Rồi đây ông Chấn, ông Long được bồi thường theo quy định của pháp luật. Số tiền bồi thường sẽ rất lớn, Nhà nước phải chịu. Nếu không quy rõ trách nhiệm đối với người gây nên án oan và không có “mức án” tương xứng đối với họ, thì ngân sách nhà nước cũng bị “oan” theo trong bồi thường thiệt hại cho dân.

Án oan, xin lỗi và bồi thường

30/04/2017, 07:21

Rồi đây ông Chấn, ông Long được bồi thường theo quy định của pháp luật. Số tiền bồi thường sẽ rất lớn, Nhà nước phải chịu. Nếu không quy rõ trách nhiệm đối với người gây nên án oan và không có “mức án” tương xứng đối với họ, thì ngân sách nhà nước cũng bị “oan” theo trong bồi thường thiệt hại cho dân.

Ông Hàn Đức Long trong ngày đầu tiên trở về nhà sau 11 năm ngồi tù - Ảnh: Nam Trần (Tuổi Trẻ)

Không bỏ lọt tội phạm nhưng không để oan cho người vô tội, đó là quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong điều tra, xét xử. Gần đây, nhờ ánh sáng của công lý, hàng loạt những “tử tù” được minh oan sau mười mấy năm tù chờ lĩnh án tử. Hết vụ Huỳnh Văn Nén đến vụ Nguyễn Thanh Chấn, bây giờ đến vụ Hàn Đức Long. Con số án oan chưa chắc dừng lại ở đây? Ở hiện tại, liệu đã hết những vụ án oan chưa?

Án oan là do sự tắc trách, vô trách nhiệm từ phía người làm công tác điều tra và người làm công tác xét xử. Án oan có thể do trình độ nghiệp vụ non kém, hạn chế, không tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Án oan dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm. Chứng cứ điều tra không rõ ràng, mâu thuẫn, thiếu khách quan... là kẽ hở để người phạm tội có thể chối tội, trở thành vô tội.

Án oan là do tiêu cực, cố ý làm trái pháp luật từ người làm công tác điều tra. Ép cung, nhục hình, buộc người ta nhận tội, viết giấy tự thú, viết lời khai, viết thư về cho gia đình ân hận, viết thư xin gia đình nạn nhân tha thứ. Trường hợp của ông Hàn Đức Long hội đủ các hình thức ép cung này. Nhiều bản viết lời khai của ông y hệt như các bản photocopy, vì cán bộ điều tra đọc và ép ông viết. Ngay cả thư viết cho vợ mình, thư gửi gia đình nạn nhân cũng bị “dàn dựng” theo “kịch bản” của người khác.

Vấn đề đặt ra là tại sao khi hủy án, cho điều tra lại, tòa án không đề nghị thay đổi cơ quan điều tra, bộ phận điều tra? Vụ ông Hàn Đức Long có đến 4 lần xử, tòa án tỉnh Bắc Giang đều công bố y án tử hình, do đều cùng một kết quả điều tra. Tính khách quan, minh bạch ở đâu?

Gây oan cho người vô tội đồng nghĩa với việc “dung túng” kẻ phạm pháp, để chúng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, đồng nghĩa với việc làm giảm lòng tin của nhân dân đối với những người thực thi cán cân công lý, bảo vệ lẽ phải, công bằng.

Phải công tâm, đủ bản lĩnh nhận trách nhiệm, người ta mới dám nhận bản án của mình sai, minh oan cho người vô tội. Còn nếu bảo thủ, tắc trách, vô trách nhiệm, giữ “uy tín” bằng mọi giá để giữ “ghế”... thì người ta dù nhận thấy sai vẫn không thừa nhận và sửa sai, cho đến khi công lý được soi tỏ trước ánh sáng pháp luật.

Rất cảm phục và biết ơn những luật sư tài đức, công tâm đã đấu tranh bền bỉ và cương quyết vì công lý. Nhờ họ mà những người như ông Nén, ông Chấn, ông Long được minh oan sau bao năm ròng chịu đựng oan ức, khổ nhục.

Lời xin lỗi của người đại diện cơ quan pháp luật cuối cùng cũng đến với những người “người tù thế kỷ”, dù là muộn màng, nhưng muộn còn hơn không. Sai thì phải sửa nhưng tiếc rằng có những cái sai trầm trọng quá, sửa chữa chắp vá để lại vết sẹo lớn, để lại những dư chấn trong lòng người.

Rồi đây ông Chấn, ông Long được bồi thường theo quy định của pháp luật. Số tiền bồi thường sẽ rất lớn, Nhà nước phải chịu. Nếu không quy rõ trách nhiệm đối với người gây nên án oan và không có “mức án” tương xứng đối với họ, thì ngân sách nhà nước cũng bị “oan” theo trong bồi thường thiệt hại cho dân.

Nhưng cần làm gì để giảm thiểu án oan? Trên báo Pháp luật TP.HCM, luật sư Phạm Công Hùng cho rằng: “Những vụ án oan luôn là bài học đắt giá cho các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Để khắc phục, giảm thiểu án oan, có lẽ chúng ta phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc suy đoán vô tội khi điều tra, truy tố và xét xử. Nguyên tắc tiến bộ này tuy có làm khó khăn cho cơ quan và người tiến hành tố tụng nhưng cơ bản nó không phải là kẽ hở để tội phạm lọt lưới mà là bộ lọc để chúng ta không làm oan người vô tội. Nó còn là chìa khóa để chúng ta không còn phải mắc nợ gia đình những nạn nhân câu trả lời vậy ai mới là hung thủ sát hại con em họ!”. (*)

(*): Nguồn trên báo Pháp luật TP.HCM.

Lê Xuân Chiến

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng
1 giờ trước Sự kiện
Sáng 18.4 (mùng 10 tháng 3 âm lịch), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ ngành, cơ quan trung ương, các tỉnh thành, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng tại khu di tích Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Án oan, xin lỗi và bồi thường