Có người từ bỏ mức lương cả ngàn đô, chấp nhận lương vài triệu đồng làm giảng viên để có cơ hội du học. Thế nhưng khi học xong họ lại mất hút.

Giảng viên du học xong rồi mất hút

Một Thế Giới | 26/09/2015, 06:01

Có người từ bỏ mức lương cả ngàn đô, chấp nhận lương vài triệu đồng làm giảng viên để có cơ hội du học. Thế nhưng khi học xong họ lại mất hút.

Làm giảng viên để... được du học
Giảng viên ĐH luôn là đối tượng ưu tiên cấp học bổng. Lợi dụng điểm này, nhiều người đã tìm mọi cách để được làm việc trong trường ĐH nhưng chỉ làm điểm tựa cho việc xin học bổng du học.
PGS-TS Lê Hữu Khương, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng việc xét duyệt cử người đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước khá dễ dàng so với trước đây. Vì vậy, một số người muốn vào trường làm giảng viên để lợi dụng được đi học rồi không trở về hoặc xin nghỉ việc.
Giang vien du hoc xong roi mat hut-hinh-anh-1
 Điều kiện nghiên cứu khoa học trong nước còn thiếu thốn là một trong những lý do mà giảng viên du học xong không trở về trường giảng dạy - Ảnh: Hà Ánh
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, hiện tượng này phổ biến ở các trường ĐH lớn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ở lại trường, chấp nhận mức lương tối thiểu để có cơ hội xin học bổng du học. “Tôi từng biết một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành công nghệ thông tin, được công ty nước ngoài đề nghị trả lương đến 2.000 USD/tháng nhưng vẫn chọn ở lại trường với thu nhập chưa đến 5 triệu đồng/tháng chỉ để tìm cơ hội đi học nước ngoài. Người này qua Mỹ bằng học bổng và hiện đang làm cho một công ty phần mềm hàng đầu nước Mỹ”, tiến sĩ Quân chia sẻ. Nhận định thêm, ông Quân cho rằng: “Sự lãng phí nhất là chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực cho ngành giáo dục nhưng rất nhiều người sau khi hoàn thành khóa học lại ra ngoài làm những việc không thuộc lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy”.
Hiệu trưởng một trường ĐH lớn tại TP.HCM kể, do một trong những điều kiện để được nhận học bổng chương trình nghiên cứu sinh tại Mỹ phải là giảng viên của một trường ĐH tại VN, vì vậy có người tìm đến trường xin làm giảng viên để đi du học với cam kết sẽ trở về giảng dạy khi hoàn thành khóa học. Theo lời hiệu trưởng trường này, ông đã tin và cấp tới 2 lần giấy xác nhận để người này xin học bổng nghiên cứu sinh và sau nghiên cứu sinh. Thế nhưng, khi hoàn tất các khóa học thì trường nhận được thư báo tin người này sẽ làm việc cho một trường ĐH ở nước ngoài nên không thể về VN!
Ra đi vì thiếu... một phòng thí nghiệm
Khoảng 10 năm trở lại đây, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã có 7 - 8 giảng viên du học nhưng không về nước. Trong đó có trường hợp được cử đi học nghiên cứu sinh tại Mỹ bằng tiền dự án của trường. Sau 4 năm, trường chỉ nhận được lá thư từ gia đình người này cho biết nghiên cứu sinh chưa bảo vệ xong luận án tiến sĩ. Đến giờ trường vẫn không biết thực hư sự việc ra sao vì không thể liên lạc được với người đi học, đành ngậm ngùi đơn phương ra quyết định cho thôi việc dù đã đầu tư cả tỉ đồng bằng tiền dự án. Cũng tại trường này, có người đi học tiến sĩ tại Mỹ, khi hoàn thành khóa học đã gửi thư xin được hủy hợp đồng lao động để định cư cùng gia đình tại Mỹ. Tuy nhiên, sau đó trường phát hiện người này đã trở về VN và đang làm việc cho một trường ĐH khác với mức thu nhập cao hơn nhiều.
Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng có nhiều người du học rồi ở luôn không về và liên lạc cũng không được. Trường nhiều lần gửi thư cho cá nhân, gia đình vẫn không có hồi âm. Một số người về nước nhưng im lặng đi làm chỗ khác. Có trường hợp lẳng lặng xin vào trường khác làm việc, tới khi không làm được sổ bảo hiểm xã hội do sổ còn ở trường cũ mới chịu quay về trường làm đơn xin thôi việc.
Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, có người đã trở về trường nhưng lại ra đi vì trường thiếu... một phòng thí nghiệm theo yêu cầu. Có người ra đi vì cho rằng thù lao nghiên cứu trong và ngoài nước quá chênh lệch. Về vấn đề này, PGS-TS Vũ Hải Quân cho rằng lý do chung nhất là không có điều kiện phát triển, nhưng nan giải nhất vẫn là thu nhập. Cũng theo tiến sĩ Quân, việc không thể giữ chân những nhà khoa học giỏi, được đào tạo bài bản ở các nước phát triển là vấn đề nan giải của các trường ĐH của VN. Mức lương và thù lao giảng dạy được nhà nước quy định. Để có được thu nhập thêm từ các đề tài nghiên cứu, cần tối thiểu một năm viết dự án để trình phê duyệt, sớm nhất là giữa năm sau mới có kinh phí và nguồn thu nhập này không ổn định. Cách duy nhất mà các trường ĐH công lập đang làm để thu hút các nhà khoa học trở về đó là sự tự do: tự do đi làm thêm, đi dạy thêm. Và tất nhiên hiệu quả công việc vì thế không đạt như mong muốn!
Còn ông Khương thì cho rằng để giữ lại giảng viên được cử du học thì trước tiên việc xét tuyển cần chặt chẽ và có cam kết rõ ràng hơn.
Sẽ xử lý người được cử đi học nhưng tự ý ở lại nước ngoài
Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) vừa thông báo quy định thực hiện bồi hoàn kinh phí đào tạo với người được cử đi học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và diện hiệp định.
Theo đó, lưu học sinh phải bồi hoàn kinh phí gồm 4 đối tượng: không hoàn thành khóa học theo quyết định cử đi học của Bộ; hoàn thành khóa học nhưng tự ý ở lại nước ngoài không về nước; trong quá trình đi đào tạo tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với cơ quan đang công tác; hoàn thành khóa học về nước nhưng chưa phục vụ đủ thời gian quy định với người được cấp học bổng, xin thôi việc hoặc chuyển cơ quan công tác.
Những trường hợp vì lý do bất khả kháng như ốm đau, bệnh tật, thiên tai, chiến tranh, không hoàn thành khóa học cần gửi hồ sơ bản gốc đến Cục này hoặc cơ quan công tác để xử lý thủ tục xét bồi hoàn, miễn giảm bồi hoàn kinh phí theo quy định hiện hành.
Thông báo này nhấn mạnh, trường hợp lưu học sinh đã hoàn thành khóa học hoặc chưa hoàn thành khóa học, tự ý ở lại nước ngoài, không về nước, không có báo cáo, Cục sẽ phối hợp với cơ quan công tác của lưu học sinh và các đơn vị chức năng liên quan như Cơ quan đại diện VN ở nước sở tại, cơ quan di trú của nước ngoài... yêu cầu lưu học sinh về nước thực hiện nghĩa vụ theo quy định.
Theo Hà Ánh/ Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảng viên du học xong rồi mất hút