Tại tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" ngày 30.7 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia cho rằng vấn đề xác định giá đang là "nút thắt" lớn nhất.
Thị trường và chính sách

Gỡ ‘nút thắt’ giá xăng dầu: Cái gì thuộc về thị trường thì để doanh nghiệp quyết định

Lam Thanh 30/07/2024 14:07

Tại tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" ngày 30.7 do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia cho rằng vấn đề xác định giá đang là "nút thắt" lớn nhất.

Nhiều nút thắt lớn cần sửa

Phó cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình cho biết, qua xem xét biểu đồ về giá cả thị trường đối với mặt hàng xăng dầu thì từ đầu năm 2024 tới thời điểm hiện nay tương đối ổn định, không có biến động lớn.

Theo ông Bình, một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự thay đổi giá là do giá xăng dầu thế giới thay đổi. Khi mổ xẻ các yếu tố cấu thành giá, giá xăng dầu thế giới hiện nay chiếm khoảng 65 - 77% so với giá xăng dầu trong nước, tùy theo mặt hàng xăng dầu.

Về yếu tố chi phí, thuế chiếm khoảng 12 - 29% trong giá xăng dầu. Đối với chi phí kinh doanh định mức (được xác định trên cơ sở báo cáo kiểm toán kinh doanh xăng dầu, cũng như các báo cáo thống kê chi phí thực tế tại doanh nghiệp (DN)) hiện nay dao động từ 7,5 - 11% của giá xăng dầu.

cuong-3.jpeg
Nhiều nút thắt trong điều hành xăng dầu

Một số yếu tố cấu thành giá nữa là về lợi nhuận, hoạt động trích, chi quỹ… cũng ảnh hưởng tới giá xăng dầu,

“Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng một nghị định để thay thế cho nghị định xăng dầu hiện nay. Hy vọng sẽ có những bước chuyển biến trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, hướng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu phù hợp điều kiện thực tế hiện nay”, ông Bình nêu.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo đánh giá mặt hàng xăng dầu hết sức nhạy cảm. Việt Nam cũng đã vượt qua những ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới. Qua đó nhận ra những "nút thắt" rất lớn cần sửa đổi.

“Chúng ta đã bỏ ra nhiều vốn ngân sách, áp dụng nhiều biện pháp mang tính chất về hành chính, nhiều lúc có thể nói là phi thị trường, do đó những bất cập là liên tục xảy ra khi có những biến động”, ông Bảo nêu.

Đại diện hiệp hội cho rằng xăng dầu không hoàn toàn tuân thủ theo quy luật cung cầu thuần túy mà phụ thuộc nhiều vào địa chính trị như: chiến tranh, thiên tai, những sự đầu cơ quá lớn của các tổ chức tài chính bên ngoài… Do đó, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng và không thể thoát ly được khỏi giá xăng dầu quốc tế.

Ông Bảo nhấn mạnh nút thắt trong tất cả các nghị định trong thời gian vừa qua cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá.

“Chúng ta quy định kỹ quá, rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn 7 ngày phải xác định giá (theo Nghị định 95, 80). Như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước làm thay cho doanh nghiệp (DN) kể cả những giai đoạn giá chỉ 15.000 đồng/lít cũng vận hành đúng như thế, chế tài cũng như thế đến giai đoạn giá lên đến 33.000 đồng năm 2022 cũng chỉ có những cơ chế đó vận hành”, ông Bảo nêu.

Theo đó, cần phải có cơ chế để xác định cái gì thuộc về thị trường để các DN quyết định.

cuong-2.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo

Hãy để thị trường điều tiết

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng đồng tình rằng xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, thường xuyên biến động và Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để điều hành, bình ổn giá. Ví dụ điều hành thông qua giá cơ sở, công cụ về thuế, trích lập quỹ bình ổn…

Theo ông Cường, việc điều hành như vậy đã mang lại kết quả khá tích cực, tuy nhiên vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính của Nhà nước áp đặt cho các DN kinh doanh xăng dầu. Khi đã dùng hành chính áp đặt sẽ không bảo đảm lợi ích đứng về mặt lợi nhuận do hoạt động kinh doanh của DN đó tính toán.

“Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, DN không còn lợi ích nữa thì đương nhiên DN sẽ tìm biện pháp để lảng tránh. Điển hình nhất là vừa qua có nơi người ta thông báo hết xăng dầu, không bán được”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, nếu để thị trường quyết định, đương nhiên các DN sẽ cố gắng, nỗ lực làm sao tiết giảm chi phí đầu vào. Thậm chí, họ có thể mua lúc rẻ và bán ra lúc đắt thì sẽ có giá hợp lý mà không chịu giá chung. Điều này khuyến khích các DN tạo ra tiềm lực tốt, kinh doanh tốt.

cuong-1.jpg
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường

Do đó, ông Cường cho rằng phải hướng vào việc thay đổi cơ chế. Cơ chế quản lý hiện nay đang dùng là cơ chế quản lý hành chính Nhà nước, nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết. Hiện nay, xăng dầu sản xuất trong nước có nguồn khá lớn (chiếm 70%), không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và không hoàn toàn bị động.

“Từ đó, giá kinh doanh thế nào phải để cho các DN tự do xác định để có tính cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp nhưng Nhà nước có công cụ để điều tiết. Nếu như DN bán với giá phi thị trường hay trong một giai đoạn nào đó liên kết với nhau để bán với giá cao thì phải chịu sự điều tiết của Nhà nước”, ông Cường nêu.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường khuyến nghị sử dụng các công cụ hiện đại để bình ổn giá xăng dầu, ví dụ công cụ về phái sinh. Theo đó, cần tiến tới việc tạo ra các cơ sở pháp lý và các điều kiện khuôn khổ cho các DN sử dụng công cụ phái sinh này để bình ổn.

Ông Bùi Ngọc Bảo cũng cho rằng phái sinh ở đây không thuần túy là việc đầu tư về tài chính mà đây là những nghiệp vụ phòng vệ giá, tức là bảo hiểm giá xăng dầu.

“Thực tế tất cả các DN xăng dầu trên thế giới đều làm nghiệp vụ phái sinh. Nhưng nếu sử dụng nghiệp vụ này ở Việt Nam, nếu đúng thì không sao nhưng nếu lỗ thì DN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bởi đây là hoạt động tài chính, không được tổ chức hoạch toán”, ông Bảo nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ ‘nút thắt’ giá xăng dầu: Cái gì thuộc về thị trường thì để doanh nghiệp quyết định