Khách đến tham quan, chụp ảnh ở ngôi nhà “dát vàng” ở Cần Thơ không khỏi thắc mắc là nhiều chi tiết, đồ vật trang trí trong ngôi nhà này được dát vàng thật hay không? Là vàng thật, vàng giả thì chúng được thi công như thế nào?
Là màu vàng, nhưng không phải vàng!
Ở Việt Nam nhiều công trình biệt thự của những đại gia mấy năm gần đây rộ lên phong trào dát vàng. Dát vàng ít hay nhiều là tùy thuộc vào độ chịu chơi của những người lắm tiền của này.
Mới đây, căn biệt thự mang tên Thiện Soi ở TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của ông Lê Thái Thiện một lần nữa được lôi ra mổ xẻ rằng có bao nhiêu vàng được dát lên biệt thự này?
Căn biệt thự của ông Thiện nổi tiếng và được cho là dát vàng thật 24k. Một số chi tiết đã rộ lên mấy năm qua, nay biệt thự nổi lên trở lại là vì ông và người con trai vừa bị công an bắt để điều tra hành vi cho vay nặng lãi và rửa tiền.
Nhiều năm trước, ông Thiện từng cho biết căn biệt thự bề thế của ông bên ngoài nhiều phần được sơn màu giống vàng chứ không phải dát vàng thật. Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ nhiều đồ vật, chi tiết bên trong được dát vàng 24k thật. Nhưng ông không cho biết số vàng 24k được sử dụng để dát lên đồ vật là bao nhiêu.
Mới cuối tháng 11 vừa qua, ở TP.Cần Thơ cũng rộ lên 1 căn nhà được cho là có nhiều chi tiết, đồ vật dát vàng ở P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, khiến nhiều người thắc mắc là thật hay giả? Nào là ghế, tượng Phật, tượng cô gái, trần nhà, vách, tủ bếp, đèn... đều vàng óng. Thậm chí chiếc đèn cổng để ngoài sát lề đường cũng “dát vàng”. Nhiều tờ báo nói đây là căn nhà dát vàng với nhiều tâm huyết của chủ nhân.
Với hàng trăm đồ vật trang trí treo tường, vật lưu niệm lớn có, nhỏ có, nếu dát vàng thật thì cần bao nhiêu vàng? Bao nhiêu công sức để dát vàng lên hết những đồ vật này? Nhiều người dân khi đến tham quan ngôi nhà này về thì đã loan tin là ngôi nhà “dát vàng”, nhưng khi người khác hỏi là vàng thật hay giả thì không thể khẳng định được.
Đi cùng phóng viên (PV) đến căn nhà “dát vàng” này, một kiến trúc sư dày dạn kinh nghiệm ở TP.Cần Thơ cho biết: chủ nhân của những ngôi nhà được cho là dát vàng như thế này thường sẽ không tiết lộ là vàng thật hay vàng giả. “Có thể họ sẽ dát vàng thật ở một vài đồ vật, chi tiết nào đó, nhưng cũng không cho ai biết vì lý do cá nhân, hoặc vì sự an toàn”, kiến trúc sư này nói.
Theo vị kiến trúc sư này, để đồ vật, chi tiết trong nhà có màu như vàng thật thì có 3 cách, đó là dát vàng thật, vàng công nghiệp và sơn nhũ vàng. Trong 3 cách này, dát vàng thật vàng giả dù khác nhau về nguyên liệu nhưng cách dát thì khá giống nhau, cách dễ nhất là sơn nhũ vàng. “Dùng bình sơn nhũ vàng có nguồn gốc từ Thái Lan, phun lên đồ vật rồi xịt thêm 1 lớp sơn bóng nữa thì nhìn không khác gì vàng thật”, kiến trúc sư cho biết.
Vàng công nghiệp - chính xác hơn là những lá vàng công nghiệp được nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan… dùng để dát lên một số đồ vật, tượng thủ công mỹ nghệ. Những lá vàng công nghiệp này thường có 2 kích cỡ phổ biến là 9x9 cm và 16x16 cm. Theo tìm hiểu của PV, trên một số hệ thống bán hàng trực tuyến, 100 lá vàng công nghiệp, kích thước 9x9 cm đang được chào bán với giá khuyến mãi chỉ là 40.000 đồng.
Lá vàng công nghiệp này được quảng cáo là có màu sắc như vàng thật, độ sáng bóng, bền màu, dễ chế tác và giá thành rẻ. Những lá vàng này có thể dát lên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, thủy tinh, nhựa, xi măng, thạch cao và cho ra sản phẩm không khác gì vàng thật. Như vậy đồ vật, chi tiết được dát vàng công nghiệp thì được hiểu là dát vàng, nhưng không phải vàng thật!
