Những ngày qua là những ngày cả nước sôi động, tưng bừng công cuộc “giải cứu lợn”. Toàn dân, toàn quân được kêu gọi ăn thịt heo để cứu trợ nông dân bằng những công văn hoả tốc và những lời khẩn thiết từ bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cuộc khủng hoảng thừa thịt heo này đã là đỉnh điểm của các cuộc khủng hoảng nông sản.
Hết chuối, dưa, giờ đến thịt heo. Điệp khúc thương đau “được mùa mất giá”, khủng hoảng đầu ra của nông sản cứ được ca đi hát lại bao nhiêu năm qua. Nhưng lần giải cứu nông sản lần này không chỉ ở mức các “tiểu đội” tự phát các sinh viên học sinh như chuối và dưa, mà là ở mức “tổng động viên”, cả nước “vào cuộc”.
Phàm đã là một cuộc khủng hoảng, đương nhiên nó phải có nguyên nhân của nó bao gồm cả khả năng rủi ro hoặc tính tất yếu, bao gồm những hoàn cảnh hoặc con người đã tạo ra sự khủng hoảng. Nhân vật đầu tiên cần phải xét như tác nhân gây ra khủng hoảng hẳn phải là người nông dân, những “con tin” của thị trường mà cả nước đang tìm cách “giải cứu”.
Người ta có thể dễ dàng thấy được tình trạng vừa đáng thương, vừa đáng trách của “một bộ phận không nhỏ” nông dân nước ta. Bởi hết năm này qua năm nọ, nhiều người cứ phải gieo trồng hay chăn nuôi những loại nông sản theo kiểu “phong trào”, nghĩa là hễ thấy loại nào đang được giá và có thời gian thu hoạch nhanh chóng là đầu tư mà không hề biết đến bài học kinh tế về tỉ suất lợi nhuận bình quân. Họ dự đoán thị trường như những anh thầy bói mù sờ voi mà không có ai hướng dẫn, cảnh báo. Sự lệ thuộc đến mức trở thành “con tin” vào một thị trường tuy lớn nhưng bất ổn như Trung Quốc là một trong những nguyên nhân đáng kể của sự khủng hoảng.
Một nguyên nhân sâu xa của các cuộc khủng hoảng nông nghiệp dập dồn trong thời gian qua chính là ở các phương thức sản xuất của người nông dân hiện nay. Một trong những yếu tố khiến cho nông sản nước ta không xuất khẩu được bằng các con đường chính ngạch và rất dễ bị “dội chợ” tiểu ngạch chính là chất lượng vệ sinh an toàn của nông sản chưa bảo đảm. Ngay cả với cuộc kêu gọi giải cứu thịt heo hiện nay, nhiều người cũng muốn hưởng ứng nhưng họ lại băn khoăn không biết việc tương trợ của họ có đem lại rủi ro cho họ về khoản an toàn thực phẩm hay không, thịt heo được cứu có chất tăng trọng, có chất tạo nạc, có chất an thần hay không…? Cho đến bao giờ nền nông nghiệp nước ta chưa trở thành một nền nông nghiệp “sạch” thì lúc đó người nông dân vẫn còn phải ở trong nguy cơ thua lỗ, phá sản và các cuộc “giải cứu” sẽ còn diễn ra thường xuyên hơn.
Thế nhưng đằng sau những bất cập, những yếu kém của nhà nông là vai trò của nhà nước. Trong các cuộc khủng hoảng nông nghiệp này, người ta có thể đặt câu hỏi về vai trò của các bộ ngành trực tiếp hoặc liên quan đến nghề nông. Những năm qua, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã làm gì cho nông nghiệp, bộ Công thương đã làm gì cho nông nghiệp, bởi một bộ phụ trách việc sản xuất và một bộ phần nào phụ trách việc buôn bán, kinh doanh nông sản?
Tồn tại để làm gì khi mà bao nhiêu năm rồi mà bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không thể đưa được người nông dân ra khỏi tình trạng phải được “giải cứu” như công văn hoả tốc của bộ này vừa phát đi lời kêu gọi? Bao nhiêu năm rồi bộ Công thương chưa hoàn thành nhiệm vụ “nhà buôn” nông sản lớn nhất của mình? Mãi cho đến gần đây, khi các cuộc khủng hoảng nông sản đã nổ ra thì người ta mới thấy bộ Công thương “phán” về nguyên nhân vì sao thị trường Trung Quốc không “ăn” dưa hấu và thịt heo nước ta, khi mọi việc đã quá muộn màng. Và ngay cả khi cuộc “khủng hoảng lợn” lên đến đỉnh điểm như hiện nay thì bộ Công thương cũng không làm sao điều hoà được giá thịt heo để nhiều người có thể tham gia giải cứu, bởi sự chênh lệch về giá heo hơi và heo thịt hiện nay vẫn quá cách xa…
Có nhìn nông dân các nước mới thấy thương nông dân mình. Hầu như không có một nền nông nghiệp nào của các nước phát triển mà không có sự bảo hộ. Nông dân của Mỹ, Nhật được nhà nước quan tâm hướng dẫn từ kỹ thuật trồng trọt cho đến công nghệ sau thu hoạch, được trợ giá, được bảo hộ bằng hàng rào thuế hay các quy định về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm… Vì sao những đất nước đã công nghiệp hoá đến mức hầu như hoàn toàn vậy mà họ vẫn quan tâm phát triển nông nghiệp và chăm lo đến tận răng cho chỉ một vài phần trăm nông dân, còn nước ta đến 70% dân số còn làm nông nghiệp mà ta lại không quan tâm phát triển nông dân, nông nghiệp?
Bên cạnh tác hại của những cuộc khủng hoảng chính là tác dụng của nó: những cái nhìn khái quát hơn về triệu chứng, nguyên nhân sâu xa của sự khủng hoảng. “Giải cứu” chưa bao giờ là giải pháp căn cơ cả, mà chỉ là những biện pháp “cấp cứu hồi sinh” khi những căn bệnh của ngành nông nghiệp đã đến mức trầm kha. Và nhiệm vụ bắt buộc của các bộ ngành liên quan trong thời gian sắp tới có lẽ là tìm ra nguyên nhân và đưa ra các giải pháp căn cơ đó…
Đoàn Đạt