Chính sách quy định mức khuyến mại mới có thể làm giảm ngay lập tức phúc lợi người dùng di động và khoản thặng dư tiêu dùng khổng lồ này, thay vì đi vào túi người dân như họ đáng được hưởng, sẽ chảy sang các công ty kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Giảm mức khuyến mại không thể chống sim rác

Nguyễn Văn Thịnh - Vũ Thị Minh Huệ CTV a Duy Thông | 28/03/2018, 09:48

Chính sách quy định mức khuyến mại mới có thể làm giảm ngay lập tức phúc lợi người dùng di động và khoản thặng dư tiêu dùng khổng lồ này, thay vì đi vào túi người dân như họ đáng được hưởng, sẽ chảy sang các công ty kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) quy định hạn mức khuyến mại tối đa đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.3.2018. Theo đó, các thuê bao di động trả trước sẽ chỉ được khuyến mại tối đa 20% so với mức khuyến mại tối đa 50% của các thuê bao di động trả sau.

Các thuê bao di động trả trước đang rất bức xúc vì quyền được hưởng khuyến mại giá cước của mình bị kéo giảm xuống. Liệu quy định này có giúp giảm sim rác và các vấn nạn từ sim rác?

Kỳ vọng của Bộ TT-TT

Thông tư 47 được ban hành hướng đến hai mục tiêu chính. Một là việc giảm mức khuyến mại tối đa với thuê bao di động trả trước xuống 20% sẽ hạn chế các nhà mạng trong việc tung ra các chương trình khuyến mãi “khủng” cho thuê bao trả trước để tăng cường thu hút khách hàng mới. Điều này được cho là nguyên nhân chính gây ra vấn nạn sim rác, tin nhắn rác làm phiền đến người dùng.

Hai là chính sách mới kỳ vọng sẽ thúc đẩy người dùng sử dụng dịch vụ trả sau vì khuyến mại tối đa cho thuê bao trả sau vẫn ở mức 50%. Đây cũng là đối tượng được cho là nhóm khách hàng trung thành và cung cấp đầy đủ thông tin với nhà mạng nhưng hiện nay lại không được hưởng nhiều chính sách khuyến mại như thuê bao trả trước.

Mặt khác, thông tư mới ra đời còn nhằm mục tiêu đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên thị trường viễn thông.

Có chắc bảo vệ ngườidùng?

Thông tư 47 ra đời trên hết nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng nhưng với cách thức hiện tại thì hầu như rất khó để đạt được mục tiêu này.

Trước tiên, việc áp mức trần khuyến mãi 20% sẽ làm giảm mạnh phúc lợi của người tiêu dùng.

Theo thống kê của Cục viễn thông (Bộ TT-TT)thì tới tháng 12.2017, Việt Nam có khoảng 111,4 triệu thuê bao di động trả trước có phát sinh lưu lượng. Giả sử số thuê bao này chỉ nạp trung bình 50.000 đồng vào tài khoản trong một tháng thì việc giảm trần khuyến mại từ 50% xuống 20% sẽ làm mỗi thuê bao tổn thất 15.000 đồng. Như vậy, chính sách mới sẽ có thể làm giảm ngay lập tức phúc lợi người tiêu dùng khoảng 1.670 tỉ đồng/tháng hay 20.000 tỉ đồng/năm.

Khoản thặng dư tiêu dùng khổng lồ này thay vì đi vào túi người dân như họ đáng được hưởng thì sẽ chảy sang các công ty kinh doanh dịch vụ viễn thông. Doanh nghiệp có thể tăng lợi nhuận, tăng nộp thuế cho ngân sách nhà nước nhưng trên cái giá mà người tiêu dùng phải trả.

Có thể nói, dù với bất cứ mục đích gì thì một chính sách có thể làm giảm mạnh phúc lợi của người tiêu dùng như Thông tư 47 cần phải được biện minh bằng những nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng. Đáng tiếc là tới thời điểm này, cơ quan soạn thảo vẫn chưa đưa ra một báo cáo đánh giá tác độngđầy đủ về những hệ quả khả dĩ của chính sách mới.

Có nên ưu tiên sim trả sau?

Mục tiêu thứ hai của chính sách mới là nhằm khuyến khích sử dụng sim trả sau vì thuận lợi hơn cho việc quản lý thông tin.

Tuy nhiên, thực tế là các thuê bao di động trả trước cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân và chụp ảnh chân dung cung cấp cho nhà mạng như đối với các thuê bao trả sau. Vì vậy, nhiều người dùng cho rằng các vấn nạn tin nhắn rác hay cuộc gọi quảng cáo chủ yếu xuất phát từ năng lực của các cơ quan quản lý cũng như nghĩa vụ bảo mật thông tin của doanh nghiệp viễn thông chứ không phải do loại hình thuê bao.

Việc tự do lựa chọn thuê bao trả trước hay trả sau rõ ràng là quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Trên thực tế, nhiều người không dùng thuê bao trả sau vì thông tin mà các nhà mạng cung cấp chưa tiện lợi, minh bạch và họ không thể quản lý được các chi tiêu phát sinh thường xuyên. Với nhóm khách hàng này thì sim trả trước đơn giản là tiện lợi hơn và giúp họ quản lý tài chính tốt hơn.