Để dát những lá vàng công nghiệp này vào đồ vật cũng rất đơn giản. Theo vị kiến trúc sư này, chỉ cần thợ sơn nước bình thường đều có thể làm được. Trước tiên, bề mặt được dát phải làm sạch, sau đó quét lên khu vực cần dát 1 lớp keo. Tiếp đến lấy lá vàng ra và dán lên, đối với những bề mặt rộng thì dán chồng mép từng lá vàng lên. Lớp keo được quét lên bề mặt đồ vật sẽ giữ cho lá vàng dính chặt vào. Sau đó dùng chổi mềm quét nhẹ đi phần lá vàng thừa.
Đối với những chi tiết nhỏ nằm trong hóc hẻm của đồ vật, có thể dùng những mảnh vụn của lá vàng thừa để đắp vào. Chỉ cần như vậy là đã tạo nên bề mặt đồ vật được dát vàng. Để giữ cho màu của những lá vàng này bền bỉ, người ta còn phun lên 1 lớp keo để bảo vệ và tạo độ bóng.
Kỳ công dát vàng thật
Ngôi nhà được gọi là “dát vàng” ở P.An Khánh mở cửa cho khách đến tham quan, chụp ảnh khoảng 2 tuần nay và dự kiến thu 40.000 đồng/người- tương đương... 100 lá vàng công nghiệp. Ngôi nhà “dát vàng” thực chất là do khách đến tham quan, thấy nhiều đồ vật được “dát vàng” nên mới gọi tên như vậy. Ngôi nhà này có tên là ngôi nhà gạch men vì được ốp nhiều loại gạch men ngoại nhập. Chủ nhân của căn nhà này cũng từ chối tiết lộ sự thật: vàng thật hay vàng giả, về hàng ngàn đồ vật “dát vàng” này.
Sau khi tham quan hết các tầng của ngôi nhà “dát vàng” ở P.An Khánh, kiến trúc sư đi cùng PV khẳng định nhiều đồ vật ở đây được dát bằng vàng lá công nghiệp chứ không hề là vàng thật. Ông còn phân tích ở những chi tiết nhỏ, ngóc ngách của một số đồ vật còn có dấu hiệu của vụn vàng khi được đắp vào. Ở một số mặt phẳng như mặt bàn, những đường gân chia tách những lá vàng được đắp lên vẫn thể hiện rõ.
Với số lượng đồ vật được đắp lá vàng công nghiệp tại ngôi nhà này, ông cho biết phải tốn khá nhiều công sức mới hoàn thành được. Và số lá vàng để dát hết những đồ vật này phải lên đến hàng ngàn lá.
Vị kiến trúc sư này cho biết thêm, ở Việt Nam hiện vẫn có làng nghề dát vàng thật. Đó là làng nghề truyền thống Kiêu Kỵ ở Gia Lâm, Hà Nội, chuyên quỳ những lá vàng 24k, dùng để dát lên đồ vật. Đây là làng nghề hơn 400 năm, hiện có thể xem là làng nghề duy nhất ở Việt Nam làm vàng quỳ. Điều kỳ diệu của những nghệ nhân ở đây là họ có thể đập 1 chỉ vàng 24k thành 1 tấm vàng rộng 1 mét vuông.
Để tạo ra những lá vàng siêu mỏng, họ cắt đập rồi tán thành những mảnh vàng mỏng bằng đầu ngón tay. Sau đó, đặt vào 1 dụng cụ gọi là lá quỳ rồi bắt đầu dùng búa đập trong suốt 1 tiếng đồng hồ. Dưới những nhát búa đều đặn này, mảnh vàng được dát thành siêu mỏng, đến mức chỉ cần thở mạnh là chúng có thể bay đi.
Sau đó những lá quỳ đựng vàng này được đưa vào phòng kín gió để tách lá vàng ra khỏi quỳ. Những lá vàng này sau đó sẽ được dùng để dát lên đồ vật. Quá trình dát vàng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ công phu, cốt yếu sao để tận dụng được hết các lá vàng, ít hao hụt. Những vụn vàng li ti sẽ được tận dụng lại.
“Thông thường, những lá vàng 24k này sẽ được dùng để dát lên các bức tượng linh thiêng như các loại tượng Phật, các bậc vĩ nhân, những bức tranh quý, những câu đối…. Ở những nước có dân số đông theo đạo Phật thì họ còn dùng để dát lên một số chi tiết của chùa chiền. Những đồ vật thông thường, giá trị thấp sẽ ít được dát vàng”, vị kiến trúc sư cho biết thêm.