Chống chịu với giá xăng dầu, vật tư, phân bón tăng cao, trong khi trái thanh long bán với giá bèo bọt, nhiều nông sân ở Long An, Tiền Giang đang “bí lối”, phá bỏ vườn cây thanh long đầu tư nhiều năm nay. Trồng cây gì để trong tương lai bán có giá, cứu đời sống kinh tế gia đình đang là vấn đề đặt ra.

Giá thanh long “chạm đáy”, nông dân không biết trồng cây gì

Văn Kim khanh | 13/03/2022, 20:58

Chống chịu với giá xăng dầu, vật tư, phân bón tăng cao, trong khi trái thanh long bán với giá bèo bọt, nhiều nông sân ở Long An, Tiền Giang đang “bí lối”, phá bỏ vườn cây thanh long đầu tư nhiều năm nay. Trồng cây gì để trong tương lai bán có giá, cứu đời sống kinh tế gia đình đang là vấn đề đặt ra.

Ông Nguyễn Xuân Lập, ngụ ở xã Bình Quới, huyện Châu Thành, Long An cho biết: “Tôi canh tác hơn 6.000m2 thanh long, 5-10 năm trước thanh long đem lại cuộc sống gia đình khá giả. Tuy nhiên, 2 năm nay làm ăn suy kém lắm, do dịch bệnh, thị trường trái thanh long xuất khẩu khi được khi không. Giá thanh long sản xuất ra bán “chạm đáy” nên hiện gia đình lúng túng không biết nên theo hay dứt tình với cây thanh long. Phá bỏ thanh long thì được, tuy nhiên, trồng cây gì để sau này trái cây đó bán được giá. Đó là câu hỏi khó nông dân trồng thanh long đang bí lối”.

tl-ct.jpg
Nhà vườn ngao ngán với trái thanh long vì giá cả bấp bênh - Ảnh: TL

Bà Huỳnh Thị Mỹ Vân cũng như nhiều nông dân ở ấp Hưng Ngãi, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) có ý định phá bỏ 8 công vườn trồng cây thanh long đã kém năng suất, lại giá thấp để trồng lại cây này hoặc chuyển sang cây trồng khác hy vọng hiệu quả hơn. Bởi trái thanh long ruột trắng, ruột đỏ hiện rớt "chạm đáy”, chỉ còn vài nghìn đồng/kg, không đủ trả tiền nhân công thu hoạch chưa nói đến phân bón, thuốc trừ sâu và công lao động. Bà Mỹ cho biết: “Thanh long mấy năm trước bán có lúc được trên 20.000 đồng/kg, nay còn 2.000 – 3.000 đồng/kg. Giá này thì lỗ vốn trắng tay. Bây giờ phá thanh long trồng lại cây gì bây giờ. Chưa bao giờ người nông dân khổ như vậy”

canh-tac-tiep-tuc-lo.jpg
 Canh tác thanh long tiếp tục lỗ vốn - Ảnh: Mỹ Tho

Còn ông Dương Thanh Nhựt, nông dân ở ấp Tân Hòa, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo cũng phá bỏ hơn 2 công đất trồng cây thanh long. Ông Nhựt cho biết, đang bỏ đất trống chưa biết phải trồng cây gì thay thế cây thanh long, vì cây này đã kém hiệu quả. “Trồng cây thanh long cực quá, cây bệnh quá không chăm sóc nổi. Bán thì không có giá, trái hiện nay còn 2.000 – 3.000 đồng/kg, bị lỗ hoài. Bây giờ phá cũng chưa biết trồng cây gì”, ông Nhựt than thở.

