Một bức điện đã được giải mã cho thấy Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã dừng việc ném bom tái chiếm Hoàng Sa sau hải chiến 19.1.1974 để ngăn Trung Quốc đánh xuống Trường Sa...

Giải mã một số bí ẩn trong hải chiến Hoàng Sa 1974

20/01/2017, 11:10

Một bức điện đã được giải mã cho thấy Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã dừng việc ném bom tái chiếm Hoàng Sa sau hải chiến 19.1.1974 để ngăn Trung Quốc đánh xuống Trường Sa...

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn trình bày về những bức điện sau hải chiến Hoàng Sa mà ông đã tiếp cận được - Ảnh: Lê Đình Dũng

Cuộc chơi của những nước lớn

Chiều 19.1, tại trụ sở UBND huyện Hoàng Sa (132 Yên Bái, Đà Nẵng), chính quyền huyện này đã tổ chức gặp mặt 12 nhân chứng đã từng công tác, sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19.1.1974.

Các nhân chứng từng sinh sống và công tác ở Hoàng Sa trước 19.1.1974 - Ảnh: Lê Đình Dũng

Tại đây, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (một người chuyên nghiên cứu, thu thập các tài liệu về Hoàng Sa và đóng góp các tư liệu, bằng chứng quý hiếm cho huyện đảo này) đã công bố nhiều tình tiết quan trọng liên quan đến hải chiến Hoàng Sa 19.1.1974.

Theo tiến sĩ Sơn, ông đã đi 3 thư viện lớn ở Mỹ và tiếp xúc với nhiều nhân chứng cho thấy nhiều dữ liệu về Trường Sa - Hoàng Sa trước đây đưa ra chưa chính xác.

Thứ nhất là VNCH đã bắn trước khi cảm thấy Trung Quốc có hành động xâm lấn mà ngăn chặn không được, lệnh do ông Vũ Ngọc San đưa ra.

Thứ hai là chiến hạm của VNCH đã bắn lẫn nhau do phối hợp tác chiến không chính xác. Nguyên nhân do khi Mỹ bàn giao tàu cho VNCH thì tháo hết đồ tác chiến điện tử và không tổ chức thực tập tác chiến hợp đồng cho các tàu tác chiến khi có sự cố mà chỉ dùng như tàu tuần duyên, đại tá Vũ Ngọc San đã xác nhận.

Thứ 3, công bố 2 bức điện mật của Đại sứ Mỹ, một bức gửi về Mỹ sáng 20.1.1974 và một bức gửi về sáng 21.1.1974. Một bức gửi về tướng trợ lý cho ông Henry Kissinger. Bức thứ 2 gửi cho Nhà Trắng.

Theo đó, thông tin cho biết sau khi Hoàng Sa bị chiếm thì VNCH đã chuẩn bị 5 phi đội máy bay tập hợp tại Đà Nẵng để chuẩn bị đánh lại Hoàng Sa.

Bức điện thứ nhất gửi cho trợ lý ông Kissinger từ Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cho hay lúc đó Ngoại trưởng Vương Văn Bắc xác nhận Tổng thống Thiệu hủy việc ném bom ở Hoàng Sa kèm đề nghị Mỹ ủng hộ VNCH vì khi Hoàng Sa bị chiếm, VNCH phát tín hiệu cầu cứu mà Mỹ không cứu.

Do đó, ông Thiệu đề nghị ông Vương Văn Bắc gửi điện cho phía Mỹ đưa ra một số giải pháp: Thứ nhất là đồng ý cho VNCH đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an (nhưng phía Mỹ ngăn chặn không cho Hội đồng Bảo an ra một nghị quyết lên án Trung Quốc).

Thứ hai là đề nghị Mỹ ủng hộ đưa vấn đề ra tòa án quốc tế (nhưng Mỹ không ủng hộ việc tổ chức một cuộc họp báo và ra nghị quyết để chống lại Trung Quốc).

Thứ ba là Mỹ không cứu VNCH bằng Hoàng Sa mà sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn không cho Trung Quốc đi xuống Trường Sa, tức là lúc đó họ đã dự đoán Trung Quốc sẽ tấn công xuống Trường Sa nên họ dùng từ "cứu VNCH không cho Trung Quốc xuống Trường Sa".

Thứ tư là thỏa thuận VNCH và Mỹ dùng mọi cách bằng ngoại giao để ép Trung Quốc trao trả tù binh cho VNCH trước Tết.

Clip tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn tiết lộ bức điện mật lý do không ném bom tái chiếm Hoàng Sa:

Một vấn đề nữa là một người Mỹ bị bắt lúc ở Hoàng Sa là nhân viên tình báo của Mỹ nhưng thời điểm đó Đại sứ Mỹ không biết là ai.

