Dù đã vào cuộc làm rõ vụ nổ khí mê tan tại lò số 4A ở mỏ than Phấn Mễ (thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên) khiến 4 công nhân của Công ty TNHH An Phát Thái thương vong, nhưng ông Nguyễn Mạnh Bạo – Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên lại quanh co chối bỏ việc ông làm trưởng đoàn kiểm tra…

Góc khuất sau những chết chóc ở mỏ than Phấn Mễ

Nam Phong | 13/01/2017, 15:58

Dù đã vào cuộc làm rõ vụ nổ khí mê tan tại lò số 4A ở mỏ than Phấn Mễ (thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên) khiến 4 công nhân của Công ty TNHH An Phát Thái thương vong, nhưng ông Nguyễn Mạnh Bạo – Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên lại quanh co chối bỏ việc ông làm trưởng đoàn kiểm tra…

>> Nỗi u uất ở mỏ 'vàng đen' xứ thép Thái Nguyên những ngày giáp tết

Vì sao tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng lại không báo cáo tỉnh?

Sau đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Mạnh Bạo - Chánh Thanh tra sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên vào cuộc làm rõ các vấn đề xung quanh vụ nổ khí mê tan làm 3 công nhân tử vong (Vũ Văn Giang (35 tuổi), Hứa Văn Lực (43 tuổi) và Tạ Quốc Khánh (32 tuổi)), 1 công nhân bị thương nặng vào tháng 1.2016; kết quả đã được làm rõ. Nhưng điều khó hiểu là nó lại không được báo cáo lên UBND tỉnh Thái Nguyên.

Liên quan đến vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng mà Một Thế Giới phản ánh, phóng viên đã có buổi làm việc với các cơ quan liên quan. Cụ thể, ngày 5.1.2017, chúng tôi đã liên lạc với ông Bùi Tuấn Thịnh - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên. Ông Thịnh đã giao ông Nguyễn Mạnh Bạo - Chánh thanh tra sở này trả lời báo chí. Tại buổi làm việc ngày 5.1.2017, ông Bạo một mực khẳng định: Sau vụ sạt lở bãi thải năm 2012 khiến 5 người chết thì tại Mỏ than Phấn mễ không xảy ra bất cứ vụ tai nạn lao động gây chết người.

Ông Nguyễn Mạnh Bạo - Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên trả lời bất nhất về vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm 3 công nhân tử vong, 1 công nhân mất 50% sức lao động.

Ông Bạo chỉ thừa nhận có vụ tai nạn lao động xảy ra đêm 30.1.2016 khi nhóm phóng viên đưa ra các bằng chứng về vụ việc. Ông Bạo quanh co, giải thích: “Vụ đấy trong khu vực Mỏ than Phấn Mễ nhưng lao động là của Công ty An Phát Thái. Người bị nạn không chết ngay màbị bỏng rồi mới chết".

Ông Bạo cũng thừa nhận, sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng trên, ông là trưởng đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành điều tra làm rõ về nguyên nhân vụ tai nạn. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu cung cấp biên bản điều tra, ông Chánh Thanh tra rút điện thoại điện cho ông Bùi Tuấn Thịnh trao đổi, sau đó từ chối cung cấp với lý do: “Sếp bảo những cái gì đã xong rồi thì thôi. Chúng tôi cũng đã có báo cáo rồi”.

Sáng ngày 6.1, đích thân ông Bùi Tuấn Thịnh cùng ông Nguyễn Mạnh Bạo đã có buổi làm việc chính thức với nhóm phóng viên.

Ông Thịnh cho rằng, việc nắm số lượng lao động tại Công ty An Phát Thái là bao nhiêu, được huấn luyện thế nào là trách nhiệm của phòng LĐTBXH cấp huyện.

Tại buổi làm việc này, ông Thịnh cho biết, trên toàn tỉnh có gần 3.000 doanh nghiệp, lực lượng thanh tra sở chỉ có vài người, lại rất nhiều việc nên mỗi năm chỉ được thanh tra vài chục doanh nghiệp. Trở lại vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng ở mỏ than Phấn Mễ đêm 30.1.2016, ông Thịnh nói, sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động, phía Cơ quan công an chủ trì.

Còn ông Bạo cho biết, “vụ việc này chúng tôi chưa báo cáo lên UBND tỉnh Thái Nguyên”. Khi được hỏi, vì sao lại không báo cáo UBND tỉnh thì ông Bạo giải thích rằng vì trên tỉnh không có văn bản yêu cầu báo cáo.

“Thời điểm ấy chúng tôi chưa nhận được yêu cầu báo cáo, chỉ đến tháng Tư vừa rồi, khi xẩy ra vụ bục túi ở Mỏ than Khánh Hòa thì lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên mới có yêu cầu tất cả các vụ việc liên quan đến tai nạn chết người phải có báo cáo lên UBND tỉnh”, ông Bạo nói.

