Các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng việc EVN kinh doanh thua lỗ cũng như một số quy định cho phép EVN tăng giá điện không quá 20%/năm có thể khiến giá điện năm tới tăng cao.

Giới chuyên gia lo ngại sau khi EVN báo lỗ sẽ tìm cách tăng giá điện

Trí Lâm | 27/11/2016, 04:47

Các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng việc EVN kinh doanh thua lỗ cũng như một số quy định cho phép EVN tăng giá điện không quá 20%/năm có thể khiến giá điện năm tới tăng cao.

Trong cuộc làm việc với EVN mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận địnhnăm 2016 ngành điện không phải điều chỉnh giá điện, không vướng phải bức xúc trong dư luận về tình hình giá điện. Sang năm 2017 cũng sẽ không "ồn ào" về giá điện. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, giá điện năm 2017 sẽ tăng chứ không bình lặng như năm 2016.

Nói với báo điện tử Một Thế Giới, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự đoán giá điện sang năm tới sẽ tăng bởi vì nhiệt điện than của Việt Nam hiện nay rất nhiều, trong khi giá than sắp tới sẽ tăng nên nguyên liệu đầu vào tăng lên, chi phí này đươc tính vào giá điện.

Cùng với đó, chuyên gia này cũng cho biếttình hình ngân sách hiện tại không khả quan, năm qua EVN lại báo lỗ nên việc tăng giá hoàn toàn có khả năng xảy ra. Vấn đề là sẽ tăng ở mức nào để cho hợp lý, tránh gây ồn ào trong dư luận.

“Quan trọng là EVN phải công khai, minh bạch hơn nữa các chi phí đầu vào, chứ lâu nay việc này chưa được giải trình rõ ràng, Bộ Công Thương phải kiểm tra kỹ. Ngành điện cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tái cơ cấu. Sắp tới cần phải có lộ trình đầu tư sản xuất điện từ năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời… chứ tập trung vào nhiệt điện than rất tốn kém, ô nhiễm môi trường” – TS Lưu Bích Hồ nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng cần phải tiết kiệm năng lượng, tránh tình trạng lãng phí. Hiện nay Việt Nam cứ tăng được 1% GDP thì tăng tới 4% điện, các nước trên thế giới thì 1% GDP chỉ tăng từ 1-2% điện.

Có chung nhận định, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng nhận địnhnăm 2017giá điện sẽ tăng, thậm chí tăng kịch mức cho phép dongành điện được quyền tăng giá nên không dại gì không tăng. Cùng với đó, EVN đang báo lỗ khoảng 1.000 tỉ đồng vì lỗ tỷ giá vừa qua nên để bù đắp sẽ phải tăng giá điện.

Quyền tăng giá mà vị chuyên gia này đề cập chính là dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân thay thế Quyết định số 69/2013. Theo đó, trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá quy định, EVN có quyền quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá sẽ lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra. Thời hạn điều chỉnh giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng. Như vậy, mỗi năm EVN có thể được điều chỉnh giá 4 lần so với 2 lần như trước.

Mặc dù có nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngại về việc trao thêm quyền cho EVN nhưng Bộ Công Thương cho rằng quyết định này là đúng luật. Bộ này giải thích, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012 thì giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng trên cơ sở khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định. Thủ tướng Chính phủ cũng quyđịnh về cơ chế điều chỉnh giá.

Tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg trước đây, EVN đã được quy định được phép điều chỉnh giá bán điện sau khi đăng ký với Bộ Công Thương. Do vậy đề xuất quyđịnh được phép quyết định điều chỉnh giảm giá điện (không giới hạn tỷ lệ giảm), quyết định tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5% là phù hợp với quyđịnh tại Luật Điện lực, có tính kế thừa các quy định trước đây và phù hợp với định hướng của Chính phủ về việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số147/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Một trong những nội dung sửa đổi là điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện và sản xuất nước sạch. Theo quy định này, mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh và cơ sở sản xuất nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3. Điều này có thể làm tăng chi phí đầu vào đối với ngành điện, do đó, thêm một lý do để ngành điện có thể tăng giá điện trong năm tới.

Để minh bạch hơn trong giá điện, Bộ Công Thương cho rằnghằng năm, sau khi có báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của EVN và các đơn vị thành viên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, mời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tham gia kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm trước liền kề. Sau khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương chủ trì họp báo công bố công khai kết quả kiểm tra. Kết quả kiểm tra được công bố công khai trên trang web công cộng của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực.

Các nội dung công bố công khai bao gồm: Chi phí thực tế các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; kết quả kinh doanh lỗ, lãi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các khoản chi phí được Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính cho phép tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN; các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Hoàng Long
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giới chuyên gia lo ngại sau khi EVN báo lỗ sẽ tìm cách tăng giá điện