Một việc quan trọng nữa là Mỹ yêu cầu Trung Quốc không được tấn công truy đuổi bắn giết những người lính VNCH trở về.

"Bức điện thứ 2 là đối sách của Nhà Trắng trong việc đàm phán về vấn đề Nam Việt Nam. Văn bản đó rất đầy đủ", ông Sơn nói.

"Qua những tài liệu chúng tôi tìm kiếm thì thấy rằng đó là cuộc chơi của những nước lớn và tất cả đều kiềm tỏa lẫn nhau vì lợi ích của các bên. Và họ biết rằng thế nào Trung Quốc cũng đánh xuống Trường Sa thời điểm đó, nhưng Trung Quốc chắc đã biết động thái của Mỹ nên đã dừng lại và tiến hành đánh Trường Sa năm 1988", vị tiến sĩ nhận định.

Một vấn đề theo nghiên cứu của ông Sơn nữa là Trung Quốc đưa dân ra Hoàng Sa rất sớm, có dân, có trẻ con, có vũ khí và cái dã tâm của họ có từ xưa rồi, đầy đủ hết không thiếu gì cả.

Huyện Hoàng Sa cần sớm có pháp lý

Tại cuộc gặp, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ tiếp tục tha thiết đề nghị: "Nên sớm khẳng định địa vị pháp lý của UBND huyện Hoàng Sa. Đến giờ này theo luật chính quyền địa phương còn chông chênh lắm. UBND huyện Hoàng Sa phải được bổ nhiệm theo một cơ chế đặc biệt hoặc hải đảo".

"Nhà nước cần thành lập ngay huyện Hoàng Sa có dân, có đất để thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của một địa phương để đấu tranh. Cái này chúng ta làm chưa sâu chưa kỹ".

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa đã nghỉ hưu - Ảnh: Lê Đình Dũng

Cũng theo ông Ngữ, đã đến lúc nên phát động ngoài việc sưu tầm tài liệu, chứng cứ thì nên lập một quỹ về Hoàng Sa. Nhiều nhà nghiên cứu mất công thầm lặng đi tìm các tài liệu chứ mình chưa có điều kiện hỗ trợ cho họ trong quá trình đi tìm tài liệu. Nhiều tài liệu mua cả ngàn đô la Mỹ mà chúng ta không có điều kiện về kinh tế, không thể tự mình bỏ tiền ra mua hết được.

"Chúng ta thường tổ chức lễ kỷ niệm các chiến thắng. Lịch sử của mình các cuộc chiến thắng đều ca ngợi, đều đưa vào sách. Còn những cuộc mà bại, mà bại này có giá trị lịch sử của nó thì chúng ta phải ghi nhận, phải có kỷ niệm và 1 ngày tưởng niệm cho rõ ràng, chính thống, chính danh để thế hệ sau này vẫn nhớ. Để muôn đời sau đều biết ngày này chúng ta mất Hoàng Sa để thúc đẩy đấu tranh và đưa Hoàng Sa về", ông Ngữ nói.

Nguyên Chủ tịch huyện Hoàng Sa cũng đề nghị chính quyền huyện này nên thành lập Hiệp hội nghề cá Hoàng Sa. Những người đánh cá ở Hoàng Sa họ có thể thành lập hiệp hội được. "Những hoạt động ở Hoàng Sa phải đi vào thực chất chứ không thể nói không được. Bây giờ chúng ta có tư liệu nhiều nhưng phương pháp đấu tranh như thế nào, mình nói đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, ngoại giao… thì mình phải xúc tiến mạnh. Mình có tài liệu rồi thì mình phải nói chứ không thể để ở đó đắp được".

Đồng ý với ông Đặng Công Ngữ, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng còn cho rằng: "Trong cả nước hiện nay chỉ có Đà Nẵng đưa vào lịch sử địa phương hải chiến Hoàng Sa. Tôi cũng nhiều lần phát biểu trên nhiều diễn đàn làm sao Bộ GD-ĐT phải nhanh chóng đưa Hoàng Sa vào SGK lịch sử chung cho cả nước chứ không phải chỉ có Đà Nẵng".

"Mới đây trong một hội nghị của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, tôi đã nói Đà Nẵng giải phóng cách đây 43 năm nhưng mà chưa giải phóng hoàn toàn được. Giải phóng thì làm sao còn một huyện đảo bị ngoại bang chiếm đóng".

Ông Tiếng cũng đề nghị phải làm sao Hoàng Sa có dân, phải tổ chức chính quyền Hoàng Sa. "Tôi cũng đã đề nghị hai đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Trương Tấn Sang. Giờ tôi tiếp tục đề nghị huyện Hoàng Sa phải đề nghị chính thức bằng văn bản", ông Tiếng nói.

Lê Đình Dũng ghi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải mã một số bí ẩn trong hải chiến Hoàng Sa 1974