tư chậm; vấn đề đấu thầu hợp đồng chậm; phân bổ vốn chậm; giải phóng mặt bằng nhiều khó khăn; xung đột về giá... Đây là những vấn đề cần tập trung tháo gỡ. Tuy nhiên quan trọng hơn công tác thực hiện đòi hỏi tính chủ động, các tỉnh phải thực hiện đôn đốc, giải quyết vướng mắc ngay tại hiện trường.

Về giải pháp đẩy nhanh giải ngân trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thủ tục; tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng; đôn đốc thi công nhanh, bố trí vốn đủ để tạm ứng thanh toán; rà soát điều chỉnh vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân nhanh.

Bộ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh giao một Phó chủ tịch phụ trách chuyên trách làm Trưởng ban chỉ đạo của địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó cần sát sao, trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

"Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến của các địa phương và sau buổi làm việc ngày hôm nay, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội để sửa đổi các văn bản pháp luật. Trường hợp cấp bách có thể đề xuất Chính phủ xin Quốc hội ban hành nghị quyết", Bộ trưởng khẳng định.

Thời gian qua, thị trường vật liệu xây dựng đã ghi nhận nhiều loại tăng giá chóng mặt trong đó phổ biến như sắt, thép, xi măng, cát xây dựng... đã tăng giá khoảng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2021. Riêng giá thép tăng 7 lần từ đầu năm đến nay, tổng mức tăng lên đến 2,4 triệu đồng/tấn, từ mức 16,5-17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn.

Tính riêng từ đầu năm 2022, các loại vật liệu xây dựng tăng giá mạnh theo giá xăng dầu cũng như chịu tác động bởi căng thẳng Nga - Ukraine, đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, dự án đầu tư công. 

Bài liên quan
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải “sốt ruột” hơn nữa với vấn đề giải ngân
Tính đến hết tháng 10.2021, Bộ Giao thông Vận tải lũy kế giải ngân được hơn 29.100 tỉ đồng, đạt 67,1% kế hoạch của năm, cao hơn mức trung bình của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá nguyên vật liệu tăng đột biến, 5 tỉnh kêu khó giải ngân