Khu vực Akihabara - nơi được mệnh danh như “thiên đường anime” giữa lòng thủ đô nước Nhật, có muôn kiểu quán xá kỳ lạ theo phong cách độc đáo, không giống bất cứ đâu.
Thu hút hàng đầu phải kể đến hình thức cafe “hầu gái.” Những nữ nhân viên dễ thương trong trang phục nàng hầu, tuy nhiên, không mang lại ấn tượng tươi sáng như vẻ ngoài của họ.
Khi khách hàng đúng nghĩa là “thượng đế”
Akihabara (tọa lạc tại phường Chiyoda, trung tâm Tokyo) là chốn vui chơi nổi danh cho du khách lẫn dân bản địa. Nơi đây gồm đa dạng hàng quán kinh doanh và quảng bá văn hóa anime. Sở hữu đội ngũ phục vụ nữ trẻ trung, vận đồ cosplay sặc sỡ đóng giả các nàng hầu, cafe “hầu gái” trở thành địa chỉ giải trí được ưa thích nhất nhì tại chốn này.
Bước vào quán, bạn có thể tận hưởng cảm giác thành “thượng đế” thật sự. Cho mỗi nhóm khách lẻ, một nàng hầu sẽ đến chào mừng và đồng hành cùng họ suốt thời gian ăn uống, thư giãn. Mọi khách hàng đều được nữ nhân viên gọi là “chủ nhân.” Tại bàn, trong khi đợi thức uống mang lên, cô gái chủ động mời khách tham gia trò chơi, bắt chuyện vui vẻ. Chương trình ca hát, biểu diễn do nhân viên thực hiện là nét lôi cuốn khác ở cafe “hầu gái.”
Hình thái giải trí lành mạnh?
Không gian một quán cafe dạng này thường mang dấu ấn rực rỡ, tươi sáng, thậm chí có phần khá “trẻ con.” Các nữ nhân viên luôn được nhìn thấy trong bộ đồng phục nàng hầu với váy ngắn bồng bềnh và đôi tất ren cao. Dù độ tuổi tuyển dụng theo quy định phải từ 18 tuổi trở lên, nhiều cô gái có gương mặt trông chưa quá tuổi vị thành niên.
Với hình thái tổ chức như trên, không ít người nghĩ nơi đây lý tưởng để nhóm bạn trẻ, cùng gia đình có con nhỏ lui tới. Nhưng, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết lượng khách thường trực của cafe “hầu gái” lại là nam giới trung niên. Ở Akihabara, hàng loạt quán cafe mới mở thu hút đông đảo cánh mày râu. Thế nhưng chỉ vài trong số các địa chỉ mang tính nổi danh, hay đủ “sạch,” để trở thành đề cử điểm đến du lịch. Trong khi đó, những nữ nhân viên ở dịch vụ cafe “hầu gái” dành cho người bản xứ, đôi khi được ví von là…geisha (kỹ nữ) hiện đại.
Do chưa đủ tuổi lao động, nhiều “hầu gái” chọn cách giấu giếm công việc tại quán cafe. Họ không muốn gia đình - bạn bè biết mình làm gì sau giờ đến trường, để tránh bị soi mói, lên án.
Vice Magazine, 1 tạp chí văn hóa uy tín của Canada, từng thực hiện phóng sự chuyên đề về loại hình cafe kỳ lạ này. Theo Vice, những cô gái trẻ đóng vai “nàng hầu” không chỉ hứng chịu chỉ trích từ dư luận. Họ còn dễ dàng trở thành con mồi cho nhiều gã khách hàng bệnh hoạn thích sờ mó, thậm chí xâm hại thân thể.
“Schoolgirls for Sale in Japan” - Phóng sự chuyên đề của Vice Magazine, thực hiện năm 2015.
Mặt trái của khuếch trương văn hóa
Điều gì dẫn đến việc cafe “hầu gái” phát triển ở mức khó kiểm soát? Tại Akihabara, văn hóa anime tràn ngập khắp nơi. Những hình tượng nhân vật nổi tiếng bước ra từ thế giới truyện tranh, trò chơi điện tử, có thể được trẻ nhỏ và thanh thiếu niên yêu thích. Tuy nhiên, đây đồng thời là nguồn cơn cho vô số hình thái kinh doanh thiếu lành mạnh.
Giữa trung tâm Tokyo sầm uất, các quán cafe “hầu gái” tồn tại như minh chứng tiêu biểu cho làn sóng văn hóa đặc thù này. Một làn sóng được khuếch trương với muôn mặt xấu - tốt xoay vần, lúc ẩn lúc hiện. Đáng tiếc, luật pháp Nhật Bản hãy còn khe hở đối với vấn nạn tấn công tình dục. Do đó, kiểm soát dịch vụ cafe hay nhà hàng hoạt động như những “kỹ viện” trá hình, đến nay vẫn là nỗ lực không dễ hoàn thiện.
Như Ý