Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho rằng Chính phủ cần phải làm rõ và xây dựng các kịch bản, phương án cân đối giữa khả năng huy động vốn, hấp thụ vốn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Gói hỗ trợ phải quan tâm đến hiệu quả
Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa 15, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng gói hỗ trợ phải quan tâm đến hiệu quả và cam kết sản phẩm đầu ra.
“Mục tiêu của gói phục hồi lần này hướng đến là chấp nhận bội chi và đi vay, để sau một thời gian nhất định thu được chi phí lớn hơn. Vì vậy, vấn đề hiệu quả của dự án là phải trả lời được câu hỏi, với trên 346.000 tỉ đồng đạt kết quả cụ thể gì và với mục tiêu như vậy, đề án cần quy định rất rõ hiệu quả đầu ra”, đại biểu Mai phân tích.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng Chính phủ cần phải làm rõ và xây dựng các kịch bản, phương án cân đối giữa khả năng huy động vốn; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Theo bà Sương, trong bối cảnh hiện nay, việc cung ứng một lượng rất lớn vốn cho nền kinh tế, với tổng quy mô hỗ trợ như của chương trình đề xuất cần phải tính toán, cân nhắc.
Theo đó, cần thiết phải có thời gian để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách hiện tại, cũng như về độ trễ khi áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách mới để huy động và phát huy các nguồn lực, nhất là khi thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật tại kỳ họp này.
Đồng thời, những vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai có ảnh hưởng lớn đến vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư và tiến độ giải ngân vốn đầu tư; nguồn lực cho thực hiện chương trình vẫn còn một số khoản chưa được xác định rõ, các phương án phát hành trái phiếu trong nước và nước ngoài… chưa được giải trình.
Song song với đó, dù kinh tế phục hồi, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn trong thời gian tới, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn chậm, nhất là đã trải qua một thời gian dài gặp khó khăn; tâm lý thận trọng trong tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến sức mua, nhu cầu của thị trường... Các yếu tố này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ vốn.
Ngoài ra, theo bà Sương, hiện các quốc gia đang phát triển đối mặt với áp lực lạm phát tăng cao, nhất là các nước có độ mở kinh tế lớn, phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào nhập khẩu. Do đó, cần thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp với khả năng huy động nguồn lực và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, vừa tác động cả phía cung và phía cầu, đáp ứng yêu cầu cả trong ngắn và dài hạn.
Cần lượng hóa sự tác động
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn đề nghị Chính phủ cần xác định nhu cầu kinh tế từ doanh nghiệp, người dân, việc làm, lao động để đưa ra khung chính sách cho phù hợp hơn; cần lượng hóa, đánh giá tác động thêm về lạm phát và cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa giải pháp tài khóa với giải pháp tiền tệ.
Đối với giải pháp tài khóa quy định tại khoản 1, điều 3, đại biểu Trần Đình Văn cho rằng còn có nhiều điểm chưa hợp lý khi quy định mức giảm thuế giá trị gia tăng. Do đó, cân nhắc mở rộng phạm vi và tăng mức giảm, đặc biệt, giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu.
Theo ông Văn, điều này vừa kích thích thị trường, vừa hỗ trợ cho cả cung - cầu, mang lại giá trị cho xã hội rất tốt. Hơn nữa, đây cũng là giải pháp dễ thực hiện hơn so với giải pháp khác. Ngoài ra, chính sách tài khóa cần xác định rõ đối tượng được ưu tiên vào thời điểm nhất định. Ở giai đoạn hiện tại, tập trung cho y tế và phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, theo ông Văn, chi cho phòng chống dịch là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế và do đó là khoản chi tất yếu. Tuy nhiên, cần tính thêm khoản chi cho mua vắc xin (tới đây không còn được viện trợ) và mua thuốc chữa trị COVID-19. Khoản chi này nên tách riêng thành một điểm riêng, không nên nằm trong quy định về chi đầu tư phát triển.
Song song với đó, cần phải tiến tới xã hội hóa tiêm vắc xin và điều trị COVID-19 để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, phải chủ trương xem COVID-19 là một bệnh đặc hữu, từ đó cho phép sự vào cuộc của y tế tư nhân.
Đấu thầu hay chỉ định thầu?
Về cho phép áp dụng chỉ định thầu (khoản 1, điều 5), ông Văn cho biết đấu thầu rộng rãi về lý thuyết là hình thức tốt được áp dụng nhằm lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực; tính minh bạch cao và khả năng hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam cho thấy việc đấu thầu chưa chắc đã chọn được nhà đầu tư tốt, đấu thầu không phải là chìa khóa vạn năng.
“Hiện tượng quân xanh quân đỏ, sự bất công giữa bên trúng thầu và người thực hiện thầu là những vấn đề tiêu cực từ đấu thầu đã được minh chứng trong thời gian qua”, ông Văn nhấn mạnh.
Theo đó, việc chỉ định thầu trong một số trường hợp là cần thiết nếu thực sự cần có tư duy mạnh dạn đổi mới, hoàn thành các dự án trọng điểm, cấp bách. Tuy nhiên, mặt trái của chỉ định thầu là tiêu cực (cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm); dễ phát sinh tình trạng thông thầu; khó thực hiện (đặc biệt là đối với dự án giao thông từ nhiều nguồn, không rõ chỉ định thầu như thế nào) và không công bằng, không bình đẳng trong việc thực hiện dự án đầu tư.
“Việc đấu thầu hay chỉ định thầu đều có ưu điểm và hạn chế, việc lựa chọn hình thức nào phải cân nhắc thật kỹ”, ông Văn nói.
Đại biểu Trần Đình Văn bày tỏ quan điểm đồng ý với phương án chỉ định thầu trong dự thảo, nhưng không coi là hình thức thay thế đấu thầu một cách hoàn toàn. Cụ thể, chỉ nên áp dụng đối với một số dự án và phải đưa ra tiêu chí, điều kiện rất cụ thể nhằm hạn chế việc chỉ định thầu tràn lan; cho phép chủ đầu tư được quyền chọn theo hình thức chỉ định hay hình thức khác…