Ở vùng trồng chuyên canh cây thanh long của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có nhiều nhà vườn thuê cơ giới đào gốc thanh long, cải tạo lại khu vườn khi trái thanh long đầu ra khó khăn, rớt giá kéo dài dẫn đến thua lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây dừa, bưởi da xanh, mít, thậm chí trồng hoa màu xen canh... Tại xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo hiện có khoảng 40 cơ sở, doanh nghiệp chuyên thu mua trái thanh long nhưng đa phần đều đóng cửa. Nhiều nông dân còn phá vườn thanh long già cỗi để trồng lại cây lúa, cây dừa...

ao-at-pha-thanh-long.jpg
Phá bỏ thanh long nhưng không biết trồng gì - Ảnh: Mỹ Tho

Ông Nguyễn Phương Bình, Chủ tịch UBND xã Đăng Hưng Phước cho biết, xã định hướng nông dân cải tạo lại các khu vườn đã già cỗi, kém năng suất, có thể trồng lại cây ăn trái khác nhưng phải theo tiêu chuẩn an toàn sạch bệnh. Cũng theo ông Nguyễn Phương Bình: “Tình hình này rất khó cho cây thanh long. Gần như cả mùa thuận, mùa nghịch năm nay người dân đều bị lỗ do chi phí đầu vào như: xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công đều tăng. Xã định hướng cho người dân trồng các loại cây ăn trái phải đạt theo các tiêu chuẩn. Nhiều diện tích cây thanh long già cỗi người ta chuyển sang trồng dừa lấy nước, trồng bưởi... Các doanh nghiệp, HTX định hướng với đối tác để có đơn hàng, vận động người dân sản xuất đạt tiêu chuẩn để đầu ra ổn định hơn”.

Tình trạng không ít nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang phá bỏ vườn cây thanh long kém năng suất để trồng lại chính cây này hay chuyển đổi trồng cây, nuôi con giống khác mong có hiệu quả kinh tế hơn là cần thiết. Tuy nhiên, các ngành chuyên môn cần tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ nhà vườn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ cây/con giống chất lượng cao, hấp dẫn thị trường tiêu thụ.

thanh-long-xuat-khau-truoc-day-my-tho.jpg

Cần đa dạng thị trường xuất khẩu thanh long - Ảnh: TL

Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An Nguyễn Quốc Trịnh cho rằng: "Giải pháp tự cứu mình của người nông dân trồng thanh long hiện nay là giảm vụ thu hoạch, trước đây thu hoạch 1 năm 5 vụ, nay nên cắt giảm xuống còn 2 vụ để nâng cao chất lượng, giảm sản lượng cung ứng thị trường khi đầu ra gặp khó. Chuyển đổi cây trồng cũng phải theo sự hướng dẫn của tỉnh và ngành nông nghiệp. Tự phát trong phát triển kinh tế vườn dễ đi đến thất bại. Kinh tế nông nghiệp hiện nay phải sản xuất theo hướng tập trung, khoa học, định hướng thị trường, sản phẩm sạch đạt chuẩn xuất khẩu, có chỉ dẫn địa lý. Trong tương lai, ngành công thương với doanh nghiệp xuất khẩu phải định hướng theo hình thức đa dạng thị trường xuất khẩu".

Tình hình diễn biến thị trường thanh long và người trồng đang gặp quá nhiều khó khăn. Thế nhưng, Tiền Giang chưa có kế hoạch mới để hướng dẫn nông dân trong canh tác nông nghiệp. Kế hoạch số 410/KH-SNN&PTNT ký ngày 13.3.2017: “Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng tới 2030 theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”. Trong đề án này, Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Tiền Giang có nhắc đến thanh long và việc phát triển vùng trồng ở huyện Châu Thành, hướng dẫn hỗ trợ để hình thành một chuỗi giá trị thanh long phát triển bền vững.

Không chỉ Tiền Giang mà nhiều tỉnh trồng thanh long xuất khẩu, ngành Nông nghiệp &PTNT cần sớm ngồi lại bàn bạc để có định hướng cho người trồng thanh long, tìm ra hướng mở cho người trồng thanh long. Nếu không, từ phong trào tự phát trồng thanh long trước kia sẽ tiếp tục  vòng luẩn quẩn tự phát mới, nông nghiệp ĐBSCL lại tiếp tục gặp khó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá thanh long “chạm đáy”, nông dân không biết trồng cây gì