Trung tuần tháng 8, tại tỉnh Tiền Giang, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu giải pháp, công nghệ tích nước phân tán phục vụ vùng cây ăn quả đồng bằng sông Cửu Long ”. Câu hỏi đặt ra tại hội thảo là giải pháp nào bảo vệ vườn cây trước sự biến đổi khí hậu?
Theo báo cáo tại hội thảo, diện tích cây ăn quả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng tăng. Đến nay, toàn vùng có hơn 404.000ha cây ăn quả các loại, chiếm khoảng 40% diện tích của cả nước, tăng 101.000ha so với 10 năm trước.
Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các đập thủy điện và kênh đào ở thượng nguồn sông Mê Kông tác động làm nước thượng nguồn đang suy giảm. Dự báo trong thời gian tới, cùng với biến đổi khí hậu, hạn mặn và tác động mạnh từ con người khiến nguồn nước cho nông nghiệp ĐBSCL sẽ suy giảm nghiêm trọng. Vườn cây ăn quả vùng ĐBSCL đang trước những thách thức to lớn về an ninh nguồn nước.
Tiến sĩ Trần Thái Hùng, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu giải pháp, công nghệ tích nước phân tán phục vụ vùng cây ăn quả ĐBSCL” cho biết: “Đề tài nghiên cứu kế thừa các dự báo nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ĐBSCL, nhằm hướng dẫn, khuyến cáo, giúp cho chính quyền, nhà quản lý và nông dân có kế hoạch, giải pháp tích trữ nước mùa khô hạn hợp lý phục vụ sản xuất cây ăn quả. Đề tài khuyến cáo cho bà con nông dân thời điểm lấy nước cho các vùng trồng cây ăn quả. Vùng thượng thì thời điểm nào hợp lý, vùng giữa thời điểm nào lấy nước hợp lý và vùng hạ thời điểm nào lấy nước được và thời gian duy trì độ mặn là bao lâu để người dân có kế hoạch lấy nước và tích trữ nước cho cây trồng trồng vườn của mình. Đề tài cũng mong muốn qua hội thảo sẽ chuyển tải thông tin đến các nhà khoa học, nhà quản lý địa phương và đặc biệt tới người dân và các cấp chính quyền địa phương có thể nhân rộng các mô hình sử dụng nước hiệu quả trong các mùa khô hạn vùng ĐBSCL”.
Nhằm kế thừa những thành công, khắc phục những tồn tại về các giải pháp tích trữ nước tưới cho các vùng cây ăn trái, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam được Bộ NN-PTNT giao chủ trì thực hiện đề tài khoa học cấp bộ “Nghiên cứu giải pháp, công nghệ tích nước phân tán phục vụ vùng cây ăn quả ĐBSCL”.
Nhóm nghiên cứu bước đầu đã đưa ra các giải pháp tích trữ nước tưới và hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho nông dân thông qua sổ tay “Hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trữ nước, tưới hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL”. Trong đó có các giải pháp tích nước phân tán như: trữ trong ao hồ, kênh rạch cụt, vườn cây, túi nhựa…, riêng các mô hình thiết kế ao trữ nước với diện tích từ 10 - 15% diện tích vườn. Bên cạnh đó, các giải pháp tưới tiết kiệm được khuyến cáo là tưới phun mưa cục bộ và tưới nhỏ giọt.
Hội thảo đã có nhiều góp ý về đề tài, những vấn đề lý thuyết và hiện thực khi đi vào đời sống; về điều kiện để áp dụng cho việc tích trữ nước cho các tỉnh có vườn nhiều ở ĐBSCL. Hội thảo cũng được nghe những kinh nghiệm của nông dân Tiền Giang, Bến Tre được dự án hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc tích trữ nước cho vườn cây trong mùa hạn mặn.
Hộ nông dân Huỳnh Tấn Thảo (xã Tân Mỹ Chánh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) được đề tài hỗ trợ hơn 70% kinh phí để đào ao, sử dụng bạt HDPE trải và tích trữ nước, đồng thời được hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm cho vườn bưởi 2.000m2. Ông Thảo đã nạo vét 4 mương vườn, mỗi mương có chiều ngang 1,8m, dài 100m và độ sâu 1,2m, trữ được khoảng 4.000m3 nước. Cây bưởi có đủ lượng nước trong mùa khô, quả bớt rụng và năng suất cao.
Còn vườn sầu riêng của bà Cao Thị Chiên, một nông dân ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre được đề tài hỗ trợ đào ao trữ nước ngọt vừa phục vụ tưới trong mùa khô và còn giúp các hộ dân xung quanh một phần nước tưới trong thời gian hạn mặn kéo dài.
Hai mô hình này đã đạt hiệu quả cao, có khả năng nhân rộng.
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao những nội dung trong đề tài khoa học “Nghiên cứu giải pháp, công nghệ tích nước phân tán phục vụ vùng cây ăn quả ĐBSCL” do Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thực hiện. Các giải pháp khoa học công nghệ rất thiết thực, phù hợp với tình hình về nước trong nước và thế giới, nhất là rất cần thiết đối với sản xuất cây ăn trái vùng ĐBSCL.
Đề tài được triển khai sẽ góp phần giải quyết kịp thời các bức xúc của nhà vườn, nhà khoa học và nhà quản lý; giúp tìm ra giải pháp tích trữ nước hiệu quả, tiết kiệm, phục vụ đắc lực cho mô hình trồng cây ăn trái, nâng cao chất lượng, năng suất, hạ giá thành, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu.