Hãng tin AP phản ánh tình trạng giáo viên phải tìm đủ mọi cách để đối phó với nạn gian lận bằng chatbot từ sinh viên.
Khi phát hiện một trường hợp gian lận vào học kỳ trước, giáo sư triết học Darren Hick (Đại học Furman) đăng lên mạng xã hội: “Tôi vừa bắt được người đạo văn ChatGPT thứ hai”.
Bạn bè và đồng nghiệp của ông bày tỏ sự ngạc nhiên. Giáo sư Timothy Main (Cao đẳng Conestoga) để lại bình luận: “Chỉ 2 thôi à! Tôi bắt được hàng tá. Chúng ta đang ở trong khủng hoảng toàn diện”.
Sự trỗi dậy bất ngờ của các chatbot như ChatGPT khiến đội ngũ giáo viên nhiều môn cân nhắc lại cách thức giảng dạy. Họ muốn tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để triển khai phương pháp dạy và học mới, nhưng đồng thời cũng cần đảm bảo đánh giá đúng năng lực học viên.
Một số giáo viên chọn cách dùng lại bài kiểm tra giấy sau nhiều năm tiến hành kiểm tra trên máy tính. Vài giáo sư yêu cầu sinh viên trình bản thảo cùng lịch sử chỉnh sửa bài luận để chứng minh họ có tư duy khi thực hiện.
Hiệu phó Đại học Temple Stephanie Laggini Fiore cho biết phần mềm dò đạo văn AI chưa đáng tin. Bà từng tham gia một nhóm thử nghiệm và nhận thấy phần mềm xác định văn bản do con người tự viết ra rất tốt, nhưng lại gặp khó trong xác định văn bản tạo bởi chatbot hoặc vừa do con người vừa viết vừa dùng chatbot.
Ngoài ra, từng có trường hợp bị buộc tội sai. Học kỳ trước, một giáo viên Đại học Texas A&M cáo buộc cả một lớp sử dụng ChatGPT làm bài thi cuối kỳ, tuy nhiên, hầu hết sinh viên sau đó đã được minh oan.
Hơn nữa, việc xác định sinh viên có gian lận bằng chatbot hay không gần như là điều "bất khả thi", trừ phi người làm thú nhận – như 2 trường hợp giáo sư Hick phát hiện. Không giống những trường hợp đạo văn cũ là lấy nguyên văn bản gốc, văn bản tạo ra bởi chatbot mỗi lần đều khác nhau.
Số trường hợp gian lận mà giáo sư Main phát hiện lại rất rõ ràng. Trong lớp viết của năm nhất học kỳ trước ông ghi nhận đến 57 trường hợp không trung thực – cao hơn hẳn so với khoảng 8 trường hợp mỗi học kỳ ở 2 học kỳ trước đó.
Mùa thu năm nay, giáo sư Main cùng đồng nghiệp tiến hành thay đổi. Bài tập khuyến khích sinh viên viết về kinh nghiệm, ý kiến và quan điểm của chính họ. Tất cả bài tập cùng giáo trình đều có quy tắc cấm sử dụng AI nghiêm ngặt.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy chatbot làm thay đổi thói quen học tập và tìm kiếm thông tin của sinh viên.
Dan Rosensweig, Giám đốc Điều hành Chegg Inc (Công ty cung cấp dịch vụ trợ giúp làm bài tập về nhà) cho biết, ChatGPT khiến công ty của ông bị tổn thất. Sinh viên trả tiền dùng dịch vụ của họ trước đây bây giờ chuyển dần sang sử dụng ChatGPT.
Nhân viên quản lý thư hiện Đại học Temple Joe Luci cũng ghi nhận, kể từ khi các chatbot xuất hiện, lượt sử dụng công cụ nghiên cứu truyền thống như sách tại thư viện giảm đáng kể.
“Dường như sinh viên xem đây là cách nhanh chóng để tìm kiếm thông tin mà không cần tốn công sức hoặc thời gian như khi tìm đến một nguồn tài nguyên chuyên dụng”, theo ông Luci.
Cách “đi tắt” như vậy đặc biệt đáng quan ngại, một phần vì thông tin chatbot đưa ra chưa chắc đã chính xác. Giáo sư Bonnie MacKellar (Đại học St. John’s) cũng lo lắng sinh viên mới có thể không học được kỹ năng cần thiết để học các lớp cao hơn.
Về phía sinh viên, họ cũng thấy phiền lòng khi bị cáo buộc gian lận dù họ không làm vậy.
Sinh viên Đại học bang Arizona Nathan LeVang từng bị kiểm tra một bài luận 2.000 từ bằng một phần mềm dò đạo văn. Phần mềm đưa ra kết quả chỉ 22% do con người viết.
“Kết quả chắc chắn không đúng vì đích thân tôi viết từng từ một trong bài luận”, LeVang khẳng định. Tuy vậy, anh vẫn chấp nhận dành thêm thời gian viết lại những đoạn phần mềm dò đạo văn xác định sai.