Đến nay, bệnh viện đã cơ bản phát triển, dù trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng bệnh viện không thể vượt qua, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh: “Có lúc tưởng chừng bệnh viện không thể vượt qua”

Hồ Quang | 19/05/2023, 19:01

Đến nay, bệnh viện đã cơ bản phát triển, dù trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng bệnh viện không thể vượt qua, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

BS.CK2 Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã chia sẻ như thế tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập bệnh viện (2008-2023) vào chiều nay (19.5).

Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiền thân là Bệnh viện quận 2 (TP.HCM) được tách ra từ Trung tâm y tế dự phòng quận 2 vào năm 2007. Đến năm 2008, Bệnh viện quận 2 chính thức đi vào hoạt động với quy mô 50 giường bệnh, nhưng năng lực khám, chữa bệnh ở đây còn rất yếu, người dân không tin tưởng bệnh viện tuyến quận – huyện.

giam-doc-benh-vien-le-van-thinh-co-luc-tuong-chung-benh-vien-khong-the-vuot-qua-hinh-anh(2).png
BS.CK2 Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã chia sẻ tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập bệnh viện vào chiều nay (19.5) - Ảnh: PV

BS.CK2 Trần Văn Khanh nhớ lại: thời điểm đó bệnh viện chỉ có 124 nhân viên, với 29 bác sĩ với 6 khoa lâm sàng và 4 phòng chức năng cùng với 1 khoa cận lâm sàng. “Lúc này mỗi ngày bệnh viện chỉ khám 200-300 bệnh nhân, chủ yếu là khám sức khỏe cho lái xe và đi làm, còn lại chuyển viện là chính”, bác sĩ Khanh nói.

Ngay sau đó, nhờ sự chỉ đạo của Bộ Y tế bằng chương trình 1816 (chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới) và TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu thực hiện chương trình 1816. Các bệnh viện lớn của TP đã chia sẻ, mở phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh tại các bệnh viện tuyến quận huyện và Bệnh viện quận 2 lúc đó đã có những khoa, phòng vệ tinh của những bệnh viện lớn đặt tại đây.

“Khi ấy chúng tôi chuẩn bị trong vòng chưa đầy 3 tháng đã khánh thành được khoa Nhi vệ tinh của Bệnh viện Nhi đồng 2 đặt tại đây với quy mô 50 giường. Sau đó, phối hợp với Đại học Y dược TP.HCM mở phòng khám y học gia đình mà Bộ Y tế rất quan tâm”, bác sĩ Khanh cho biết.

Theo bác sĩ Khanh, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của bệnh viện. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của quận ủy, UBND quận 2 lúc bấy giờ và Sở Y tế TP, bệnh viện bắt đầu mạnh dạn đề ra những giải pháp làm nhiệm vụ giảm tải cho tuyến trên.

Bằng sự gia công, rèn luyện tâm huyết, đến năm 2014, Bệnh viện quận 2 lúc bây giờ được công nhận là bệnh viện hạng 2.

Sau đó, với sự chỉ đạo sát sao của Sở Y tế, chính quyền địa phương, và sự ủng hộ của nhà trường, sự quyết tâm nỗ lực của bệnh viện, đến tháng 2.2020, Bệnh viện quận 2 được UBND TP.HCM công nhận là bệnh viện hạng 1. Đây là bệnh viện tuyến quận, huyện thứ 2 (sau bệnh viện quận Thủ Đức, nay là Bệnh viện TP.Thủ Đức) của TP.HCM và cả nước được công nhận là bệnh viện hạng 1.

Lúc này, bệnh viện đã có đến 30 khoa, 9 phòng chức năng và 6 đơn vị, trong đó có 1 phòng khám đa khoa vệ tinh. Đội ngũ nhân viên y tế đã lên đến gần 900 người cùng với 51 chuyên gia là các giáo sư, phó giáo sư ủng hộ cho bệnh viện.

“Đến nay, bệnh viện đã cơ bản phát triển, dù trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng bệnh viện không thể vượt qua, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Với đội ngũ như thế này, nhưng bệnh viện đã làm rất nhiều việc, nào khám và điều trị cho quy mô 560 giường bệnh, 5 bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 ( trong đó có 1 bệnh viện dã chiến số 3 của TP.HCM với quy mô gần 3.000 giường cùng với 3.500 giường của TP.Thủ Đức), tưởng chừng không thể vượt qua nỗi, nhưng cuối cùng đã vượt qua, góp phần cùng với TP.HCM và TP.Thủ Đức vượt qua đại dịch COVID-19”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Khanh, trong tương lai gần, Bệnh viện Lê Văn Thịnh sẽ có quy mô 1.000 giường, và trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, hướng đến bệnh viện thông minh. Hy vọng trong thời gian tới, Bệnh viện Lê Văn Thịnh nói riêng và các bệnh viện trên địa bàn TP.Thủ Đức nói chung sẽ được khang trang hơn, được đầu tư trang thiết bị, con người nhiều hơn.

“Từ nay đến năm 2025-2030, Bệnh viện Lê Văn Thịnh và một số bệnh viện trên địa bàn TP. Thủ Đức sẽ đáp ứng được mong mỏi yêu cầu điều trị của 1,5 triệu dân ở TP.Thủ Đức và các vùng lân cận”, bác sĩ Khanh mong muốn.

Dịp này, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng tổ chức đón nhận bằng khen của UBND TP.Thủ Đức trao tặng cho 28 tập thể và 98 cá nhân; đặc biệt BS.CK2 Trần Văn Khanh - Giám đốc bệnh viện vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng 3 của Chủ tịch nước trao tặng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh: “Có lúc tưởng chừng bệnh viện không thể vượt qua”