Tác phẩm màn ảnh rộng đầu tay của đạo diễn người Anh Francis Lee không chỉ tập trung vào câu chuyện tình đồng giới lãng mạn, gợi nhiều xúc cảm. Cái kết đầy hy vọng ở ‘God’s Own Country’ dường như là điều dòng phim điện ảnh LGBT vẫn luôn khao khát tìm kiếm.

‘God’s Own Country’ - phim đồng tính hiếm hoi với cái kết đẹp mãn nhãn

nhu y | 26/03/2018, 07:05

Tác phẩm màn ảnh rộng đầu tay của đạo diễn người Anh Francis Lee không chỉ tập trung vào câu chuyện tình đồng giới lãng mạn, gợi nhiều xúc cảm. Cái kết đầy hy vọng ở ‘God’s Own Country’ dường như là điều dòng phim điện ảnh LGBT vẫn luôn khao khát tìm kiếm.

Thể loại phim đồng tính vài năm gần đây trải qua không ít đổi mới thú vị. Sau khi ‘hiện tượng phòng vé’ như ‘Moonlight’ đoạt tượng vàng Oscar, ‘A Fantastic Woman’ và ‘Call Me by Your Name’ nối tiếp thành công, thu về hàng loạt giải thưởng danh giá quốc tế. Dẫu vậy, không phải dự án phim LGBT nào mang giá trị nội dung nổi bật đều được chú tâm rộng rãi.

‘God’s Own Country,’ ứng viên mới cho hạng mục phim điện ảnh xuất sắc từ BAFTA 2018 (sự kiện trao giải thường niên uy tín của Nghiệp đoàn Điện ảnh Anh quốc), là một ‘viên ngọc’ còn đang bị bỏ lỡ.

Tác phẩm viết và dàn dựng bởi Francis Lee mô tả mối quan hệ giữa Johnny (Josh O’Connor), chàng nông dân trẻ ở miền đồng quê Yorkshire, và Gheorghe (Alec Secareanu), một người Rumani di cư sang Anh.

Phim tiếp cận một số vấn đề gai góc đương đại, từ bình đẳng giới đến nạn phân biệt đối xử người nhập cư. Duy, điểm sáng trung tâm - câu chuyện tình nhiều biến động của 2 nhân vật chính, ẩn chứa thứ rất hiếm khi tồn tại nơi phần lớn dự án điện ảnh LGBT hiện thời: một kết thúc hạnh phúc đúng nghĩa.

Nói về bộ phim chính kịch đầu tay, đạo diễn Francis Lee cho biết, ông vẽ nên hình tượng Johnny nhờ hàng giờ lặng lẽ quan sát người lạ trên tàu và xe buýt. “Tôi thích ngồi nhìn ngắm mọi người giao tiếp, tương tác cùng nhau, chẳng hạn trên tàu xe công cộng, theo vô số phương thức khác nhau.”

“Tôi ấn tượng khi quan sát nam giới. Những người vẻ ngoài cứng rắn nhưng đôi khi lại bộc lộ nét mềm yếu nội tâm.”

Thông qua nhân vật Johnny, ông mong muốn khám phá sự đối nghịch, đấu tranh trước cảm nhận yêu thương, nương tựa người với người. Johnny không biết cách giải bày - trò chuyện với cha đẻ, vốn đang lâm bệnh nặng, hay với Gheorghe, người anh dần nhận ra mình đã phải lòng.

Lee chia sẻ, “Tôi không nghĩ (là đàn ông) bạn được phép thể hiện tính cách yếu đuối. Nhất là những ai sinh trưởng trong môi trường như Johnny… bạn bị nhắc nhở phải luôn cứng cỏi, rằng thế giới bạn sống không có chỗ cho sự yếu mềm".

Bối cảnh phim (tại khu Tây Yorkshire), thực tế, chỉ cách quê nhà vị đạo diễn người Anh vài phút lái xe. Ông xây dựng tác phẩm, xuất phát ngay từ trãi nghiệm cá nhân của một người đồng tính lớn lên giữa chốn nông thôn hãy còn tiềm tàng muôn vàn định kiến, về giới tính lẫn địa vị xã hội.

‘God’s Own Country’ lột tả đề tài kỳ thị đồng tính theo hướng dung dị nhưng đặc biệt truyền cảm. Ở nhiều phân cảnh cao trào, Johnny và Gheorghe dùng từ ‘faggot’ (‘bóng’) để gọi lẫn nhau. Dù vậy, thay vì lưu giữ dấu ấn nặng nề - dằn vặt, cái tên ám chỉ nhạy cảm với cộng đồng LGBT đã mang tầng nghĩa khác.

Tình yêu giúp làm vơi đi cả ‘sức nặng’ ngôn từ, gợi nên biểu trưng tích cực hơn. Lee nhận xét, “Một trong hai nhân vật chính sẽ nói từ đấy, để người còn lại bật cười. Và tôi thích cảm giác đổi thay này. Cho dù họ gọi nhau như thế, tiếng nói cất lên không hề vương vấn sự trách móc, ghét bỏ".

Trên hết, có thể khiến người xem nhắc nhớ lẫn ghi dấu thật sự đối với cánh phê bình quốc tế, là cảnh kết trong ‘God’s Own Country.’

Tự tay chấp bút cho dự án phim, Francis Lee nhấn mạnh: “Tôi không phải người cuồng điện ảnh. Do đó, trước đây, tôi không hề nhận ra hiện có quá nhiều đề cử phim đồng tính thiếu vắng cái kết đẹp".

Lee nói, vừa tiến hành soạn kịch bản, ông đã xác định câu chuyện giữa Johnny và Gheorghe cần một kết thúc tươi sáng. “Chỉ đến khi nhiều người xung quanh tôi liên tục bàn tán về việc phim LGBT luôn đầy bi kịch với cái kết quá buồn, tôi mới hiểu dự án mình đang tạo ra sẽ khác biệt ra sao".

“Khi tôi còn là một đứa trẻ lớn lên ở vùng quê Yorkshire giai đoạn 1970-80, chúng tôi không thật sự đến rạp chiếu phim. Bạn chỉ có thể xem qua tivi, băng đĩa một vài phim Hollywood nổi tiếng bấy giờ. Những đề cử đậm chất lãng mạn như ‘An Officer and a Gentleman,’ ’Working Girl’ hay ‘Pretty Woman.’ Nghĩ tới kỉ niệm quá khứ, khi viết tác phẩm này, tôi mong muốn dệt nên đoạn kết mỹ mãn tương tự.” - Lee tiết lộ.

Với ‘God’s Own Country’, có lẽ ông đã dựng thành công một bộ phim đẹp lôi cuốn theo phong cách riêng. Như lời ông nói về bản thân: “Là người bình thường như bao người, tôi luôn yêu sự hy vọng".

Như Ý (theo HollywoodReporter)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘God’s Own Country’ - phim đồng tính hiếm hoi với cái kết đẹp mãn nhãn