Nếu muốn hướng khách hàng sử dụng thuê bao trả sau thì nhà mạng nên tự cải thiện chất lượng dịch vụ trả sau. Nếu chất lượng dịch vụ không được cải thiện thì chính sách mới sẽ không đủ để khiến khách hàng chuyển đổi.

Những tác động khó lường tới cạnh tranh

Thông tư 47 ra đời với kỳ vọng hạn chế các nhà mạng vào cuộc đua phá giá thị trường nhưng có thể sẽ tạo ra những tác dụng phụ tai hại tới cạnh tranh.

Việc áp dụng hạn mức khuyến mãi một cách đồng loạt sẽ ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Các nhà mạng mới sẽ càng khó cạnh trạnh với các “ông lớn” trong ngành vì thua thiệt hơn về thị phần, đầu số, băng tần... Để tồn tại, các doanh nghiệp mới có thể phải thực hiện các giải pháp như tăng tần suất khuyến mãi hoặc sa vào cuộc chạy đua hạ giá mà chính họ sẽ là nạn nhân.

Khi mà các doanh nghiệp mới dễ dàng bị phá sản thì không có đủ sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Ngành dịch vụ viễn thông có thể bị phủ bóng đen bởi sự cấu kết, độc quyền nhóm.

Theo sách trắng về công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2017, chỉ riêng 3 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là Viettel, MobiFone và VNPT đã chiếm tới 95% thị phần viễn thông di động. Đáng lưu ý là thị phần của 3 doanh nghiệp nhà nước này thậm chí còn tăng trong giai đoạn 2013-2016. Điều này phần nào cho thấy doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn, thua thiệt khi gia nhập thị trường tiềm năng này.

Giải pháp cốt lõi

Thông tư 47 có thể sẽ không đạt được các mục tiêu mong muốn vì đã xác định sai nguyên nhân cốt lõi và sử dụng những biện pháp không phù hợp.

Về nguyên nhân, hiện tượng sim rác, theo chúng tôi là phản ứng tự nhiên, hữu lý của khách hàng trước chiến lược kinh doanh của các nhà mạng. Tại sao các nhà mạng lại đặt khuyến mại lớn để thu hút khách hàng mới? Đó là bởi đặc thù của ngành viễn thông, một khi khách hàng đã sử dụng một số di động thì sẽ có xu hướng trung thành với nhà mạng cung cấp số di động đó. Không ít người trong chúng ta rất sợ chuyển đổi nhà mạng vì nỗi lo mất số di động.

Trong bối cảnh này thì chiến lược hợp lý nhất của các nhà mạng là tăng khuyến mại để thu hút khách hàng mới vì một phần lớn trong số này sẽ trở thành khách hàng trung thành, thậm chí khách hàng suốt đời. Hệ quả phụ của các chương trình khuyến mại hấp dẫn với thuê bao mới chính là sự dư thừa nguồn cung sim mới, hay chính là sim rác.

Để giải quyết được hiện tượng sim rác cần giải quyết nguyên nhân cốt lõi là tái xác định quyền sở hữu với số thuê bao di động. Về khía cạnh này, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm Nhật Bản, một nước dứt khoát là có thị trường viễn thông cạnh tranh và phát triển hơn Việt Nam.

Tại Nhật, số di động là sở hữu của cá nhân khách hàng, mỗi người có quyền chuyển đổi sang bất cứ nhà mạng nào mà vẫn giữ nguyên số thuê bao cá nhân. Bên cạnh đó, khách hàng phải trải qua quy trình chi tiết để đăng ký thông tin cá nhân và phải ký hợp đồng, thông thường là 2 năm, mỗi khi gia nhập một nhà mạng mới. Với mức phạt tiền hợp lý với khách hàng hủy hợp đồng sớm, các nhà mạng được bảo vệ khỏi việc khách hàng ồ ạt chuyển đổi nhà mạng để “săn khuyến mại”.

Có thể nói, nếu quy định theo hướng này thì sẽ bảo vệ quyền lợi khách hàng tốt hơn vì các nhà mạng sẽ phải cạnh tranh hơn để vừa thu hút khách hàng mới lẫn giữ chân khách hàng cũ. Các nhà mạng cũng sẽ có lợi vì có thể cạnh tranh để thu hút khách hàng chuyển đổi từ các nhà mạng khác.

Tại Việt Nam, việc chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao đã được Bộ TT-TT đưa ra tại Quyết định số 846/QĐ-BTTTT năm 2016, theo đó thời điểm triển khai là từ ngày 1.1.2018. Đây là một hành lang pháp lý rất tốt như đã được thực tế chứng minh tại nhiều nước. Nhưng để chính sách này phát huy được tác dụng thì cần tránh những quy định hạn chế tự do kinh doanh và cạnh tranh như Thông tư 47.

Rất tiếc, chính sách này đã không được triển khai theo tiến độ được ấn định do Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) chưa hoàn thiện chính sách kinh tế áp dụng cho cả khách hàng và các nhà mạng khi chuyển mạng. Theo báo chí, hiện cơ quan này đang làm việc với các nhà mạng để có thể hoàn thiện chính sách nêu trên nên thời điểm mới cho việc áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số vẫn chưa được ấn định lại.

Nguyễn Văn Thịnh - Vũ Thị Minh Huệ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
7 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm mức khuyến mại không thể chống sim rác