Nói về cơn sốt giá đất ở các địa phương chuẩn bị trở thành đặc khu, giáo sư Võ Tòng Xuân nói rằng Việt Nam có nhiều người làm giàu bằng cách cơ hội, không giống các doanh nhân ở các nước khác. Cụ thể, ở Nhật, Mỹ hay các nước châu Âu, doanh nhân giàu bằng các dự án mang tính trí tuệ.

Giáo sư Võ Tòng Xuân nói về cơn sốt đất ở đảo Phú Quốc

16/04/2018, 10:16

Nói về cơn sốt giá đất ở các địa phương chuẩn bị trở thành đặc khu, giáo sư Võ Tòng Xuân nói rằng Việt Nam có nhiều người làm giàu bằng cách cơ hội, không giống các doanh nhân ở các nước khác. Cụ thể, ở Nhật, Mỹ hay các nước châu Âu, doanh nhân giàu bằng các dự án mang tính trí tuệ.

1 dự án địa ốc đang san lấp mặt bằng ở Phú Quốc - Ảnh: Hàm Yên

"Ở Mỹ có vua thép Andrew Carnegie, ông có công nghệ đúc ra thép để làm giàu. Nhật có Toyota, Hitachi, Tosiba... làm giàu nhờ đầu óc khoa học công nghệ. Ở nước mình người giàu là lấy đất người làm đất mình, lấy tiền ngân hàng làm của cá nhân rồi vào tù. Cũng có khi đất trở thành của họ mà họ nghèo vì bán không được", vị giáo sư chia sẻ.

Ngoài những nhóm làm giàu theo kiểu cơ hội để đầu cơ bất động sản, ông Võ Tòng Xuân cũng nhìn nhận Việt Nam có những người làm ăn rất thành thật, bày bản. Đó là 2 nữ doanh nhân. 1 là mang tiền mua bò rồi chế biến sữa tươi để làm giàu. 2 là CEO hãng máy bay, có tiền rồi biết cách quản lý máy bay, làm ra tiền.

Trở lại người làm giàu về đất, họ đầu cơ ồ ạt như hiện nay bởi vì đây là món hàng có thể "chụp giựt và lo lót được". Người này có thể lo lót người kia để đất về tay mình, rồi tăng giá lên để bán cho người khác kiếm lời.

Nếu đã lo cho cán bộ giúp mình có quyền sử dụng đất thì muốn bán bất động sản cho đối tác khác phải kê lên cao vì đã mất một mớ tiền "chạy chọt". Cứ như thế, người thứ 3, thứ 4 muốn làm giàu thì mua đất, và mua rồi thì phải tăng giá và cứ lo lót. Cho tới khi nơi đất được đầu cơ không còn nóng nữa thì người cuối cùng vội bán tháo, bán đổ và sạt nghiệp.

Giáo sư Võ Tòng Xuân - Ảnh: Hàm Yên

"Sốt giá đất cũng do Nhà nước của mình bày ra. Ví dụ như Hà Tây đang là tỉnh thì họ gom địa phương này về Hà Nội. Mấy người bên Hà Tây bây giờ họ phiền hà, vì mấy người trong Hà Nội chạy ra mua đất, đẩy giá lên cao.

Còn mấy ông có quyền thì lúc trước khi Hà Tây chuẩn bị lên Hà Nội thì họ chạy ra đó mua trước với giá rẻ. Khi Hà Tây thành Hà Nội thì họ bán đất với giá cao lên. Phú Quốc cũng vậy", giáo sư đánh giá.

Như vậy, có thể thấy khi Phú Quốc chuẩn bị trở thành đặc khu thì nhiều "người thạo tin" trong đất liền ra đảo mua bất động sản với giá rẻ. Khi nơi đây trở thành đặc khu thì đến lúc họ bán đất ra với giá cao.

"Người ta muốn làm giàu bằng bất động sản mình không dám phê phán nhưng tôi nghĩ nếu mình thật sự có công nghệ, ngành hàng gì cần đất để mở nhà xưởng thì khuyến khích. Còn nếu chạy theo mua đất để làm giàu về đất thì tôi đề nghị nên hạn chế, bớt nhóm người đó đi, bởi cứ làm thế thì đất nước không phát triển mạnh được", giáo sư Võ Tòng Xuân nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần những nhà doanh nghiệp làm ra những sản phẩm trí tuệ để làm giàu cho đất nước. Còn kinh doanh đất thì cứ lấy tiền này đổi ra tiền kia, trung gian là đất sẽ khiến đất nước không giàu mạnh.

Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng cao quý trên thế giới và đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là Anh hùng Lao động. Ông có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu nông nghiệp cũng như sự nghiệp giáo dục.

Hàm Yên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo sư Võ Tòng Xuân nói về cơn sốt đất ở đảo Phú Quốc