Tim tôi đầy cay đắng và cảm thấy có điều gì đó bất nhẫn mang tính xã hội khi nghĩ đến trường hợp một người phụ nữ đương thời, cô giáo mầm non Trương Thị Lan, 37 năm dạy học mà chỉ nhận được lương hưu 1, 3 triệu đồng/tháng.
“Cầm quyết định về hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng từ tay nhân viên kế toán, tôi ngã khuỵu xuống nền nhà, nước mắt giàn giụa. Các đồng nghiệp có mặt lúc đó cũng không cầm được nước mắt bèn ôm tôi khóc”, cô giáo Trương Thị Lan kể lại.
Với mức lương hưu như vậy, cô Lan không biết sẽ lấy gì để nuôi sống gia đình. Chồng cô Lan bị bệnh tiểu đường, một mắt bị hỏng, đau ốm nằm bẹp giường thường xuyên, vợ chồng và 4 đứa con từ trước tới nay đều trông vào lương mẹ.
Người đăng tải câu chuyện trên mạng xã hội là cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Duẩn (Hà Tĩnh) với mong muốn nhờ các cấp, ban ngành cùng mọi người tư vấn thêm.
Nữ hiệu trưởng này viết:
"Tôi là Thu Hà. Hiệu trưởng trường Mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh xin được hỏi và nhờ các cấp, các ban ngành cùng mọi người tư vấn thêm .
Ở trường mầm non Lê Duẩn xã Cẩm Duệ chúng tôi có 1 giáo viên vừa có quyết định nghỉ hưu vào tháng 9.2017. Tên cô là Trương Thị Lan. Ngày vào ngành 5.9.1980, có 37 năm cống hiến, phục vụ dạy học trong bậc mầm non. Năm đóng bảo hiểm kể cả đóng lùi là 22 năm 8 tháng. Hệ số lương hiện hưởng đến ngày nghỉ hưu là 3,46.
Đến ngày nghỉ hưu được hưởng số tiền 1.268 ngàn/tháng và được nhà nước cho bù thêm 32 ngàn đồng. Tổng cộng 1.300 ngàn đồng/tháng.
Cầm quyết định vừa được nhận trên tay mà cô khóc không thành tiếng làm cho cả tập thể giáo viên của nhà trường không biết động viên cô bằng cách nào chỉ có khóc theo.
Chúng tôi nghĩ cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân của cô đã cống hiến như vậy, giờ đây ra về chỉ còn tấm thân già cỗi, bệnh tật cộng thêm hoàn cảnh gia đình lại hết sức khó khăn chồng con ốm đau, bệnh tật. Với mức lương như vậy thì thử hỏi sẽ sống sao đây?
Tôi kính mong các Bộ, các ban ngành hãy vào cuộc và quan tâm đến các cô giáo mầm non trong cả nước nói chung và trường hợp của cô Trương Thị Lan của trường tôi nói riêng để khỏi thiệt thòi cho ngành học mầm non.
Xin chân thành cảm ơn”.
Ở một đất nước coi “giáo dục là quốc sách” sao lại để những giáo viên cống hiến bền lâu như cô Lan lại nhận đồng lương hưu rẻ mạt?
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, bên hành làng QH hôm 30.10 nói rằng: “Thực ra đây không phải chuyện riêng của cô giáo mầm non này đâu mà đây là thực trạng phổ biến của các thầy, cô vì thang bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới. Vì thế, tôi đã làm việc với Bộ Nội vụ, đề xuất phải có đánh giá một cách công bằng khi các thầy đảm nhận các nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực.
Trường hợp của cô Lan vừa rồi khiến tôi rất trăn trở khi nhìn bà giáo già khụy, ngất. Tuy nhiên, khi làm việc thì Bảo hiểm xã hội trả lời việc trả mức lương hưu như thế không sai.
Đứng về mặt nhà nước thì quy định là như thế nhưng thực tế về mặt con người, các thầy, cô hy sinh gần như cả đời, đến lúc về hưu nhận được 1,3 triệu đồng/tháng thì sống sao được. Tôi rất suy nghĩ về việc này và đang làm việc với Bộ Nội vụ, Tài chính để làm sao đưa vào luật giáo dục vấn đề thang, bảng lương của các thầy cô giáo.
Chúng tôi xem xét, để sao cho chế độ làm việc của các thầy cô cần gắn với mức đãi ngộ tương xứng mới tạo được động lực. Nghị quyết Trung ương 29 cũng đã quán triệt chủ trương, thang bảng lương của các thầy cô phải được xếp cao nhất. Với tư cách là người phụ trách ngành, tôi đang tích cực, phối hợp với các Bộ ngành để làm sao theo đúng Nghị quyết của Đảng”.
Tôi và có lẽ nhiều người nữa đồng tình với ý kiến này của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, phải có sự thay đổi phù hợp để thầy cô trọn đời cống hiến, phải có mức đãi ngộ tương xứng khi về hưu.
Hoàng Linh