Theo PGS-TS Lê Văn Ái (Học viện Tài chính), kể từ năm 2022 trở về sau, đối với hàng nông, thủy sản Việt Nam, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như những năm trước.

Từ 2022, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với hàng nông sản?

Hoài Lam | 07/01/2022, 11:59

Theo PGS-TS Lê Văn Ái (Học viện Tài chính), kể từ năm 2022 trở về sau, đối với hàng nông, thủy sản Việt Nam, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như những năm trước.

Hàng loạt rào cản từ phía Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường đầy tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung Quốc đưa ra những quy định mới chặt chẽ hơn về chất lượng và an toàn thực đối với hàng nông, thủy sản nhập khẩu.

Cụ thể, theo lệnh 248, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài xuất thực phẩm sang thị trường Trung Quốc phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc; lệnh 249 Hải quan Trung Quốc yêu cầu đánh giá phù hợp, đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia; nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; thay đổi về yêu cầu ghi nhãn...

Cùng với 2 lệnh trên, năm 2022 Trung Quốc cũng có những quy định về hình thức và địa điểm xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam như hạn chế xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch (biên mậu vùng biên), gia tăng hình thức xuất khẩu chính ngạch đồng thời có những quy định về những địa điểm nhất định về cửa khẩu xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam.

Ngoài ra về quản lý nhà nước đối vấn đề nhập khẩu nông thủy sản Trung Quốc cũng đã có những thay đổi nhất định khi Tổng cục Giám sát chất lượng, Kiểm nghiệm và Kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) bị giải thể và Vụ Kiểm dịch động thực vật, Vụ an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu được chuyển sang một cơ quan cấp bộ trực thuộc Chính phủ Trung quốc là Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

nong-san.jpg
Hàng nghìn xe nông sản ùn tắc tại cửa khẩu với Trung Quốc

Theo PGS-TS Lê Văn Ái (Học viện Tài chính), kể từ năm 2022 trở về sau, đối với hàng nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như những năm trước. Đây là vấn đề mà Việt Nam phải tính đến nếu muốn khai thác một thị trường đầy tiềm năng cho nông, thủy sản của Việt Nam.

“Muốn khai thác được thị trường đầy tiềm năng còn nhiều dư địa đối hàng nông thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc không có cách nào khác là Việt Nam phải thích ứng với những rào cản từ phía Trung Quốc; chủ động nghiên cứu tháo gỡ những rào cản từ khâu sản xuất, xuất khẩu hàng nông, thủy sản của mình”, ông Ái nói.

Nông sản chủ yếu vẫn đi tiểu ngạch

Theo PGS-TS Lê Văn Ái, về chất lượng, an toàn thì nông, thủy sản, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Về cơ bản sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn nền sản xuất thô về sản phẩm, thấp về đẳng cấp, tiêu tốn nhiều nguồn lực, ứng dụng KH-KT, cơ giới hóa còn ở mức khiêm tốn; sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới chưa cao, thậm chí có một số lĩnh vực đi sau thế giới khá xa.

“Các nguyên nhân của tình trạng này là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là kinh tế hộ, năng suất lao động thấp mà giá thành nông sản lại cao; thiếu tính liên kết trong nội bộ ngành nông nghiệp và giữa ngành nông nghiệp với các ngành kinh tế khác như công nghiệp và dịch vụ; tạo ra quá nhiều tầng nấc trung gian trong chuỗi giá trị...”, ông Ái đánh giá.

Ngoài ra, ông Lê Văn Ái cho rằng việc xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam còn bị động, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng mọi công đoạn, từ mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật, thực vật, quy trình canh tác cho tới bao bì, đóng gói và khâu vận chuyển...

“Chẳng hạn hiện nay Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 9 loại trái cây, nhưng có đến 8/9 loại trái cây là chưa ký thỏa thuận về kiểm dịch thực vật. Do đó, phía Trung Quốc đang phải kiểm hóa 100% các lô hàng”, ông Ái nói.

le-van-a.jpg
PGS-TS Lê Văn Ái (Học viện Tài chính) tại một hội thảo

Ngoài ra, theo Lệnh 248 của Trung Quốc, để xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký trực tiếp với Hải quan Trung Quốc, tuy nhiên hiện tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam đăng ký còn hạn chế.

Cũng theo ông Lê Văn Ái, hiện nay xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch, mà xuất nhập khẩu tiểu ngạch thường không có tính ổn định, giá trị mỗi giao dịch nhỏ. Bước sang năm 2022, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông, thủy sản bằng con đường tiểu ngạch, chuyển sang chủ yếu nhập khẩu nông, thủy sản bằng con đường chính ngạch. Hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch phải được kiểm duyệt kĩ lưỡng về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn khắt khe hơn, tính ổn định cao hơn.

“Chính vì vậy, để có thể tích ứng với yêu cầu từ phía Trung Quốc, doanh nghiệp cũng như Nhà nước Việt Nam phải chủ động trong việc thỏa mản những điều kiện, tiêu chí xuất khẩu nông, thủy sản bằng con đường chính ngạch”, ông Ái nêu.

Phải giải quyết được vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm

Muốn thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam qua thị trường Trung Quốc trong những năm tới, PGS-TS Lê Văn Ái cho rằng cần tập trung giải quyết 2 vấn đề nổi cộm là chất lượng và an toàn thực phẩm.

Theo ông Ái, Việt Nam cần tập trung phát triển nông sản, thực phẩm hữu cơ. Theo đó, cần lựa chọn chính xác sản phẩm, quy hoạch xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái thích hợp gắn du lịch và chủ thể tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa. Vùng và thương hiệu sản phẩm là điều kiện thành công của nông sản, thực phẩm hữu cơ.

Ngoài ra, cần có biện pháp làm cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm hữu cơ chiếm lĩnh trước hết kênh siêu thị và trung tâm thương mại trong nước, sau đó lan tỏa ra kênh chợ truyền thống và xuất khẩu.

nong-san-2.jpg
Nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu cốt yếu

Song song với đó, ông Lê Văn Ái cho rằng cần thực hiện chiến lược là ba thứ quân (doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân) và thực hiện chiến thuật thay dần biện pháp hóa học sang biện pháp sinh học nhằm bảo đảm là an toàn, sạch, hữu cơ đẩy lùi dần thực phẩm bẩn; hoàn thiện quy tắc định chuẩn cho sản phẩm...

Ngoài biện pháp thúc đẩy phát triển nông sản, thực phẩm hữu cơ, ông Ái cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần cập nhật những quy định về nhập khẩu nông, thủy sản từ phía Trung Quốc và sự biến động của thị trường để có những đối sách thịch hợp và kịp thời phổ biến cho doanh nghiệp trong nước. Nếu thiếu thông tin, hoặc thông tin không chính xác về thị trường nhập khẩu, thì hoạt động xuất sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chuyên gia này cũng cho rằng cần triển khai thực hiện nghiêm túc khâu thẩm định chất lượng, an toàn thực phẩm ngay từ khâu sản xuất, chế biến, đóng gói, bảo hành, vận chuyển; xây dựng những tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm hàng nông, thủy sản Việt Nam làm cơ sở cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng nông, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

“Để có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam vào thị trường này trong những năm tới, không có cách nào khác là tìm những giải pháp bảo đảm những quy định từ phía Trung Quốc về chất lượng và an toàn thực phẩm”, ông Ái nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ 2022, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với hàng nông sản?