Chỉ trong vòng 5 năm, giá nhà tại TP.HCM đã tăng 50 - 60%, chưa kể trải qua những đợt nóng sốt khiến giá đất tăng mạnh ở một số khu vực. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở có giá 1 tỉ đồng ngày càng khan hiếm. Bài toán an cư của nhiều người vì vậy mà ngày càng xa vời.

Giá nhà tăng quá nhanh, giấc mơ an cư ngày càng khó

17/10/2019, 13:10

Chỉ trong vòng 5 năm, giá nhà tại TP.HCM đã tăng 50 - 60%, chưa kể trải qua những đợt nóng sốt khiến giá đất tăng mạnh ở một số khu vực. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở có giá 1 tỉ đồng ngày càng khan hiếm. Bài toán an cư của nhiều người vì vậy mà ngày càng xa vời.

Khan hiếm nhà ở giá rẻ cho người trẻ, người có thu nhập thấp - Ảnh: Phan Diệu

Giấc mơ an cư ngày càng xa

Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với cơ cấu đạt 96,2 triệu người, trong đó đối tượng dưới 35 tuổi chiếm khoảng 36%. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam xấp xỉ 2.600 USD/năm, riêng ở TP.HCM khoảng 6.400 USD/năm, trung bình từ khoảng 9 -10 triệu đồng/tháng - dưới 20 triệu đồng/tháng. Điều này dẫn đến nhu cầu an cư của người trẻ ngày càng tăng và cấp thiết.

Dân số TP.HCM gia tăng bình quân 1 triệu người trong vòng 5 năm. Mỗi năm có thêm khoảng 50.000 cặp kết hôn. Theo định hướng của Bộ Xây dựng, diện tích nhà ở bình quân phấn đấu đạt mức 22m2/người. Hiện tại, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở TP.HCM năm 2019 mới chỉ ở mức 19,4m2/người.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của DKRA Việt Nam, chỉ trong vòng 5 năm, giá nhà đã tăng 50 - 60%, chưa kể trải qua những đợt nóng sốt khiến giá đất tăng mạnh ở một số khu vực. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ bình dân ngày càng sụt giảm, cá biệt trong quý 2/2019 không có nguồn cung mới. Loại hình nhà ở xã hội lại chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, trong giai đoạn 2016 đến tháng 6.2019, TP.HCM đã đưa vào sử dụng 14 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất 15,8ha, quy mô 10.255 căn hộ. Trong những tháng cuối năm 2019, thành phố này phấn đấu hoàn thành 6 dự án với quy mô 3.810 căn hộ. Trong năm 2020, phấn đấu hoàn thành 3 dự án với tổng diện tích đất 1,896ha, quy mô 3.879 căn hộ. Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 hoàn thành 17.944 căn hộ. Tuy nhiên, con số này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu mua nhà ở xã hội của nhiều người dân.

Theo tính toán của DKRA Việt Nam, nếu một người trẻ thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, muốn mua căn nhà khoảng 1,5 tỉ đồng thì phải vay 50% và phải tích góp trong 20 năm. Theo ông Lâm, với thu nhập 15 triệu đồng/tháng, người trẻ phải chi ra 9 triệu đồng làm sinh hoạt phí và dư khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nếu muốn mua căn hộ khoảng 1,5 tỉ đồng (căn hộ rẻ nhất hiện nay) thì họ phải mất khoảng 20 năm. Thế nhưng, lúc đó giá nhà đã tăng gấp mấy trăm phần trăm.

Hay một giải pháp khác được ông Lâm đưa ra đối với những người đã có khoảng 50% vốn, phải vay ngân hàng 50% thì sau khi trả góp ngân hàng, mỗi tháng họ còn dư khoảng 3,8 triệu đồng. Với số tiền này họ sẽ không sống được ở TP.HCM.

Như vậy, người trẻ phải có thu nhập ít nhất khoảng 20 triệu đồng/tháng mới có thể mua được căn nhà 1 tỉ đồng. Thế nhưng căn nhà 1 tỉ đồng hiện nay không có. Cơ hội sở hữu nhà của người trẻ mua nhà lần đầu vì vậy ngày càng xa vời, trong khi những dự án bất động sản mới, có mức giá trên dưới 1,5 tỉ đồng/căn ngày càng khan hiếm.

Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Trước tình trạng nhà ở giá rẻ không đáp ứng được nhu cầu của người dân, Sở Xây dựng TP.HCM mới đây có kiến nghị gửi Bộ Xây dựng. Trong đó, Sở cho rằng cần ưu tiên sử dụng các quỹ đất nhà nước trực tiếp quản lý do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng sản xuất tại các quận huyện mà thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp; quỹ đất do các cơ quan nhà nước đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Cơ quan này cũng đề xuất phân bổ nguồn vốn ngân sách thu được của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền (20% tiền sử dụng đất), để đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách, bổ sung cho Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM.

Đồng thời cần xem xét cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ triển khai việc cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách nhà ở xã hội. Ngoài ra, cần đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án sử dụng quỹ đất công; cải cách hành chính các thủ tục đầu tư nhà ở xã hội…

Trong khi đó, đại diện DKRA cũng cho rằng Chính phủ, Nhà nước cần có những chính sách nhà ở mang tính quốc gia và chương trình hỗ trợ tài chính lâu dài dành cho người mua nhà lần đầu. Đơn cử như cải tiến quy trình, thủ tục giấy tờ để thuận tiện hơn cho người dân có nhu cầu; có những cơ chế phù hợp và thuận lợi cho chủ đầu tư khi tham gia phát triển loại hình này; xem xét vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phối hợp với các doanh nghiệp chủ đầu tư trong những dự án lớn, đô thị lớn phải có tỷ lệ nhất định dành cho nhà ở vừa túi tiền, nhà ở lần đầu.

Còn về phía khách hàng, cần lưu ý và cân nhắc điều kiện tài chính của bản thân, chuẩn bị sẵn sàng một nguồn lực tài chính và xác định rõ nhu cầu sở hữu nhà ở cũng như thu nhập đảm bảo việc chi trả nhà trong dài hạn. Khi quyết định sở hữu nhà ở, cũng phải xem xét và lựa chọn sản phẩm, dự án phù hợp với nhu cầu thực tế, năng lực tài chính, chủ đầu tư uy tín, chính sách thanh toán.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
7 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá nhà tăng quá nhanh, giấc mơ an cư ngày càng khó