Sáng 6.3, giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh và lập kỷ lục mới, bỏ xa giá thế giới.
Sáng 6.3, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC chốt tuần được mua vào 68 triệu đồng/lượng và bán ra 69,3 triệu đồng/lượng.
Tổng cộng sau một tuần, mỗi lượng vàng miếng tăng thêm 3,45 triệu đồng ở chiều mua vào và tăng 3,55 triệu đồng ở chiều bán ra. Giá bán ra tăng nhanh hơn giá mua đẩy chênh lệch giữa hai đầu lên 1,3 triệu đồng/lượng, cao hơn mức 1,2 triệu đồng vào cuối tuần trước.
Còn tại Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng (TP.HCM), giá vàng có lúc lên cao nhất trong ngày 5.3 với giá mua vào là 68,5 triệu đồng/lượng và bán ra 69,7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, vào cuối ngày hôm qua giá đã quay đầu giảm nhẹ 200.000 đồng/lượng, xuống còn mức mua vào 68,3 triệu đồng/lượng và bán ra 69,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn 99,99 loại 1-2 chỉ tuần này cũng gia tăng nhưng rất chậm và hiện được SJC mua vào 55,35 triệu đồng/lượng và bán ra 56,25 triệu đồng/lượng. Như vậy mỗi lượng vàng nhẫn hiện đang thấp hơn vàng miếng với mức kỷ lục là trên 13 triệu đồng.
Giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch tuần niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 1.972,9 USD/oz, tăng 83,9 USD/oz so với chốt phiên giao dịch tuần trước (27.2).
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá vàng SJC đã tăng tới 8 triệu đồng/lượng, vượt xa đà tăng hơn 5 triệu đồng trong cả năm ngoái.
Giá vàng tăng mạnh trong bối cảnh khủng hoảng Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt. Thông tin về việc nhà máy hạt nhân của Ukraine bị tấn công khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại xung đột khó hạ nhiệt, từ đó đổ tiền vào những tài sản an toàn như vàng.
Chuỗi ngày tăng giá kéo dài liên tục đưa giá vàng trong nước liên tiếp xô đổ mọi kỷ lục trước đó và đang lập đỉnh mới sát 70 triệu đồng/lượng, bất chấp kim loại quý thế giới vẫn chưa chạm lại mức cao trên 2.000 USD/ounce như tháng 8.2020. Hiện tại, vàng thế giới chốt cuối tuần ở mức 1.973,4 USD/ounce, quy đổi tương đương gần 55 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). So với cuối tuần trước, giá vàng thế giới tăng 84 USD. Vàng trong nước tăng cao hơn nên cách xa thế giới lên 14,3 triệu đồng/lượng.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, giá vàng dễ dàng duy trì trên 1.900 USD/ounce nếu cuộc khủng hoảng Ukraine còn kéo dài. Thậm chí kim loại quý có thể tăng mạnh lên mức 2.000 USD/ounce nếu cuộc khủng hoảng địa chính trị này tiếp tục leo thang. Trong nhận định mới đưa ra, Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ tăng lên mức 2.150 USD/ounce vì cuộc triển khai quân sự của Nga vào Ukraine sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát rất cao.
Giám đốc đầu tư tại công ty môi giới tài chính Wolfpack Capital - ông Jeff Wright cho biết dữ liệu tuy tốt hơn dự đoán nhưng không ảnh hưởng lớn đến giá vàng. Điều này chủ yếu do tình hình tại Ukraina đang là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư.
Jeff Wright lưu ý số việc làm phi nông nghiệp không chỉ vượt ước tính thị trường mà tỷ lệ tham gia của lao động đã tăng lên 62,3% - một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ “khỏe mạnh” hơn và có khả năng giúp hạ nhiệt lạm phát tiền lương.
Hiện tại giới đầu tư đang tập trung sự chú ý đến cuộc họp tiếp theo vào ngày 15-16.3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông sẽ đề xuất tăng lãi suất chuẩn thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm) nhằm chống lại lạm phát leo thang phi mã. Song ông cũng không bỏ qua khả năng Fed sẽ “mạnh tay” hơn trong trường hợp giá cả diễn biến khó lường.