Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, nhiều phòng khám Trung Quốc tại TP.HCM chấp nhận bị phạt để tiếp tục lừa đảo. Có trường hợp phạt tới 900 triệu đồng thì họ bỏ luôn phòng khám tại nơi đó, đi mở phòng khám nơi khác để lừa đảo tiếp. Rút giấy phép thì chỉ được 6 tháng.
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khoá 9, chiều 8.12, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu (ĐB) HĐND TP liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh, các chính sách ngành y.
Khó dẹp phòng khám Trung Quốc lừa đảo
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm hỏi rằng thời gian qua, hàng chục phòng khám có bác sĩ Trung Quốc lừa đảo bệnh nhân, vẽ bệnh để lấy nhiều tiền, có bệnh nhân mất cả trăm triệu nhưng điều trị không khỏi. Thậm chí, một số bệnh nhân xuất hiện biến chứng phải đến các bệnh viện công điều trị lại.
“Các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc như phòng khám Thế Giới (quận 5), phòng khám 3 Tháng 2 (quận 11), phòng khám Đại Đông (quận Tân Bình)… đã có hành vi lừa đảo. Người dân kêu cứu, báo chí cũng có nhiều bài phản ánh nhưng không biết Sở Y tế quản lý những phòng khám này như thế nào và chấn chỉnh tình trạng này ra sao khi các phòng khám này luôn quảng cáo công khai và người dân là những nạn nhân của họ?”, bà Tố Trâm hỏi.
Về vấn nạn này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận công tác quản lý ngành, nghề y tế trên địa bàn TP.HCM rất phức tạp. Hiện ngành y tế TP đã cấp phép cho 40.000 trường hợp hành nghề y tế, cấp phép cho 200 phòng khám đa khoa và 450 phòng khám tư nhân. Những trường hợp liên doanh, liên kết tại TP được quản lý rất chặt chẽ.
Trường hợp phòng khám có bác sĩ Trung Quốc đã diễn ra nhiều năm nay. Các phòng khám này đa số có động thái khó lường bởi Trung Quốc thường dính tới đông y, mà đông y rất khó kiểm soát nên vẫn còn một số bất cập.
Thời gian qua, Sở Y tế đã kiểm tra, tái kiểm tra các phòng khám trong nước và phòng khám có yếu tố nước ngoài. Việc cấp phép hành nghề cho y bác sĩ, phòng khám có yếu tố nước ngoài dựa trên đăng ký, thẩm định của ngành y tế.
Có tình trạng phòng khám có bác sĩ Trung Quốc lừa gạt, gây ra nhiều tai biến nên bệnh nhân phải tới bệnh viện công, tốn chi phí và sức khỏe đã được báo chí phản ánh. Có những trường hợp báo chí phản ánh, Sở phối hợp với báo chí cung cấp thông tin nhưng khi đến kiểm tra thì mọi việc đã xong, hồ sơ không còn.
Về giá dịch vụ tại các cơ sở này, Giám đốc Sở Y tế cho biết còn rất nhiều bất cập. Sở đề nghị nhiều lần nhưng do thuốc mang tính thị trường, người dân chỉ cần thấy bảng giá tại dịch vụ y tế tư nhân là trả theo chứ không biết giá đó là rất cao. Nhiều loại thuốc đã được niêm yết nhưng người dân không biết nên dễ tin và đến khám.
Đáng chú ý, theo ông Bỉnh, nhiều phòng khám Trung Quốc chấp nhận bị phạt để tiếp tục lừa đảo. Có trường hợp phạt tới 900 triệu đồng thì họ bỏ luôn phòng khám tại nơi đó, đi mở phòng khám nơi khác để lừa đảo tiếp. Rút giấy phép thì chỉ được 6 tháng.
Giải pháp của Sở Y tế trong thời gian tới sẽ là quản lý chặt các phòng khám. Sở sẽ công khai danh sách phòng khám qua mạng thông tin điện tửcủa ngành để người dân dễ theo dõi. Song song đó, thanh tra Sở sẽ đi kiểm định và nêu tên các phòng khám kém chất lượng.
“Bệnh nhân đến phòng khám Trung Quốc thường là bệnh khó nói,khi bị lừa gạt thường không dám lên tiếng nên khó xử lý. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, ngành y tế sẽ cải thiện y tế công để hạn chế thiếu sót của y tế tư”, ông Bỉnh thông tin thêm.
Tăng cường phòng chống dịch bệnh Zika, sốt xuất huyết
Bên cạnh phòng khám Trung Quốc, tình trạng bệnh sốt xuất huyết và dịch bệnh Zika gia tăng trong thời gian qua cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Đại biểu Trần Hải Yến hỏi rằng ngành y tế TP cần làm gì để dịch bệnh không phát triển, lan ra diện rộng? Đồng quan điểm với đại biểu Yến, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy hỏi ngành y tế có công tác dự báo dịch bệnh như thế nào khi mà thời điểm lễ Tết đã cận kề và lượng du khách các nơi về TP.HCM ngày càng đông?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở Y tế nói rằng thời gian qua, ngành y tế TP đã tập trung phòng chống dịch bệnh nhưng tình trạng bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika vẫn phát triển. Bởi lẽ, bệnh sốt xuất huyết theo chu kỳ 5 – 6 năm sẽ có dịch lớn. Từ đầu năm 2016, Bộ Y tế phát động phong trào diệt muỗi, diệt lăng quăng trên toàn quốc. Tháng 4.2016 cũng ra phát động phong trào diệt muỗi, loăng quăng phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Zika.
Trên phong trào đó, UBND TP đã ra chỉ thị cho các ngành, UBND 24 quận, huyện vào cuộc, vận động người dân tham gia diệt muỗi, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình và xã hội.
Giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, trong đó cần loại bỏ những nơi tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển.
Phan Diệu