Về việc giảm 2% thuế GTGT, dự kiến thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 25.000 tỉ đồng trong 6 tháng.

Giảm 2% thuế GTGT: Ngân sách giảm thu 'tỉ đô' nhưng doanh nghiệp, người dân được lợi

Lam Thanh | 20/11/2023, 16:30

Về việc giảm 2% thuế GTGT, dự kiến thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 25.000 tỉ đồng trong 6 tháng.

Ngân sách giảm thu gần 25.000 tỉ đồng

Trình bày tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19, thiên tai… xảy ra đã gây hậu quả nặng nề, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bộ trưởng cho biết thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Trong năm 2022, Quốc hội có giải pháp giảm thuế GTGT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất GTGT 10% từ ngày 1.2 đến hết ngày 31.12.2022.

Năm 2023, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 1.7 đến hết ngày 31.12.2023.

Giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp (DN) giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

qh-2.jpeg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, qua 4 tháng thực hiện, chính sách giảm thuế GTGT đã hỗ trợ cho DN và người dân tổng cộng khoảng 15,6 nghìn tỉ đồng.

Điều này cũng đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ. Từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Nhiều mặt hàng không thuộc diện giảm thuế

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.

Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; thời gian áp dụng từ ngày 1.1.2024 đến hết ngày 30.6.2024.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 4,17 nghìn tỉ/tháng. Nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25.000 tỉ đồng.

qh.jpeg
Giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Bộ trưởng cho biết người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Từ đó giúp sản phẩm của DN tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Vẫn còn những băn khoăn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Lê Quang Mạnh cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban TC-NS nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách. Tuy nhiên, một số ý kiến không nhất trí với việc tiếp tục ban hành chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2024.

Lý do là chính sách giảm thuế GTGT chỉ là một biện pháp tình thế của Nghị quyết số 43/2022/QH15 về phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Biện pháp này nhằm ứng phó với các khó khăn tại thời điểm nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đến nay, đại dịch đã đi qua, kinh tế năm 2022 đã đạt những kết quả hết sức tích cực với mức tăng trưởng 8,02%.

qh-3.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Một số ý kiến cho rằng trong khi kết quả kích cầu là không rõ nhưng việc giảm thu tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách các địa phương là thực tế.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng việc tiếp tục các chính sách miễn, giảm thuế đã thực hiện trong thời gian qua, khi các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đang ngày càng khó khăn trong các năm gần đây.

Có ý kiến cho rằng, đánh giá tác động giảm thu khoảng 25.000 tỉ đồng chưa có cơ sở tính toán chính xác; chưa dự báo được mức độ, lĩnh vực, ngành hàng sẽ có chuyển biến tích cực khi thực hiện chính sách. Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.

Về hiệu lực thi hành, dự thảo Nghị quyết quy định: “Sau ngày 30.6.2024, giữa 2 kỳ họp Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, giao UBTVQH xem xét, quyết định áp dụng giảm thuế GTGT nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Chính phủ đã giải trình sự cần thiết của quy định này là để “đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa”.

Ủy ban TC-NS không nhất trí với việc giao UBTVQH xem xét, ban hành chính sách vì theo quy định tại Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có thẩm quyền “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Do đó, việc xem xét, quyết định ban hành chính sách giảm thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Theo ông Mạnh, mặc dù còn những ý kiến băn khoăn nhất định về sự cần thiết của việc tiếp tục ban hành và thực hiện chính sách, song với quan điểm đồng hành cùng Chính phủ để hỗ trợ DN và người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, Ủy ban TC-NS tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua chính sách giảm thuế GTGT và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm 2% thuế GTGT: Ngân sách giảm thu 'tỉ đô' nhưng doanh nghiệp, người dân được lợi