Đùn trách nhiệm cho đơn vị cấp dưới

Liên quan tới việc sử dụng lao động của Công ty TNHH An Phát Thái, theo quy định (được ghi rõ trong Hợp đồng kinh tế giữa Mỏ than Phấn Mễ và An Phát Thái) thì Công ty An Phát Thái phải đăng ký lực lượng lao động với Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên và công nhân phải được huấn luyện an toàn lao động trước khi làm việc theo qui định của Luật lao động.

Tuy nhiên, dù sau khi vụ tai nạn lao động làm 3 người chết xảy ra, cơ quan thanh kiểm tra phát hiện, tất cả các nạn nhân đều chưa được huấn luyện an toàn lao động – Vệ sinh lao động đúng nhóm qui định.

Điều kiện làm việc tại các giếng than ở mỏ than Phấn Mễ liệu có đảm bảo an toàn?

Hơn nữa, chính hai vị lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên cũng khẳng định tại buổi làm việc với phóng viên rằng: Công ty An Phát Thái không đăng ký lao động với Sở mà chỉ báo cáo theo định kỳ. Tình hình lao động, tai nạn lao động họ chỉ việc báo cáo. Việc huấn luyện cho lao động cũng do DN chịu trách nhiệm, Sở chỉ tuyên truyền, phổ biến qui định pháp luật mà thôi.

Nói về qui định trong bản hợp đồng giữa Mỏ than Phấn Mễ và An Phát Thái, ông Bạo khẳng định: “việc này tùy vào thỏa thuận giữa hai bên, miễn là theo qui định của pháp luật”.

Trả lời câu hỏi: Sở có nắm được số công nhân đang lao động tại mỏ than Phấn Mễ và Công ty An Phát Thái hay không? Ông Thịnh khẳng định: Phía Sở không nắm được, mà việc này do các Phòng Lao động ở các huyện, thị quản lý.

Vì sao không khởi tố hình sự?

Theo biên bản điều tra tai nạn lao động của đoàn kiểm tra, vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng làm 3 công nhân tử vong, 1 công nhân bị thương nặng, mất 50% sức lao động xảy ra vào khoảng 20 giờ ngày 30.1.2016. Địa điểm xảy ra vụ tai nạn được xác định là tại lò 4A thuộc phân xưởng khai thác giếng IX, Công ty TNHH An Phát Thái (thuộc địa phận xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

Ngày 24.3.2016 Đoàn điều tra tai nạn lao động đã có cuộc họp, với đại diện các cơ quan chức năng gồm Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Từ, Viện KSND tỉnh Thái Nguyên và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất kết luận: “Chưa phát hiện dấu hiệu tội phạm để xem xét chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự”.(?)
Đoàn điều tra cũng nhận thấy, cán bộ kỹ thuật chưa kịp thời phát hiện nguyên nhângia tăng các loại khí cháy, tại vị trí gương lò thời điểm bục túi khí Mê tan chưa thể đảm bảo đủ lưu lượng gió cần thiết để kịp thời giảm lượng khí mê tan xuống mức an toàn.

Nội quy an toàn, Công ty An Phát Thái đặt tại các điểm giếng, lò khai thác than ở mỏ than Phấn Mễ

Đoàn điều tra thống nhất giao Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thái Nguyên xử lí vi phạm đối với hành vi vi phạm của các cá nhân. Yêu cầu An Phát Thái thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho tất cả công nhân có thời gian lao động ổn định theo hợp đồng lao động tại công ty theo qui định của pháp luật. Trong số tất cả các nạn nhân tử vong đều không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên không được hưởng chế độ bảo hiểm. Các nạn nhân chưa được huấn luyện An toàn lao động - Vệ sinh lao động đúng nhóm qui định.

Trong một diễn biến khác, trả lời báo chí về vụ tai nạn nói trên, ông Vũ Hồng Bắc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định, sẽ kiểm tra thông tin, tuyệt đối không bưng bít số người chết ở mỏ than Phấn Mễ.

Còn ông Bùi Thanh Hải - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Theo yêu cầu, những vụ việc nghiêm trọng như thế này thì Sở Lao động TBXH phải báo cáo cho UBND tỉnh. Phía tỉnh sẽ cho rà soát lại để xem có việc “bưng bít” thông tin hay không; sẽ yêu cầu Sở LĐ và các cơ quan liên quan làm báo cáo giải trình bằng văn bản.

Theo tài liệu có được, liên quan đến những sai phạm tại mỏ than Phấn Mễ, trước đó Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên cũng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện ra rất nhiều sai phạm tại mỏ than này. Cụ thể, hồ sơ đất đai, khoáng sản chưa đầy đủ theo quy định; chưa làm thủ tục cấp lại giấy phép khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản; mua than của các tổ chức, cá nhân không rõ nguồn gốc hợp pháp, kích thích việc khai thác trái phép; chưa thực hiện đúng nội dung đã cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa chấp hành đúng các quy định của Luật khoáng sản….

Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc khuất sau những chết chóc ở mỏ than Phấn Mễ